Thế hệ kế thừa do ông Võ Quốc Thắng (hàng đầu, thứ hai từ trái sang) đại diện, nhận cờ truyền thống từ ông Võ Thành Lân, người sáng lập thương hiệu Đồng Tâm. Ảnh: Lê Toàn. |
Từ mấy chục năm qua, cái tên “Gạch Đồng Tâm” với ông chủ Võ Quốc Thắng đã không còn xa lạ với nhiều người bởi không chỉ vì sản phẩm Đồng Tâm được tiêu thụ mạnh trong cả nước mà còn vì những hoạt động ngoài kinh doanh của công ty và bản thân ông chủ tịch hội đồng quản trị. Chính vì vậy, cuộc trò chuyện của Thời báo Kinh tế Sài Gòn với ông Võ Quốc Thắng, nhân kỷ niệm 40 năm thành lập thương hiệu Đồng Tâm, cũng bao quát nhiều vấn đề bên cạnh chuyện sản xuất.
TBKTSG: Kỷ niệm 40 năm thành lập thương hiệu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang suy thoái. Ông nghĩ gì về sự trùng hợp này?
- Ông Võ Quốc Thắng: Có thể rút ra hai điều. Thứ nhất, phải kiên trì với mục tiêu của mình, tức là nhờ đầu tư đúng ngành nghề chính nên cuộc khủng hoảng kinh tế chỉ ảnh huởng phần nào tới việc tiêu thụ sản phẩm chứ không tác động mạnh trên toàn công ty. Thứ hai, qua khủng hoảng mới thấy sự đoàn kết gắn bó trong nội bộ là quan trọng. Cụ thể, 3.500 công nhân viên của Đồng Tâm không ai nghỉ việc hay rời bỏ công ty dù đang trong giai đoạn khó khăn, nhờ vậy mà nhân sự không biến động, hoạt động sản xuất vẫn ổn định.
TBKTSG: Từ một cơ sở nhỏ ban đầu, nay phát triển thành một tập đoàn với 15 công ty con, dường như đã có việc tái cấu trúc lại thành phần lãnh đạo?
- Đồng Tâm chưa phải tập đoàn mà mới là một nhóm công ty gồm 15 thành viên. Tất nhiên trong tương lai sẽ không dừng lại ở con số đó, do vậy từ tháng 1-2009 chúng tôi đã thay đổi cơ cấu quản lý, điều hành. Hội đồng quản trị (HĐQT) và ban điều hành gồm tổng giám đốc và sáu phó tổng giám đốc đã tách riêng hẳn, thành viên ban điều hành thì không tham gia HĐQT.
Chúng tôi cũng mạnh dạn mời những người có chuyên môn sâu, kinh nghiệm, uy tín trong nước và quốc tế tham gia HĐQT và ban điều hành. Song song đó là việc tin học hóa công tác quản lý. Hiện giờ, chỉ cần một thao tác nhấp chuột là tôi có thể biết doanh số hiện tại trong toàn hệ thống, những thông tin, số liệu cụ thể ở từng khu vực, nhà máy, chi nhánh…
Như Samsung, Hyundai, Sony, Honda… ngày nay là niềm tự hào của đất nước và người dân Hàn Quốc, Nhật Bản. Chúng tôi cũng vậy, mong ước trong 10, 20, 50 hay 100 năm nữa Đồng Tâm sẽ trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu của châu Á hoặc hơn nữa.
TBKTSG: Đồng Tâm sẽ làm gì để đạt được mục tiêu này?
- Lĩnh vực xây dựng và kiến trúc còn rất nhiều tiềm năng. Mơ ước của Đồng Tâm là có khả năng “sản xuất” trọn một căn nhà, kể cả xây nhà để kinh doanh. Tức là chúng tôi muốn có nhà máy sản xuất xi măng, nhà máy đá, gạch, công ty xây dựng, đội vận tải… Nói chung là cung ứng từ A-Z cho một công trình. Ước mơ này không quá xa vời vì ngày nay không nhất thiết phải thành lập công ty mà có thể tham gia cổ phần, hợp tác chiến lược… với nhiều đối tác. Mục tiêu như vậy nên chúng tôi cơ cấu 50% hoạt động là sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng; 35% là đầu tư khu công nghiệp, xây dựng hạ tầng, xây dựng và kinh doanh nhà. Chúng tôi dành 15% đầu tư vào 10-20 công ty sản xuất mặt hàng mới, coi như mở rộng lĩnh vực hoạt động.
TBKTSG: Thời nay hay nói nhiều đến văn hóa doanh nghiệp. Với Đồng Tâm thì sao?
