Các DN không còn kỳ vọng ngay cả việc phát hành thêm cổ phiếu không chỉ bởi thị trường ảm đạm mà nhà đầu tư cũng thờ ơ |
Dù nhiều ngân hàng đang ra sức khẳng định tình hình thanh khoản hiện đã được cải thiện và mặt bằng lãi suất tín dụng dành cho khối DN đã xuống dưới mức 18%, nhưng trên thực tế, các DN vẫn đang đau đầu về bài toán vốn.
Ngay cả với mức lãi suất phổ thông mà các DN đang phải chấp nhận, nếu tính đủ mọi chi phí, kể cả chi phí vận động hành lang, họ cũng không dễ được ngân hàng giải ngân.. Do đó, nhiều DN hiện đang phải xoay xở tìm vốn từ kênh khác.
Kênh chứng khoán: Tắc
Dự đoán được tình cảnh “bít ngoài bít trong” khi lạm phát leo thang từ cuối năm 2010, một số DN đã lên kế hoạch huy động vốn trên TTCK. Nhưng cho dù chuẩn bị kỹ đến đâu, thì khi kịch bản “lạm phát – xiết tiền tệ - suy chứng khoán” diễn ra, các DN cũng phải “bó tay” trước tình trạng ảm đạm của thị trường này.
Mà không chỉ thị trường thứ cấp gặp khó, thị trường sơ cấp cũng chẳng dễ. Cuối năm 2010, TCty khí VN PVG, một trong 3 “ông tổng” lớn nhất của ngành dầu khí, sau nhiều lần trì hoãn chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, cuối cùng đã chọn phương án “cung” 1/3 lượng cổ phiếu ra thị trường để đảm bảo thành công. Đây là một minh chứng về việc trong cơn “hạn hán” chung, cho dù là tên tuổi hấp dẫn đến đâu, cũng vẫn bị nhà đầu tư bỏ qua.
Tuy vậy, mùa đại hội cổ đông năm nay, nhiều DN vẫn đưa ra kế hoạch tăng vốn. “Phát hành thêm có thể làm pha loãng giá trị cổ phiếu nhất thời, nhưng ít nhất DN vẫn hy vọng tìm được nguồn vốn cho các dự án. Kỳ thực thì ngay cả việc phát hành thêm cổ phiếu, nhiều DN cũng không kỳ vọng vào thị trường hay cổ đông tương lai. Họ kỳ vọng vào chính... những cổ đông lớn của mình, hoặc vào mối quan hệ thân thiết với các ngân hàng. Không ít DN trông cậy vào mối quan hệ “sân sau” với ngân hàng, vay vốn, mua cổ phiếu phát hành thêm, sau đó xoay vốn chỗ khác trả lại ngân hàng” - ông Nguyễn Ngọc Anh - Chủ tịch HĐQT CTCP đầu tư thương mại SMC bày tỏ.
Dĩ nhiên không phải DN nào cũng giải quyết được bài toán vốn từ ngân hàng bằng “quan hệ”. Chỉ riêng việc xoay xở để cổ đông “duyệt” kế hoạch tăng vốn đã mệt, mà khi kế hoạch “n” đã thông, lộ trình, đưa được cổ phiếu ra thị trường và để dòng tiền chảy vào tài khoản DN cũng phải mất vài tháng. Vào thời điểm hiện nay, đang có khoảng 300 mã cổ phiếu giao dịch dưới giá trị sổ sách, TTCK hầu như đã để mất vai trò nguồn huy động vốn trung và dài hạn cho DN.
Tín dụng “đen”: Lãi suất siêu nóng và siêu ngắn
Chốt quý 1/2011, nhiều DN rơi vào thời điểm đáo hạn các khoản nợ vay. Đây cũng là dịp dịch vụ tín dụng “đen” ngoài ngân hàng bùng nổ. “Ngoài giới chuyên cho vay nóng thường trực trên địa bàn, năm nay, loại hình này còn thu hút các tổ chức đầu tư và nhà đầu tư tài chính lớn tham gia. Trong lúc tỉ giá biến động, hoạt động kinh doanh vàng vật chất (chủ yếu vàng miếng) đứt đoạn, bất động sản ngủ đông, chứng khoán lình xình, cho DN “vay nóng” là một phương thức đầu tư hấp dẫn”, một chuyên gia chứng khoán tại TP HCM nói.
