Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn khi sản xuất, thiết kế và tiếp thị hàng hóa vào thị trường châu Âu. Đây là nhận định của đại diện các cơ quan thương mại của cả hai phía, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) trong buổi Tọa đàm với EU về xuất khẩu và cơ hội thị trường với khối cuối tuần qua.
Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nắm bắt thông tin, cơ hội và thâm nhập thị trường EU. |
Chủ động và tạo thương hiệu
Ông Đặng Hoàng Hải, vụ trưởng vụ Thị trường châu Âu, bộ Công thương, khẳng định, muốn tiếp cận thị trường châu Âu, doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu thị trường, hiểu đặc điểm của người tiêu dùng châu Âu để chủ động nắm bắt thông tin, cơ hội và thâm nhập thị trường.
Thị hiếu của người tiêu dùng EU hướng nhiều về các yếu tố sức khỏe và thể chất. Người dân châu Âu đặc biệt quan tâm đến những sản phẩm có tính năng bảo vệ sức khỏe, chất liệu từ thiên nhiên, hạn chế hóa chất. Người tiêu dùng khu vực này ngày càng có xu thế ăn uống lành mạnh, tăng các hoạt động ngoài trời có lợi cho sức khỏe.
Việc thu nhập tăng và dân trí cao khiến người dân tại châu lục này quan tâm hơn đến những mặt hàng chất lượng cao, đặc biệt thể hiện được tính cá thể, người tiêu dùng muốn họ là trung tâm, sản phẩm phải phục vụ nhu cầu và đề cao tính cá nhân của họ. Các yếu tố khác cũng được quan tâm nhiều như việc kết nối về thông tin sản phẩm và trách nhiệm xã hội của sản phẩm và nhà cung cấp, sản xuất.
Ông Antonia Berenguer, tham tán thương mại phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam nhận định: nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang bị động về vấn đề này, nên phần lớn chưa chủ động được mẫu mã hàng hóa để chào hàng, mà chủ yếu làm theo đơn đặt hàng của đối tác. Phần lớn hàng hóa của Việt Nam vẫn là hàng gia công, khiến khiến doanh nghiệp Việt Nam bị động và phụ thuộc vào đối tác. Trong khi những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh về vật liệu cũng như tạo được giá trị gia tăng như thủ công mỹ nghệ lại chưa được khai thác triệt để.
Hàng hóa Việt Nam xuất hiện tại EU chưa tạo được thương hiệu, tên tuổi. Đó là một hạn chế khiến hàng Việt Nam ít được người tiêu dùng chú ý. Ông Matthias Duehn, giám đốc điều hành EuroCham, dẫn chứng: ít người dân châu Âu biết đến thương hiệu cà phê của Việt Nam, trong khi ai cũng biết thương hiệu cà phê Brazil. Một tên tuổi, thương hiệu gắn liền với sản phẩm sẽ khiến chỗ đứng của sản phẩm trên thị trường được khẳng định.
EU là thị trường nhập khẩu hàng Việt Nam lớn thứ ba sau Mỹ và khu vực Thái Bình Dương. Kim ngạch thương mại song phương đạt 15,2 tỉ USD, Việt Nam hiện xuất siêu với ba dòng sản phẩm chủ lực: giày dép, dệt may và hải sản cùng một số mặt hàng khác như cà phê, xe đạp và hàng thủ công mỹ nghệ. Việt Nam nhập từ EU chủ yếu là máy móc, nguyên vật liệu dệt may và tân dược. Theo thống kê của hội đồng tư vấn về chống bán phá giá - chống trợ cấp – tự vệ, thuộc phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, năm 1994 Việt Nam tiếp nhận vụ kiện chống bán phá giá đầu tiên do Colombia đệ đơn. Tính đến năm 2009, Việt Nam đã bị kiện trên 40 vụ (34 vụ là kiện chống bán phá giá, trong đó, EU kiện Việt Nam 10 vụ). |
Thị trường EU gồm 27 nước. Dù thực hiện một quy chế thuế nhập khẩu nhưng đặc điểm của từng thị trường riêng vẫn có khác biệt về văn hóa, phong cách tiêu dùng. Việc tạo ra một sản phẩm đáp ứng được thị hiếu của cả 27 nước là một thách thức lớn mà doanh nghiệp Việt Nam cần vượt qua khi tiếp cận thị trường này.
EU là một thị trường có nhiều quy định kỹ thuật khắt khe, chủ yếu nhằm bảo vệ sức khỏe con người, môi trường và phát triển bền vững. Nhiều qui định của EU đặt ra, doanh nghiệp Việt Nam lại không tìm hiểu kỹ, khi xuất hàng vào thị trường này gặp cản trở mới phàn nàn trước đó không có thông tin. Theo ông Antonia, Việt Nam đang đối mặt với nhiều yêu cầu rất gay gắt của EU như qui định về đánh bắt hải sản (IUU), chăm sóc động vật và sắp tới là quy định về khai thác gỗ.
Song song đó, EU vẫn có những chính sách bảo hộ sản xuất nội khối. Việc tăng xuất khẩu ồ ạt vào EU sẽ khiến khối này phải đưa ra các biện pháp tự vệ, chống bán phá giá. Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, chủ tịch hội đồng tư vấn về phòng vệ thương mại, phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu rõ bản chất của các biện pháp phòng vệ nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực đến mức có thể trong trường hợp xảy ra các vụ kiện cáo về bán phá giá hay trợ cấp, vì phòng vệ thương mại là các biện pháp được WTO thừa nhận, do các nước nhập khẩu tiến hành với các nhà xuất khẩu nước ngoài nhằm bảo vệ ngành sản xuất nội địa. Cạnh tranh về giá là điều dễ dẫn đến tình trạng bị kiện bán phá giá nhất.
Ngoài ra, EU còn là thị trường xuất khẩu mục tiêu của nhiều nước khác có nhiều ưu đãi hơn so với Việt Nam. Đối thủ cạnh tranh của Việt Nam là một số nước chậm phát triển được nhận mức thuế suất bằng 0% đối với hầu hết các mặt hàng, và một số nước đang phát triển được công nhận có nền kinh tế thị trường đầy đủ.
Cạnh tranh tại EU
Một số giải pháp mà doanh nghiệp Việt Nam nên lưu ý khi cạnh tranh tại thị trường châu Âu: tự nâng cao chất lượng sản phẩm trước yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường EU; doanh nghiệp cần có cán bộ thông tin chuyên nghiệp nhằm nắm bắt và cập nhật thông tin về các quy định phức tạp và khá nhiều của khối này; cần thích ứng với thị hiếu tiêu dùng của người tiêu dùng nội khối; không quá lạm dụng chiến lược giá cả cạnh tranh, không nên kinh doanh theo hướng ngắn hạn, gian lận...
Hiện nay, hình thức kinh doanh sản phẩm tại EU chủ yếu phát triển theo chuỗi, việc xâm nhập chuỗi nên được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đúng mức. Theo ông Antonio, doanh nghiệp Việt Nam nên có những văn phòng đại diện kinh doanh tại nước ngoài chứ không chỉ phụ thuộc vào các kênh ngoại giao. Doanh nghiệp cũng nên thường xuyên cập nhật thông tin từ các cổng thông tin điện tử hỗ trợ xuất khẩu của phía EU hay của bộ Công thương Việt Nam về thị trường nước ngoài.
(Theo SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com