Bà Đàm Thị Huyền, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), trong buổi họp với lãnh đạo Bộ Công thương tại Hà Nội hôm 8/11, cũng cho biết, phần lỗ mà Petrolimex đang phải gánh do biến động tỷ giá khoảng 800 tỷ đồng. Theo giải thích của doanh nghiệp, giá bán xăng dầu trong nước giữ nguyên trong khi tỷ giá biến động, gây ra lỗ lớn. "Mọi chuyện trên thị trường xăng dầu có vẻ đang bình thường vì mọi người nghĩ đã có Quỹ bình ổn để đề phòng trường hợp giá dầu thế giới biến động mạnh. Nhưng giả sử khi cơ quan chức năng phát lệnh xả Quỹ, thì doanh nghiệp cũng không thể xả, bởi chỉ có quỹ ảo. Lý do là, doanh nghiệp đã lỗ trong thời gian rất dài, nên không trích được tiền trên thực tế", bà Huyền nêu thực trạng tại doanh nghiệp xăng dầu.
Bà Huyền phân tích, nếu tính trên sản lượng của Petrolimex và mức trích 300 đồng/lít thì Quỹ bình ổn có khoảng 2.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là số tiền ảo, nên nếu Bộ Tài chính có yêu cầu Petrolimex trích Quỹ bình ổn để bù lỗ thì doanh nghiệp cũng chịu.
Ông Cao Văn Hân cũng thừa nhận, Quỹ bình ổn xăng dầu của các doanh nghiệp trong ngành chỉ tồn tại trên danh nghĩa, do lỗ kéo dài. "Nếu thị trường thế giới có cú sốc về giá, thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ chịu lỗ nặng hơn, chứ không thể trông vào Quỹ bình ổn như lý thuyết điều hành thị trường đã chỉ ra", ông Hân nói.
Các doanh nghiệp xăng dầu phân tích rằng, cơ chế thị trường với mặt hàng xăng dầu dù đã được thiết lập trên giấy tờ, nhưng chưa được thực hiện trên thực tế. Tình trạng lỗ kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn lực của doanh nghiệp và nguy cơ thị trường xăng dầu bị lỗ nặng như năm 2008 là hoàn toàn có thể xảy ra.
Trước khó khăn của doanh nghiệp xăng dầu, bà Đàm Thị Huyền kiến nghị, Bộ Tài chính cần có cơ chế để giúp cho các doanh nghiệp xăng dầu có điều kiện về nguồn lực, đảm bảo cân đối đầu vào, bởi thời gian từ nay đến cuối năm sẽ khá căng thẳng. Theo đề xuất của lãnh đạo Petrolimex, thuế nhập khẩu là một công cụ mà Nhà nước có thể tính đến. "Trong 10 tháng đầu năm, Petrolimex đã nộp ngân sách bằng cả năm 2009. Đây là con số mà cơ quan quản lý cần lưu ý để giúp cho doanh nghiệp tăng khả năng tài chính", bà Huyền nói.
Lãnh đạo Công ty Xăng dầu Quân đội cũng cho biết, số tiền nộp ngân sách của doanh nghiệp này tính đến thời điểm hiện tại đã tương đương mức nộp của cả năm 2009. Doanh nghiệp này cho rằng, giải pháp thuế nhập khẩu cũng cần được nghiên cứu để giúp các doanh nghiệp chống đỡ áp lực kép hiện nay.
Theo các doanh nghiệp xăng dầu, doanh nghiệp lớn như Petrolimex có thể còn có khả năng chống đỡ với những khó khăn nhờ có những hoạt động kinh doanh khác "chia lửa". "Nếu chỉ nhập khẩu và phân phối đơn thuần trong điều kiện nhập giá cao, bán giá thấp, thì chắc chắn, doanh nghiệp xăng dầu sẽ không chịu nổi trong thời gian dài", đại diện một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nói.
Trên thực tế, điều hành thị trường xăng dầu trong giai đoạn hiện nay rất phức tạp, khi bình ổn giá cả là nhiệm vụ quan trọng. Ngay cả doanh nghiệp xăng dầu trong giai đoạn này cũng không dám nhắc tới đề xuất xin tăng giá bán xăng dầu, bởi biết tầm quan trọng của bình ổn thị trường. Tuy nhiên, nếu những khó khăn về tài chính của doanh nghiệp không được quan tâm giải quyết, thì nguy cơ "đứt" nguồn cung xăng dầu không phải là không thể xảy ra.
Theo bà Huyền, trong hai ngày 20 - 21/10/2010, Petrolimex đã gửi 2 báo cáo khẩn cấp lên Bộ Tài chính, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có hồi âm. Không tiết lộ các kiến nghị cụ thể của doanh nghiệp tới cơ quan quản lý, nhưng theo đại diện của Petrolimex, những khó khăn mà các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang âm thầm gánh cần sớm được quan tâm tìm hướng giải quyết để tạo ra một thị trường xăng dầu an toàn.
(Theo Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com