- Chúng tôi thường tự hỏi, mình làm việc để làm gì? Và câu trả lời cũng chính là slogan của công ty: “Làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn” với đất nước và con người Việt Nam, với mỗi thành viên trong công ty và với từng khách hàng của Đồng Tâm… Ngày công ty cho ra lò mẻ gạch men đầu tiên, nhiều người lo sản phẩm sẽ bị hàng ngoại đè bẹp. Nhưng điều đó chẳng những không xảy ra mà ngày nay, khi nói đến vật liệu xây dựng, nhiều người nghĩ ngay đến Đồng Tâm. Đây là điều rất đáng tự hào cho một thương hiệu Việt Nam. Chúng tôi mong muốn sẽ làm cho những người kế thừa sau này càng tự hào hơn ngày hôm nay. Đó là văn hóa của Đồng Tâm.
TBKTSG: Quay sang lĩnh vực bóng đá một chút, gần đây ít thấy ông xuất hiện với đội bóng. Có phải Đồng Tâm không còn quan tâm lĩnh vực này?
- Vai trò của chủ tịch HĐQT là định hướng phát triển và theo dõi các hoạt động chung trong công ty. Khi bộ máy ổn định và đã giao việc thì hãy để anh em làm, không can thiệp quá sâu. Với đội bóng cũng vậy, tôi chỉ xuất hiện lúc cần thiết. Trước đây tôi dành 10% thời gian cho đội bóng thì nay chỉ còn 2-3% thôi.
TBKTSG: Còn công tác xã hội?
- Tôi chỉ xin kể một câu chuyện. Một hôm xem thời sự trên truyền hình thấy đưa ra con số thống kê có 20% học sinh phải bỏ học, chủ yếu do hoàn cảnh nghèo khó. Tôi nghĩ số 20% học sinh này tương lai sẽ ra sao, sống bằng nghề gì... Vậy là tôi quyết định cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức chương trình “Tiếp sức đến trường - Ngăn dòng bỏ học” vào cuối năm 2008 nhằm tài trợ cho 1.800 em có điều kiện trở lại trường.
TBKTSG: Là chủ tịch một nhóm 15 công ty, thời gian của ông được sử dụng thế nào?
- Từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối tôi dành cho công ty. Sau đó là về nhà nhưng cũng không hẳn đã xong việc, có khi phải thức tới 2-3 giờ sáng để làm việc. Với tôi, chắc không bao giờ hết việc. Nói chung, là doanh nhân thì không thể nói mình rảnh được.
TBKTSG: Những người trẻ mới khởi nghiệp bây giờ so với thời của ông thì sao?
- Ngày nay, khi vào đời hầu như ai cũng muốn làm chủ. Nguyện vọng này đáng trân trọng nhưng không hoàn toàn đúng. Theo thống kê mới đây của SBA (Small Business Administration) ở Mỹ, trong năm đầu tiên mới thành lập, khoảng 50% doanh nghiệp sẽ thất bại và trong vòng năm năm thì có 95% sẽ thất bại. Vì sao ư? Một doanh nghiệp nhỏ sẽ bị nhiều áp lực hơn như vay tiền với lãi suất cao hơn (do ngân hàng không tin tưởng lắm), mua nguyên liệu mắc hơn (do số lượng ít), thị phần nhỏ (do không có thương hiệu)... Chính vì vậy mới cần hình thành nên các tập đoàn kinh tế lớn. Theo tôi, cách tốt nhất là các doanh nghiệp Việt Nam nên hợp tác với nhau để gộp chung sức mạnh.
Bây giờ luật pháp ngày càng rõ ràng và đầy đủ hơn. Môi trường kinh doanh cũng nhiều thuận lợi hơn. Hiện doanh nghiệp có nhiều nguồn tín dụng để vay mua máy móc, thiết bị. Trình độ nhân viên hiện nay cũng cao hơn, được đào tạo bài bản cộng với vốn ngoại ngữ lưu loát đang là những thuận lợi lớn. Nhưng cạnh tranh cũng khắc nghiệt hơn.
TBKTSG: Theo ông, đâu là phương châm kinh doanh trong thời buổi hội nhập này?
- Bám rễ và khai thác hết thị trường trong nước, dành một phần tài lực để làm quen với thị trường nước ngoài. Trong một trận đánh, nếu cứ ào lên tấn công mà không có hậu tuyến phía sau, khi cần thì không phòng thủ kịp.
TBKTSG: Đồng Tâm hiện là công ty cổ phần với vốn điều lệ hơn 500 tỉ đồng và vài ngàn cổ đông, công ty có nghĩ đến chuyện “lên sàn”?
- Về nguồn vốn đầu tư, có thể vay ngân hàng hoặc huy động vốn từ nhà đầu tư. Mục đích của việc niêm yết trên thị trường chứng khoán là để huy động vốn nhưng tại thời điểm này, nhà đầu tư không còn tiền hoặc tâm lý vẫn còn dè dặt thì lấy gì huy động. Vì vậy, cổ phiếu của công ty sẽ được niêm yết vào thời điểm phù hợp và có lợi nhất.
(Theo Chánh Khải thực hiện // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com