Cũng theo chuyên gia này, hầu hết những DN đã có những khoản vay từ các năm trước và không muốn bị ngân hàng xếp loại“nợ xấu”, khi đáo hạn trả nợ đều chấp nhận mức lãi “cắt cổ” ngoài ngân hàng khoảng 3,5 - 5% tháng, tương đương 45 - 60%/năm. Cũng có một số DN cạn tiền, cần trả lương nhân viên đã phải viện vay kiểu này trong thời hạn ngắn. Một “cò” tín dụng ở khu vực chợ An Đông, quận 5, TP HCM cho biết: “Trung bình cứ chốt quý thì lượng khách vay nóng với số tiền lớn cũng tăng lên. “Đường dây” cho vay nóng ở khu vực quận 5 có ngày không đủ lượng tiền mặt đáp ứng nhu cầu khách hàng. Còn sau thời điểm đó thì cứ “tà tà” cho đám cò nhà đất vay là chính”.
Với những DN phi sản xuất, việc vay ngân hàng này trả nợ ngân hàng kia càng không phải dễ, phải chọn phương án vay tín dụng “đen”. Điều đó, cũng đồng nghĩa với tình trạng co hẹp hoạt động kinh doanh, thắt lưng buộc bụng cho qua thời “đói vốn”.
Huy động vốn từ tài sản cá nhân: chọn lựa DN
Không ít DN trông cậy vào mối quan hệ “sân sau” với ngân hàng, vay vốn, mua cổ phiếu phát hành thêm, sau đó xoay vốn chỗ khác trả lại ngân hàng. |
Bên cạnh các kênh vay vốn “truyền thống”, nhiều DN đã phát huy “sáng kiến” tạo vốn mới. Huy động góp vốn bằng xe hơi của Tập đoàn Mai Linh là một ví dụ. “Không phải đến năm nay Mai Linh mới có sáng kiến này, tập đoàn đã thí điểm huy động vốn bằng xe hơi từ hai năm trước đây và cũng huy động được nhiều xe, giảm thiếu phần nào nguồn vốn vay mua xe. Nhưng cũng có rất nhiều vấn đề nảy sinh, DN đã thông minh thì nhà đầu tư còn... thông minh hơn” - nguyên giám đốc truyền thông Tập đoàn Mai Linh cho biết.
Theo nội dung tin nhắn phổ cập từ số điện thoại của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mai Linh, ông Hồ Huy, thì tập đoàn taxi này đang có nhu cầu huy động xe nhàn rỗi, loại Innova, trong vòng 5 năm. Tập đoàn trả lãi 20 triệu đồng/tháng cho chủ xe, tính trong vòng 5 năm thì tổng số tiền mà Mai Linh trả tương ứng 1,2 tỉ đồng. “Một xe Innova đời mới hiện có giá trên thị trường khoảng 750 triệu đồng. Tính nhẩm con số Mai Linh trả sau 5 năm đã cao hơn giá mua xe. Nhưng thử tưởng tượng mua xe để chạy taxi “trên từng cây số”, sau 5 năm, khấu hao còn được bao nhiêu?” - anh Khoa, chủ chiếc xe Innova 51Z 25xx khẳng định. Cũng theo nhiều tài xế taxi, hiện nay, lượng xe do các cá nhân góp vào Mai Linh “như một dạng cho thuê dài hạn” khá đông, người góp xe đồng thời xin làm tài, vừa có công ăn việc làm, có tiền trả nợ vốn cộng lãi vay ngân hàng khi mua xe, vừa “bảo dưỡng” được tài sản tương lai của mình sau 5 năm.
TS Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế ứng dụng : Chừng nào kênh gửi tiết kiệm ngân hàng còn được xem là kênh sinh lợi an toàn và hiệu quả nhất, thì không chỉ DN sản xuất gặp khó, mà ngay cả các kênh đầu tư tài chính khác cũng khô cạn. Ngay cả những giải pháp khác như phát hành trái phiếu, gọi vốn từ các quỹ đầu tư… cũng đã có nhiều DN tính đến, nhưng trong tổng quan, lượng cung tiền đang được kiểm soát chặt, thì các giải pháp này cũng khó khả thi. DN nên tính đến phương thức giảm thiểu mọi chi phí trong khả năng có thể, chờ qua tháng 4, tháng 5, khi thời điểm mặt bằng giá mới đã được thiết lập, chỉ số giá tiêu dùng đi vào ổn định, hi vọng, lúc đó lượng cung tiền mới được nới lỏng. TS Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban kinh tế Quốc hội : Đây chính là thời điểm “thử lửa” khả năng chịu đựng của DN. Những DN biết “nín thở”, “dò đá qua sông” như đã vượt qua thử thách của năm 2009 mới khẳng định được “sức khỏe” của mình. Theo dự đoán, đến quý 2/2011, kinh tế vĩ mô ổn định hơn và áp lực lạm phát giảm, DN sẽ… “dễ thở”. |
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com