Trái với tốc độ tăng trưởng vượt bậc dịch vụ di động, điện thoại cố định ngày càng càng teo tóp dần, dù các hãng viễn thông vẫn không ngừng đầu tư.
Hai tháng nay, chiếc điện thoại bàn nhà chị Bình ở Đống Đa, Hà Nội bị đứt đường dây. Ai gọi đến máy chỉ báo bận hoặc tiếng tút dài, thế nhưng, chị Bình cũng chẳng muốn gọi thợ đến sửa. Mà gọi cũng chẳng biết bấm tới số nào, lâu lắm rồi, chị có sử dụng điện thoại cố định đâu. Cần liên hệ với ai, hoặc ai muốn liên lạc đều sử dụng di động, điện thoại cố định trở thành vật "bỏ đi thì thiếu mà để thì thừa trong nhà chị".
Tại thời điểm năm 2005, tốc độ phát triển của điện thoại cố định ở Việt Nam vào khoảng 60%, thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Cùng với sự có mặt của các hãng viễn thông như Viettel, EVN Telecom, Saigon Postel... điện thoại cố định phát triển với tốc độ chóng mặt. Tổng số thuê bao điện thoại vào thời điểm đó là khoảng 15 triệu, tỷ lệ chia đều 50/50 cho điện thoại cố định và di động.
Thế nhưng, trong vòng 5 năm trở lại đây, với sự gia nhập của một loạt nhà cung cấp dịch vụ, giá cước và giá thiết bị liên tục giảm, điện thoại di động đã hoàn toàn đảo ngược tình thế. Thuê bao cố định tăng trưởng rất chậm, mỗi năm tăng 6-10% là cùng. Thậm chí có năm tỷ lệ cắt thuê bao còn nhiều hơn tỷ lệ lắp đặt mới. Chẳng hạn, chỉ tính riêng Bưu điện Hà Nội, thuộc VNPT, mỗi năm có tới 60.000 thuê bao cố định của đơn vị này ngừng hoạt động để chuyển sang dùng di động. Còn tính toàn hệ thống VNPT, con số này cũng ít nhất 100.000 mỗi năm.
Theo Tổng cục Thống kê, số thuê bao điện thoại cả nước tính đến cuối tháng 10 ước tính đạt 160,8 triệu thuê bao, tăng 40,2% so với cùng thời điểm năm trước. Chiếm áp đảo trong đó là thuê bao di động với và 144,4 triệu thuê bao, còn thuê bao cố định chỉ vỏn vẹn 16,4 triệu. Trong số đó, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT vẫn là doanh nghiệp có số thuê bao lớn nhất, 11,7 triệu thuê bao cố định và 72,1 triệu thuê bao di động. |
"Trong tương lai, số thuê bao điện thoại cố định sẽ còn giảm nhiều hơn”, lãnh đạo của Bưu điện Hà Nội cho biết.
Theo ông, một trong những nguyên nhân khiến điện thoại cố định đang ngày càng teo tóp dần là vì cước di động đang ngày càng giảm, cùng với tần suất khuyến mãi dày đặc. Trong khi đó, chi phí để phát triển và duy trì một thuê bao điện thoại cố định mới vẫn tăng lên nhưng lợi nhuận lại ngày càng giảm.
Bên cạnh đó, chính sách cước kết nối giữa di động và cố định đang gây ra bất lợi cho dịch vụ điện thoại cố định. Cụ thể, với mỗi phút kết nối từ mạng di động sang mạng cố định, nhà mạng di động chỉ phải trả cho nhà mạng cố định 270 đồng mỗi phút. Trong khi đó, nhà mạng cố định phải trả tới 415 đồng với mỗi phút kết nối từ dịch vụ điện thoại cố định sang mạng di động.
Với môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, lãnh đạo Bưu điện Hà Nội cho rằng mạng điện thoại cố định rất khó để duy trì được lợi nhuận đảm bảo cho việc tái đầu tư mở rộng mạng lưới. Vì vậy, ông đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có cơ chế điều tiết để tạo điều kiện cho dịch vụ điện thoại cố định phát triển bởi theo ông “mạng cố định băng rộng là xương sống của hạ tầng viễn thông quốc gia”.
Trước sức ép cạnh tranh, Hãng viễn thông Quân đội Viettel cũng vừa quyết định đại hạ giá cước cho các thuê bao cố định. Theo đó, từ tháng 11, mỗi phút gọi liên tỉnh nội mạng cố định và di động của hãng sẽ còn 790 đồng, giảm 20-25% so với trước. Viettel cho rằng việc giảm giá này không chỉ nhằm thu hút khách hàng mà còn kéo dần khoảng cách giá giữa điện thoại di động và cố định. Tuy nhiên, Viettel cũng nhìn nhận khả năng cạnh tranh của điện thoại cố định với di động là không thể.
Thứ trưởng thường trực Bộ Thông tin và Truyền thông - Lê Nam Thắng thừa nhận dịch vụ điện thoại cố định đang dần mất ưu thế so với di động. Tuy nhiên, trong tương lai điện thoại cố định không mất đi mà vẫn có những ưu thế nhất định trên thị trường. Vẫn có nhiều thời điểm, điện thoại cố định là một cứu tinh đắc lực trong việc kết nối thông tin liên lạc chẳng hạn như lễ, Tết - khi những chú “dế” di động nghẽn mạng trở thành “cục gạch” bất đắc dĩ.
(Theo Hồng Anh/VNE)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com