Điểm mấu chốt khiến cho hàng hóa, sản phẩm của các doanh nghiệp Việt khó chiếm lĩnh thị trường là do hệ thống phân phối chưa đủ mạnh.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động đã được nhiều bộ, ban, ngành, địa phương hưởng ứng. Một số doanh nghiệp cũng như địa phương đã tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Tuy nhiên, hiện nay, điều đó mới chỉ ở mức hưởng ứng, hay coi đó như một hoạt động xã hội chứ chưa nằm trong chiến lược phát triển dài hạn của doanh nghiệp.
Bài toán ngược
Khi nói “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, mọi người thường nhắc tới hai chủ thể: doanh nghiệp phải tìm tòi, nỗ lực sản xuất được các sản phẩm bền, đẹp và có giá cạnh tranh; người tiêu dùng không nên sính ngoại, phải là người tiêu dùng thông thái… Ở đây, chủ thể thứ ba - hệ thống phân phối lại chưa được chú trọng đúng mức để các sản phẩm của doanh nghiệp Việt đến được với người tiêu dùng Việt một cách tốt nhất và cả hai bên đều thấy “hài lòng”. Vậy nên, công cuộc giành lại thị trường muốn thành công thì không thể thiếu vai trò “bà đỡ” của hệ thống phân phối.
Theo Hiệp hội Siêu thị, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ năm 2008 của Việt Nam đạt trên 700.000 tỷ đồng. Trong đó hệ thống thương mại hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích chiếm khoảng 20%). Điều này cho thấy, khu vực nông thôn vẫn là một thị trường đầy tiềm năng.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Việt Nam lấy một ví dụ: Chính vụ thu hoạch, 1kg cà chua tại Thái Bình chỉ có giá 500 đồng, trong khi đó tại các siêu thị ở Hà Nội không dưới 5.000 nghìn đồng. Đây là điều rất bất hợp lý, vì khoảng cách về địa lý giữa hai nơi chỉ trên 100km. Dù là ví dụ rất nhỏ nhưng nó lại thể hiện rất rõ những bất cập trong hệ thống phân phối hàng hóa nói chung hiện nay. Việc phân phối hàng hóa qua nhiều khâu trung gian là nguyên nhân chính khiến cho giá sản phẩm khi tới tay người tiêu dùng bị đẩy lên cao.
Sở dĩ đưa ra ví dụ này bởi ngay cả khi mức chênh lệch giá lên đến cả chục lần như vậy, người nông dân cũng không dễ gì tiêu thụ sản phẩm của mình thì việc giải được bài toán “ngược”- đưa hàng của doanh nghiệp về nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa có khả thi khi mà hệ thống phân phối của chúng ta còn quá yếu kém?
Bốn điểm yếu cố hữu
Hiện nay cả nước có hàng chục doanh nghiệp phân phối đang hoạt động, nhưng vẫn ở quy mô nhỏ. Việc phân phối hàng hóa thông qua các kênh phân phối chuyên nghiệp hiện chưa phổ biến mà chủ yếu vẫn do doanh nghiệp tự sản xuất, tự phân phối nên không hiệu quả, chi phí cao, khó triển khai trên diện rộng.
Ông Vũ Vinh Phú cho rằng, hệ thống phân phối của Việt Nam đang bộc lộ 4 điểm yếu cố hữu. Đó là: hạ tầng yếu; nhân lực yếu; vốn yếu và liên kết, phối hợp yếu. Hiện nay thị trường đang bỏ quên khâu bán buôn. Chính việc buông lỏng quản lý ở khâu bán buôn đang tạo sự đứt đoạn của hệ thống phân phối, dẫn đến tình trạng đầu cơ, đẩy giá hàng hóa lên như từng diễn ra đối với gạo, xi măng và ngay cả với một số mặt hàng thực phẩm...
Cũng theo ông Phú, muốn tạo ra được hệ thống phân phối tốt thì phải có dự trữ trong lưu thông. Không có dự trữ tốt thì đừng nói đến lưu thông tốt. Quỹ bình ổn giá nên giao cho các doanh nghiệp lớn quản lý, nhưng không được lẫn lộn giữa dự trữ của doanh nghiệp phục vụ kinh doanh với dự trữ để bình ổn. Dự trữ bình ổn là phải do Nhà nước bỏ vốn.
