Hàng loạt chi phí đầu vào như điện, nước, xăng dầu, nguyên liệu tăng... đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN) càng thêm khó khăn. Trong bối cảnh đó, nhiều DN đã phải xoay xở tìm mọi cách để hạn chế thấp nhất những tác động của việc tăng giá này, nhất là ổn định giá bán để duy trì sức cạnh tranh trên thị trường.
Khó tăng giá bán
Chủ tịch HÐQT Công ty cổ phần may Ðức Giang Hoàng Vệ Dũng cho biết, mặc dù rất nhiều chi phí đầu vào tăng nhưng công ty không thể tăng giá bán vì nếu tăng giá bán thì DN không thể cạnh tranh được với các DN khác. Ðối với ngành may, giá điện chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong giá thành nên việc tăng giá điện không tác động nhiều, chủ yếu bị tác động bởi các chi phí như bảo hiểm, lãi suất vay ngân hàng, giá nguyên liệu đầu vào đồng loạt tăng từ đầu năm. Cùng chung quan điểm này, theo Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần may Ðồng Nai Bùi Thế Kích, bước sang năm 2010, chi phí bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tăng 35% so với năm 2009, rồi giá xăng, giá điện, lãi suất vay ngân hàng cũng tăng càng gây khó khăn cho các DN. Dự kiến năm nay, lợi nhuận của công ty sẽ giảm 50% so với năm trước. Mặc dù vậy, công ty cũng đang cố gắng tính toán để tăng giá bán sản phẩm ở mức thấp nhất nhằm có thể cạnh tranh được với các DN khác.
Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) Phạm Chí Cường cho biết, đến thời điểm này, chưa một DN sản xuất thép nào tăng giá bán thép. Giá thép hiện tại vẫn dao động ở mức 12,5 triệu đồng/tấn thép cuộn, 13,2 triệu đồng/tấn thép cây. Theo lý giải của VSA, việc tăng giá bán là rất khó, không thể ngay lập tức tăng giá mỗi lần tới hàng triệu đồng/tấn, vì sẽ gây "sốc" cho thị trường và tạo cơ hội cho thép nhập khẩu giá rẻ tràn vào. Mặt khác, một số dự án đầu tư sản xuất thép mới đây đều áp dụng công nghệ hiện đại, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm điện năng. Các dự án đầu tư sau năm 2005, chỉ mất 400 kW giờ điện để sản xuất một tấn phôi, giảm lượng tiêu tốn điện năng tới 35-40%, còn công nghệ mới cán thép cũng tận dụng nhiệt rất tốt so với trước. Việc tăng giá thành sản xuất thép dẫn đến tăng giá bán là do một loạt các yếu tố như xăng dầu, giá phôi, thép phế, tỷ giá tăng. Còn giá điện tăng ảnh hưởng đến giá thép rất nhỏ, chỉ tăng thêm 0,5%. Sản xuất một tấn phôi thép tiêu thụ 600 - 750 kW giờ, còn cán một tấn thép tiêu thụ từ 100 đến 125 kW giờ tùy mức độ công nghệ. Giá điện mới tăng 77 đồng/kW giờ, nên sản xuất mỗi tấn phôi thép sẽ tăng thêm khoảng 60 nghìn đồng/tấn, sản xuất thép cán sẽ tăng 10 nghìn đồng/tấn.
Ðối với ngành hóa chất, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (VINACHEM) Nguyễn Gia Tường cho biết, việc tăng giá điện không ảnh hưởng nhiều đến tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong tập đoàn. Hằng năm, tổng công suất điện tiêu thụ của các đơn vị trong tập đoàn khoảng 936 triệu kW giờ (tương đương 995 tỷ đồng), chi phí tăng thêm do tăng giá điện sẽ vào khoảng 61,4 tỷ đồng, tăng 6,3%. Việc điều chỉnh giá điện lần này tác động không nhiều đến việc tăng giá thành sản phẩm của ngành công nghiệp hóa chất. Tuy nhiên, ông Tường cũng cho biết, sắp tới, cùng với việc tăng giá điện, sẽ kéo theo việc tăng giá một số nguyên liệu và dịch vụ đầu vào, nên chưa xác định được giá các sản phẩm của Vinachem tăng lên bao nhiêu. Vấn đề điều chỉnh giá bán sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tiêu thụ, vì thế Vinachem sẽ cân nhắc để đưa ra mức giá hợp lý nhất.
