Việc áp dụng mức thuế GTGT 10% với hai ngành dệt may và giày da thực sự đã gây khó khăn cho việc phát triển và lưu thông của ngành |
Một điều không thể phủ nhận là trong tình hình kinh tế suy thoái như vừa qua, gói kích cầu của Chính phủ gồm nhiều biện pháp, từ hỗ trợ lãi suất đến giảm thuế GTGT… đã phát huy được tác dụng, và nhiều DN thuộc các thành phần kinh tế khác nhau đã được hưởng lợi từ những biện pháp hữu hiệu này.
Tuy nhiên, khó khăn vẫn đang ở phía trước, và chưa thế nói kinh tế chắc chắn đã hồi phục. Các DN vẫn ở thế rất bấp bênh, thị trường nước ngoài cũng mới có dấu hiệu khá lên, nhưng các đơn hàng dài hơi cho cả năm 2010 vẫn chưa được xác lập, thị trường nội địa tuy có khởi sắc, nhưng về cơ bản vẫn tràn ngập hàng nhập ngoại giá rẻ, trong khi các dấu hiệu của những cơn lạm phát vào cuối năm vẫn còn lấp ló, tỷ giá vẫn có xu huớng biến động gây bất lợi cho nền kinh tế, các liều thuốc kich cầu còn cần có thời gian để ngấm, để thấm vào các “ tế bào” của nền kinh tế, là các DN. Vì vậy, việc nên tiếp tục cho áp dụng gói kích cầu của Chính phủ vẫn là một đòi hỏi to lớn từ thực tiễn, cũng như từ DN.
Trong các biện pháp cụ thể của gói kích cầu của Chính phủ, chúng tôi mạnh dạn kiến nghị bỏ biện pháp hỗ trợ lãi suất, vì thực chất, nó giúp tạo ra thế bất bình đẳng trong kinh doanh của các DN, bởi DN nào càng lớn, vay được càng nhiều, càng có lợi, nhất là các DN nhà nước. Các DNNVV ở khối dân doanh, rất khó tiếp cận các nguồn vốn vay, và có vay được cũng chẳng bao nhiêu, sẽ là những DN chịu thiệt.
Từ sự chênh lệch về lãi suất này, sẽ dẫn đến các bất hợp lý và chênh lệch về chi phí, giá thành và giá bán ra của sản phẩm. Đó là chưa kể đến việc dư luận đang nói nhiều đến một phần vốn lớn nhàn rỗi được chuyển sang thị trường chứng khoán, cũng có thể là một phần trong các khoản tiền lớn được vay với lãi suất thấp từ gói kích cầu này. Trên thực tế, ý nghĩa của việc hỗ trợ lãi suất không có tác dụng tích cực bằng việc tạo điều kiện bình đẳng cho các DN từ các thành phần kinh tế khác nhau được tiếp cận các khoản vay, và với thời gian vay dài hơn.
Về thuế GTGT, cũng trong gói kích cầu này, Chính phủ đã cho giảm 50% mức thuế GTGT cho một số nhóm mặt hàng, trong đó có các sản phẩm da giày và dệt may. Đây chính là một trong những biện pháp tốt, có hiệu quả trực tiếp giúp DN tháo gỡ được khó khăn trong sản xuất và lưu thông, và còn góp phần tạo điều kiện cho các DN trong các ngành này chiếm lĩnh thị trường nội địa, vốn bị “thống trị” bởi hàng nhập lậu, trốn thuế.
Chúng ta đều biết, hai ngành da giày và dệt may, chủ yếu đến nay vẫn là gia công xuất khẩu. Tỷ lệ hàng hoá lưu thông trên thị trường nội địa rất thấp, cá biệt như các sản phẩm giày dép, chỉ chiếm khoảng 20%. Đây là hai ngành thuộc nhóm các ngành kinh tế có mức giải quyết công ăn việc làm cho người lao động cao, nhưng lợi nhuận thấp. Việc áp dụng mức thuế GTGT 10% với hai ngành này thực sự đã gây khó khăn cho việc phát triển và lưu thông của ngành, vì mức thuế này quá cao. Các DN sản xuất hàng xuất khẩu chỉ thực sự nhận được phần lợi nhuận nhỏ nhoi của mình sau khi đã được hoàn thuế, mà việc hoàn thuế này cho đến nay vẫn rất mất nhiều thời gian, thủ tục rườm rà và phức tạp. Các DN lưu thông phân phối nhóm sản phẩm của hai ngành này ở thị trường trong nước thì không thể “át” được hàng nhập lậu, vì trốn thuế, giá rẻ, trong khi các sản phẩm của ngành mình vẫn phải áp mức thuế GTGT 10%, dẫn đến giảm sức cạnh tranh cho hai nhóm sản phẩm này ngay tại thị trường nội địa.
Vì vậy, chúng tôi mong muốn và kiến nghị Nhà nước và Chính phủ, các bộ, ngành, nhất là hai bộ Tài chính, Công Thương nên nghiên cứu, xem xét và cho áp dụng lâu dài mức thuế GTGT 5% với hai ngành kinh tế này. Đây chính là biện pháp nhanh nhất, trực tiếp nhất và hiệu quả nhất, giúp cho các DN thuộc hai ngành này bớt khó khăn và thêm cơ hội phát triển.
Ông Đào Xuân Lượng - Phó TGĐ Cty Phát Nghĩa về lĩnh vực bất động sản : Sứ mệnh kích cầu là giúp nền kinh tế vượt qua “điểm chết”. Đến nay, sứ mệnh đó đã hoàn thành. Do vậy, không nên kéo quá dài thời gian kích cầu. Bởi, kích cầu luôn luôn cung ứng vốn với điều kiện dễ dãi, có lợi cho người vay, thiệt hại trực tiếp cho ngân sách và đặc biệt là gây tổn hại nguyên tắc thị trường của cơ chế phần bổ nguồn lực, làm méo mó môi trường kinh doanh. Trong điều kiện nền kinh tế còn yếu về thể lực, chưa vững mạnh về cấu trúc, một khi quá trình khôi phục tăng trưởng đã xác lập được thì cần sớm chuyển sang ưu tiên khôi phục môi trường kinh doanh thị trường bình thường, củng cố thể chế hơn là tiếp tục ưu tiên tốc độ tăng trưởng, dù dưới hình thức khôi phục nó. Ông Nguyễn Hữu Danh - GĐ Cty Tân Hoàn Cầu : Chính sách hỗ trợ lãi suất là chủ trương đúng đắn, là cách làm kịp thời, hiệu quả trên cả hai mặt kinh tế và xã hội trong bối cảnh nền kinh tế VN bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính, kinh tế thế giới. Sau khi được hỗ trợ lãi suất, chỉ có14,3% số DN không giảm được giá thành sản phẩm, trong khi có tới trên 57% số DN giảm được giá thành sản phẩm ở mức dưới 5%, 9,5% số DN giảm được giá thành từ 5% đến 10% và 3,2% số DN giảm được giá thành trên 10%. Chính sách này đã góp phần “cứu nguy” kịp thời cho cả hệ thống ngân hàng, cộng đồng DN và toàn bộ nền kinh tế. Nên triển khai những chương trình hỗ trợ cho DN tốt hơn nữa, bởi vì cơ chế này đã góp phần gia tăng các hoạt động đầu tư, phát triển sản xuất - kinh doanh và có tác động nhất định đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế mang tính cục bộ trong lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ sản, công nghiệp chế biến, cơ khí. |
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com