Vẫn theo ông Phú, trước mắt phải xây dựng được 3 chuỗi phân phối hàng hóa: Chuỗi thứ nhất phụ trách các hàng vật tư chiến lược như: xăng dầu, xi măng, sắt thép, phân bón… Chuỗi thứ hai phụ trách các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu như: gạo, muối, thịt lợn… Chuỗi thứ 3 bao gồm các dịch vụ quan trọng như: nước sạch, khám chữa bệnh…
Một điều quan trọng nữa là, cần gấp rút xây dựng các sàn giao dịch hàng hóa bởi đây là khâu rất quan trọng trong quá trình lưu thông hàng hóa, là nơi nhà sản xuất và tiêu dùng gặp nhau, góp phần làm minh bạch hóa thị trường. Đặc biệt với đặc thù là nước có truyền thống sản xuất nông nghiệp, Việt Nam rất cần những sàn giao dịch nông sản.
Ông Phạm Đình Đoàn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn phân phối Phú Thái, một trong những doanh nghiệp có quy mô và mạng lưới phân phối lớn nhất Việt Nam hiện nay cho rằng, ngay trong lĩnh vực nông sản và may mặc vốn được coi là thế mạnh của nước ta thì để đưa được sản phẩm của doanh nghiệp về nông thôn không phải là điều đơn giản.
Chẳng hạn, để đưa được hàng nông sản tới nhiều địa phương khác nhau trong cả nước thì phải có hệ thống kho vận, hệ thống bảo quản và có được một mạng lưới phân phối rộng khắp. Chi phí đầu tư cả nhân lực, vật lực cho lĩnh vực này rất lớn. Nếu như không có được các cơ chế ưu đãi thích hợp thì rất khó khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư. Còn đối với hàng dệt may, thực tế là hàng của các doanh nghiệp dệt may trong nước hiện nay rất khó chiếm lĩnh thị trường nông thôn, trong khi đây lại là một thị trường có sức tiêu thụ rất lớn. Không phải do sản phẩm của doanh nghiệp trong nước không tốt mà nguyên nhân chính vẫn là do các doanh nghiệp chưa có được hệ thống phân phối đủ mạnh, khiến cho sản phẩm phải qua nhiều khâu trung gian, khi đến tay người tiêu dùng giá đã cao hơn rất nhiều so với giá xuất xưởng.
Theo ông Đoàn, tiêu chí hàng đầu với người dân nông thôn là giá phải thấp, còn đối với doanh nghiệp thì mục tiêu lợi nhuận luôn phải đảm bảo. Ông kể, ông đã từng làm việc với một doanh nghiệp dệt may có tiếng trong nước, khi đó họ mới nhập một dây chuyền sản xuất khá hiện đại và sản phẩm làm ra chất lượng tốt, giá cả hợp lý nhưng tiêu thụ lại rất chậm. Sau khi ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với họ, chỉ trong vòng một năm doanh số của công ty đó đã tăng lên trên 100%. Sở dĩ như vậy vì Phú Thái có hệ thống phân phối đủ mạnh để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Nói như vậy để cho thấy vai trò của các công ty phân phối có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cả nhà sản xuất và người tiêu dùng. “Khâu trung gian giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng càng được rút ngắn bao nhiêu thì người tiêu dùng càng được hưởng lợi bấy nhiêu”, ông Đoàn chia sẻ.
Đầu tư cho hệ thống phân phối cần một nguồn vốn rất lớn, vì vậy rất nhiều doanh nghiệp cho rằng cần có những chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp phân phối đầu tư, mở rộng mạng lưới, đặt biệt là đối với mặt bằng. Nếu không có được vị trí mặt bằng thuận lợi thì khó có có thể có được một hệ thống lưu thông tốt. Tuy nhiên, theo quy trình hiện nay, để có được mặt bằng xây dựng, thông thường doanh nghiệp phải mất khoảng 2 năm, chưa kể các chi phí phát sinh.
Đưa hàng Việt về nông thôn đối với doanh nghiệp đang và sẽ là một chặng đường gian nan mà doanh nghiệp dường như vẫn chỉ là một người khách độc hành. Nếu muốn thành công không thể thiếu vai trò của hệ thống phân phối, và chỉ khi có được các doanh nghiệp và hệ thống phân phối đủ mạnh thì đường đưa hàng về nông thôn của doanh nghiệp mới rộng mở.
(Theo Đông Hưng // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com