“Tình trạng cúp điện tràn lan trong những ngày qua chứng tỏ ngành điện đã coi thường khách hàng”. Ông Nguyễn Duy Thành, tổng quản lý cao ốc Starview (63 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1 - TPHCM), bất bình.
Minh họa: NGUYỄN TÀI
Lạm dụng yếu tố bất khả kháng
Ông Thành cho biết trong tuần qua, cao ốc Starview bị cúp điện liên tục và toàn cúp đột xuất, không thông báo trước, khiến trên 200 người đang làm việc trong tòa nhà này chới với. Điển hình là ngày 28-5, điện cúp đột xuất suốt từ 6 giờ đến 19 giờ 30 phút mới có lại. Thang máy của tòa nhà đang vận hành ngừng đột ngột khiến bộ phận cảm biến hư hỏng nặng.
Điều đáng nói là mãi đến 22 giờ 30 phút, cao ốc này mới nhận được văn bản của ngành điện thông báocúp điện hôm đó. “Hóa ra họ chỉ gửi thông báo cho có lệ, còn điện đã cúp trước đó cả ngày rồi” - ông Thành bức xúc. Ông Thành khẳng định sẽ khởi kiện ngành điện ra tòa vì những thiệt hại do cúp điện đột xuất gây ra cho doanh nghiệp (DN) này...
Theo luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), trong các bản đánh giá hằng năm của VCCI về môi trường kinh doanh, năm nào cũng có nội dung “mất điện thường xuyên là một trong những khó khăn của DN”.
Cũng theo luật sư Huỳnh, trong thực tế, các DN kêu ca rất nhiều về thiệt hại do cúp điện nhưng chưa ai chính thức lên tiếng yêu cầu bồi thường hoặc kiện ra tòa.
Có hai nguyên nhân: Thứ nhất, thị trường điện chưa có tính cạnh tranh hoàn chỉnh. Thị trường một người bán, nhiều người mua, khách hàng không có sự lựa chọn người bán, kiện xong vẫn phải mua điện ở chỗ cũ nên ngại những bất lợi về sau. Thứ hai, quy định của pháp luật chưa chuẩn. Trong trường hợp bất khả kháng, bên bán điện được miễn trách nhiệm bồi thường.
Bất khả kháng được quy định là những hiện tượng khách quan ngoài khả năng của con người, khi xảy ra rồi không ngăn được, không khắc phục được. Nhưng ở đây, khái niệm bất khả kháng được suy luận quá rộng, có sự lạm dụng yếu tố này để miễn trách nhiệm. Ví dụ trời hạn hán, mưa ít, không có nước phát thủy điện được coi là nguyên nhân quan trọng dẫn đến thiếu điện. Hạn hán không phải năm nào cũng ở mức độ như nhau và là hiện tượng lường trước được nhưng việc thiếu điện vẫn xảy ra. Yếu tố kỹ thuật này được “cài” vào quy định pháp luật, đó là lý do người dân ngại kiện ngành điện.
Ủng hộ khách hàng kiện ngành điện
Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Công ty Luật hợp danh Nghiêm và Chính (TPHCM), cho rằng khách hàng hoàn toàn có thể kiện ngành điện được vì hai bên quan hệ cung ứng dịch vụ hàng hóa có hợp đồng cụ thể. Trong các điều khoản hợp đồng mua bán điện giữa hai bên đều ghi rõ: “Nếu thiệt hại do lỗi của bên bán điện gây ra cho bên mua mà bên mua đưa ra được những chứng cứ cụ thể, chứng minh được mức độ thiệt hại thì bên bán phải chịu trách nhiệm đền bù theo quy định”. Mặt khác, Luật Điện lực đã quy định nếu bên cung cấp có lỗi, gây thiệt hại cho khách hàng thì bên cung cấp phải bồi thường những thiệt hại đó...
Thực tế tình hình hiện nay, ngành điện tự cúp điện tràn lan không theo một lịch trình cụ thể nào. Khi cung cấp điện lại thì điện chập chờn khiến nhiều thiết bị sử dụng điện hư hỏng. Cung cấp điện theo kiểu ban phát chứ không phải mua bán sòng phẳng. Hợp đồng mua bán điện theo dạng một chiều, chỉ có lợi cho bên bán, đẩy khó cho bên mua đã làm không ít khách hàng ngại đi đến cùng sự việc. Song cũng theo luật sư Nghiêm, nếu có chứng cứ cụ thể, chứng minh được thiệt hại, khách hàng hoàn toàn có thể kiện ngành điện được.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Mộng Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM, cho rằng việc ngành điện thường xuyên cúp điện đột xuất không báo trước là vi phạm cam kết với người tiêu dùng. Thiệt hại do cúp điện gây ra không phải là nhỏ.
Chính ông Đặng Hoàng An, Phó tổng giám đốc EVN, cũng đã thừa nhận điều này “chắc chắn thiệt hại lớn”. Biết là khó khăn, thiệt hại lớn cho khách hàng nhưng ngành điện vẫn cúp điện tràn lan, đổ cho những lý do khách quan, không thông báo cho người sử dụng biết để hạn chế thiệt hại là vi phạm nghiêm trọng hợp đồng mua bán điện đã ký với khách hàng.
Cũng theo tiến sĩ Hùng, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM sẽ sát cánh cùng người tiêu dùng, sẵn sàng hỗ trợ người tiêu dùng điện nếu họ quyết định khởi kiện ngành điện ra tòa. Đây là việc làm cần thiết để mang lại sự công bằng trong kinh doanh...
Kêu trời vì cúp điện đột ngột Ông Phạm Thế Toàn, Giám đốc nhân sự hành chính Công ty Cổ phần Thực phẩm Cholimex (Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh - TPHCM), cho biết trong tuần qua, công ty bị cúp điện đến 3 ngày, trong đó có 2 ngày không báo trước. Gần 1.000 công nhân trực tiếp sản xuất phải nghỉ việc.
Do cúp điện đột xuất nên máy phát điện dự phòng không vận hành kịp khiến toàn bộ hàng thực phẩm đông lạnh bị hư hỏng. Những đơn hàng công ty đã ký với đối tác phải thay đổi do không sản xuất theo đúng tiến độ. Thiệt hại cụ thể là rất lớn.
Một cán bộ Phòng Công chứng số 2 (122 An Dương Vương, quận 5 - TPHCM) cũng thông tin: Ngày 28-5, nơi này bị cúp điện đột xuất mà không thông báo trước. Hàng loạt khách hàng nhốn nháo, nhân viên chạy đôn chạy đáo đi tìm thuê máy phát điện với giá 7 triệu đồng/ngày và phải mất 100 lít dầu. Tuy nhiên, chi phí tốn kém như vậy cũng chỉ là biện pháp “chữa cháy” tạm thời mà thôi. Hàng loạt máy vi tính ngưng hoạt động kéo theo những văn bản, hồ sơ hẹn trả cho khách hàng cũng bị chậm trễ...
|