Giải pháp cạnh tranh
Trong bối cảnh khó khăn do một loạt các chi phí đầu vào tăng, sức ép tăng giá bán sản phẩm để bù đắp chi phí đầu vào tăng đang đè nặng lên nhiều DN. Tuy nhiên, nhiều DN cũng đã tìm ra giải pháp để ổn định giá bán, duy trì sức cạnh tranh. Chủ tịch HÐQT Công ty cổ phần may Ðức Giang Hoàng Vệ Dũng cho biết, trong điều kiện hiện nay thì giải pháp quan trọng nhất là tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm chi phí sản xuất. Công ty đã bố trí lại các ca sản xuất, tránh giờ điện cao điểm đồng thời bố trí và quản lý lao động một cách khoa học nhằm tăng năng suất lao động. Ðặc biệt, công ty tập trung mở rộng sản xuất về vùng nông thôn để giảm chi phí thuê nhân công, đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ hiện đại, tiêu hao ít năng lượng... Còn theo Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần may Ðồng Nai Bùi Thế Kích, để có thể cạnh tranh, công ty đã phải đàm phán thương lượng khách hàng tăng đơn giá sản phẩm. Bên cạnh đó, công ty tăng 20% sản lượng hàng FOB và hàng nội địa nhằm tăng giá trị gia tăng của sản phẩm, từ đó tăng doanh thu. Ðồng thời tiếp tục thực hiện tiết kiệm triệt để trong mọi khâu sản xuất, bố trí dây chuyền sản xuất hợp lý.
Có thể thấy, giải pháp tiết kiệm trong sản xuất được nhiều doanh nghiệp áp dụng trong bối cảnh hiện nay. Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần dệt-may Hà Nội Nguyễn Khánh Sơn cho biết, chi phí điện dùng cho sản xuất kéo sợi chiếm 10% giá thành sản phẩm, do đó khi giá điện sản xuất tăng 6,3% thì DN này năm nay phải trả thêm 4,5 tỷ đồng tiền điện. Vì thế, không còn cách nào khác, DN buộc phải tiếp tục triệt để tiết kiệm, tăng năng suất lao động. DN cố gắng không tăng giá bán vì đã ký được những hợp đồng dài hạn với khách hàng. Cùng chung quan điểm này, Chủ tịch HÐQT Công ty Thực phẩm Hữu nghị Lê Văn Bằng chia sẻ, năm 2010, công ty phải trả thêm 500 triệu đồng chi phí tiền điện. Ðể cạnh tranh, công ty phải rà soát, loại bỏ các chi phí bất hợp lý như tiếp khách, hội họp; đưa ra các định mức mới về lao động, về sản xuất, các tỷ lệ thu hồi sản phẩm để tăng sản phẩm hoàn chỉnh; giảm tối đa thời gian nghỉ giữa ca, khâu chuẩn bị sản xuất, không để có thời gian lò ngừng hoạt động. Không những thế, nhằm tăng doanh thu, công ty tiếp tục đổi mới khâu tiếp thị, bán hàng và mở rộng thị trường, quản lý khoán bán hàng... Tương tự, với Công ty cổ phần bánh kẹo Hải Hà - Kotobuki, Phó Tổng Giám đốc Công ty Ngô Kiên Cường cho biết, công ty tập trung đẩy mạnh tiết kiệm nguyên liệu, xây dựng lại định mức tiêu hao nguyên liệu để tăng tỷ lệ thu hồi nguyên liệu. Trước đây, tỷ lệ hao hụt nguyên liệu là 5%, nay công ty phát động thi đua giảm tỷ lệ này xuống còn 3%. Công ty cũng đầu tư thay thế máy móc thiết bị công nghệ cũ bằng công nghệ mới để tiết kiệm năng lượng, tăng năng suất lao động.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Phước Long Hồ Thu Hà cho biết, do tác động của việc tăng chi phí đầu vào, lợi nhuận năm 2010 của công ty dự kiến giảm 20% so với năm trước. Do vậy, để tăng doanh thu, công ty tập trung sản xuất những sản phẩm khác biệt, sản phẩm thời trang cao cấp, vải sợi tổng hợp, vải lưới để phục vụ sản xuất quần áo thể thao. Hiện công ty đang hợp tác với một công ty của Tây Ban Nha từ sử dụng nhãn hiệu, thiết kế để sản xuất sản phẩm thời trang dành cho nam giới, xuất khẩu đi Tây Ban Nha. Ðồng thời, công ty cũng đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và từ tháng 2-2010 công ty bắt đầu phát triển thương hiệu thời trang MODA MUNDO cho nam giới tại TP Hồ Chí Minh và tiếp tục sẽ đưa ra thị trường Hà Nội trong năm nay.
(Báo Nhân Dân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com