Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư qua điện thoại chiều 26/2, một lãnh đạo của VNPT cho biết, hai bên đã có một số cuộc gặp, nhưng vẫn chưa có được tiếng nói chung. Hai doanh nghiệp khó có thể có được thoả thuận, nếu cơ quan quản lý nhà nước không đưa ra những chế tài buộc hai doanh nghiệp phải tuân theo.
“Điều này cũng giống như việc giải phóng mặt bằng trong xây dựng, nếu hai bên không thoả thuận được, thì buộc phải dùng biện pháp cưỡng chế”, vị quan chức này ví von và đề xuất biện pháp cưỡng chế là đưa ra những quy định dùng chung về cơ sở hạ tầng và giao chính quyền các địa phương giám sát về việc thực hiện các quy định đó.
“Nếu hết thời điểm 28/2 mà doanh nghiệp chưa có được thoả thuận, cơ quan quản lý sẽ vào cuộc để đưa ra một mức giá thuê cột hợp lý và lộ trình thực hiện cho các doanh nghiệp, vì đây vẫn là cơ sở hạ tầng do Nhà nước đầu tư”, ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) nói và cho biết, mức giá này sẽ được tính toán trên cơ sở giá thành đầu tư xây dựng hệ thống cột điện, bao gồm chi phí đầu tư, khấu hao, chi phí vận hành, bão dưỡng.
Trong khi chờ đợi phán quyết của cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp viễn thông đang thuê cột điện tỏ ra lo lắng về việc phải thanh toán 100% số tiền thuê cột theo biểu giá ban hành vào tháng 9/2008 của EVN. Đại diện một doanh nghiệp viễn thông cho biết, để “hoãn binh” với EVN, công ty này đã phải tạm ký hợp đồng thuê cột điện và thanh toán 50% giá. “Nếu 3 bộ chưa đưa ra được mức giá cụ thể, thì chúng tôi sẽ bị áp lực phải trả 100% giá thuê cột, như vậy chi phí thuê cột trong năm 2009 sẽ tăng gấp khoảng 6 lần so với năm 2008”, vị đại diện này nói.
(Theo Đức Huy // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com