Nhóm hàng tiêu dùng nhập khẩu cũng chịu nhiều tác động của tỷ giá. Ảnh: Thái Hằng |
Trong bối cảnh tỷ giá tiền đồng so với nhiều loại ngoại tệ khác, đặc biệt là đô la Mỹ, biến động như hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực ngoại thương, đặc biệt là những doanh nghiệp nhập khẩu đã phải đưa ra nhiều giải pháp để cứu vãn tình hình kinh doanh sản xuất.
Ông Bùi Quốc Cường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đồng Nai - Long Châu, cho biết nguyên liệu thức ăn gia súc tăng lên đến 70-80%. Tỷ giá tăng nhanh đã kéo theo giá nguyên liệu các loại như bột xương thịt, bột cá, đậu nành tăng từ 7.500 đồng lên 10.500 đồng/kg, dầu cọ từ 3.700 đồng lên 4.750 đồng/kg, khô dầu dừa từ 3.500 đồng lên 5.500 kg chỉ trong vòng 2 tháng... "Tính đến nay, cả giá nguyên liệu trong nước lẫn giá nhập khẩu, đội lên bởi tỷ giá đô la Mỹ lên tới 20- 30% chỉ trong vòng 3 tháng trở lại, trong khi đó giá bán thức ăn gia súc chỉ tăng dc 200-300 đồng/kg, tương đương 3% hay 4% vì tính chất cạnh tranh trên thị trường”, ông nói. Về nguồn cung đô la, theo ông Cường doanh nghiệp phải mua với mức 20.500 đồng/đô la Mỹ từ thị trường tự do, bán lại cho ngân hàng với giá 19.500 đồng rồi mới nhập khẩu hàng về, vì ngân hàng không có đô la để bán cho doanh nghiệp. Tất cả chi phí trên được doanh nghiệp đưa vào kế hoạch tăng giá niêm yết thức ăn gia súc để bù đắp. Giám đốc một công ty chuyên về dược phẩm và thuốc thú y cho biết, với đặc trưng nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất thành phẩm bán trong nước, từ 1-2 tháng nay doanh nghiệp phải thay đổi chiến lược, từ bán nguyên liệu sang bán thành phẩm trước biến động của giá đô la. Đồng thời doanh nghiệp phải tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu do các công ty dược liệu trong nước cung cấp thay vì phụ thuộc vào nhập khẩu như hiện nay. Giám đốc phụ trách xuất nhập khẩu một công ty đồ gỗ cho biết, việc nhập vật tư nguyên liệu, bán thành phẩm không bị ảnh hưởng nhiều khi tỷ giá tăng. Tuy nhiên, để thanh toán các hợp đồng xuất khẩu trong bối cảnh tỷ giá biến động như hiện, doanh nghiệp chuyển qua vay bằng tiền đồng, thay vì vay bằng đô la Mỹ như trước đây vì lo ngại tỷ giá sẽ tiếp tục biến động. “Trước đây, khi tỷ giá ổn định thì vay ngoại tệ có lợi nhưng trong bối cảnh tỷ giá có xu hướng biến động mạnh như hiện nay thì việc quy đổi ra tiền Việt khi vay được doanh nghiệp ưu tiên chọn lựa”, ông nói. Tỷ giá không ổn định cũng là nguyên nhân đưa doanh nghiệp xuất nhập khẩu tìm đến các sản phẩm tài chính phái sinh là công cụ bảo hiểm tỷ giá, mua quyền chọn, nhiều hơn. Một doanh nghiệp cho biết ông thường xuyên mua quyền chọn mua của ngân hàng thương mại để phòng ngừa rủi ro tỷ giá tăng lên vào thời điểm thanh toán các hợp đồng bằng ngoại tệ trong tương lai. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng thương mại hiện nay cũng không mặn mà lắm với loại hình dịch vụ này vì nguồn cung đô la không nhiều, và cũng không dự đoán được tỷ giá sắp tới sẽ tiếp tục thay đổi như thế nào.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com