Doanh nghiệp (DN) đang chuẩn bị vào mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ), nhưng nhiều DN lo lắng khi quy định muốn tổ chức ĐHCĐ phải có số cổ đông tham dự đại diện cho ít nhất 65% cổ phần có quyền biểu quyết (theo Luật DN).
ĐHCĐ thường niên năm 2009 của CTCP Thương mại và Địa ốc Bình Chánh. |
Phải sửa Luật
ĐHCĐ của CTCP Viglacera Từ Sơn (VTS) cuối năm ngoái đã không thể thành công do cổ đông đến dự đại hội chỉ đại diện cho 660.476 cổ phần, tương đương 53,19% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Ngay sau ĐHCĐ không thành, HĐQT VTS buộc phải tổ chức lại. Trường hợp của VTS là một trong số nhiều DN phải tổ chức lại ĐHCĐ do không đáp ứng được tỷ lệ theo quy định trong mùa ĐHCĐ tháng 3 và 4-2009. Mất thời gian, tốn kém đã khiến việc tổ chức ĐHCĐ trở thành nỗi ám ảnh cho không ít DN, nhất là những DN có số lượng cổ đông nhiều và trải rộng nhiều nơi.
Luật DN quy định như vậy, nhưng theo Nghị quyết 71/2006/QH11 ngày 29-11-2006 của Quốc hội, cũng như Nghị định thư về việc gia nhập WTO của Việt Nam đã cam kết: "Tỷ lệ đa số phiếu cần thiết (kể cả tỷ lệ đa số 51%) đủ để thông qua các quyết định của hội đồng thành viên, ĐHCĐ". Cũng như nhiều nước khác, Việt Nam ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế khi các điều ước quốc tế có sự mâu thuẫn với các văn bản pháp luật trong nước. Luật DN cũng khẳng định: "Trường hợp điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của luật này, thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế".
Như vậy, có thể thấy tỷ lệ 51% vẫn có giá trị khi DN tổ chức ĐHCĐ. Song trên thực tế, hầu như DN nào thực hiện theo tỷ lệ 51% đều bị UBCKNN "tuýt" còi. Ông Nguyễn Thế Thọ, Vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành (UBCKNN), thừa nhận: “Hiện nay, chỉ có các DN có vốn đầu tư nước ngoài áp dụng tỷ lệ 51%. Chính phủ cũng định ban hành một nghị định về vấn đề này, song nghị định chỉ là văn bản dưới luật, mấu chốt vẫn là Luật DN chưa được sửa. Chính vì vậy, UBCKNN đang tìm cách tháo gỡ vấn đề này bằng việc xây dựng văn bản hướng dẫn”.
Tăng thêm quyền cho TTLK
Theo quy định, cổ đông có thể trực tiếp tham gia ĐHCĐ, hoặc gián tiếp thông qua ủy quyền cho HĐQT hoặc đại diện của trung tâm lưu ký (TTLK). Tuy nhiên, trên thực tế nhiều cổ đông không tham gia nhưng cũng không ủy quyền tham dự. Để tháo gỡ vấn đề này, theo một chuyên gia CK, UBCKNN cần có hướng dẫn cụ thể về việc ủy quyền cho TTLK như thế nào, đây cũng là thông lệ nhiều nước áp dụng.
Vai trò của TTLK không chỉ là đăng ký, lưu ký, làm thủ tục chuyển nhượng… TTLK cũng có thể đóng thuế thay cổ đông, thực hiện các quyền của cổ đông. Điều này sẽ giải quyết được bất cập về tỷ lệ tham dự ĐHCĐ. Bởi trên thực tế, có những cổ đông ở Hà Nội chỉ sở hữu 500, hay 1.000 CP nhưng ĐHCĐ tổ chức tại TPHCM, nếu vào TPHCM dự sẽ rất tốn kém, nên cổ đông có thể sẽ không thực hiện quyền của mình.
Ông Thọ nêu ví dụ, ở Hoa Kỳ, có những tập đoàn có hàng triệu cổ đông, không hội trường nào có thể chứa được tất cả. Tuy nhiên, họ vẫn tổ chức thành công ĐHCĐ qua hình thức hội nghị truyền hình, online; nhưng ở Việt Nam điều này rất khó thực hiện, ngay cả đối với cả các tổng công ty. Chính vì vậy, thực hiện ủy quyền qua TTLK sẽ giúp các cổ đông đảm bảo quyền của mình.
Theo các chuyên gia, một nguyên nhân khác khiến cho nhiều DN không thể tổ chức ĐHCĐ thành công là bất cập của hệ thống lưu ký hiện nay. Để có thể tổ chức ĐHCĐ, DN phải chốt danh sách, sau đó phải gửi thư cho các cổ đông. Tuy nhiên, trong mùa ĐHCĐ năm 2009, tại nhiều DN, kể từ ngày chốt danh sách đến ngày ĐHCĐ thời gian thường kéo dài hơn 1 tháng. Chính vì vậy, đến ngày DN tổ chức được ĐHCĐ thì nhiều cổ đông đã chuyển nhượng CP và đương nhiên họ cũng không quan tâm đến ĐHCĐ. Nếu như hệ thống lưu ký cải tiến, theo dõi được đến từng tài khoản NĐT, sẽ thuận lợi hơn nhiều.
(Theo Quang Minh // SGGP Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com