Sáng 30-12, Bộ Tài chính phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội nghị đối thoại với hơn 400 doanh nghiệp khu vực phía Nam về cải cách thủ tục hành chính về thuế và hải quan. Nhiều “ấm ức” của doanh nghiệp về những bất cập trong quy định, quản lý của hai lĩnh vực này đã được đem ra mổ xẻ.
Hỏi nhiều, vẫn chưa thỏa mãn!
Theo thống kê sơ bộ của Bộ Tài chính, hiện nay có khoảng 6.500 thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất của cá nhân và doanh nghiệp. |
Khá bức xúc trong việc áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trong khu công nghiệp (KCN), đại diện Công ty CP Xây lắp dầu khí miền Nam nói: “7 tháng mà Thanh tra thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn chưa thanh tra xong chỉ vì nhận thức không giống nhau quanh khái niệm “doanh thu”.
Vị đại diện này cho rằng việc cán bộ thuế cứ đòi tách doanh thu trong và ngoài khu chế xuất là không đúng, vì công ty không thể hoạt động mua bán bên trong hàng rào KCN được.
Không hài lòng với câu trả lời của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phạm Duy Khương rằng: “Do hồ sơ không đầy đủ, đề nghị công ty chuyển lại hồ sơ để Tổng cục Thuế xem xét…”, vị này phản kháng: “Các vấn đề của công ty có thể giải quyết ngay trong hội nghị, không cần phải trình xem thêm hồ sơ. Các điều kiện được hưởng ưu đãi của DN đều rất rõ ràng, cơ quan thuế cần xem lại cách diễn giải luật”.
Thứ trưởng Bộ Tài chính kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế phải vào cuộc thì chuyện mới… tạm lắng. Ông nói: “Về mặt nguyên tắc, ưu đãi thuế theo dự án đầu tư chứ không theo sản phẩm. Vì vậy, đề nghị cán bộ thuế phải rút kinh nghiệm. Khi thanh tra phải có quyết định thanh tra, thanh tra xong thì phải có kết luận ngay, không để kéo dài. Vấn đề của Công ty Xây lắp dầu khí miền Nam sẽ phải giải quyết xong trước 15-1-2009”.
Chi cục Thuế quận 1 ứng dụng công nghệ |
Công ty CP Trà Bắc (tỉnh Trà Vinh) phản ánh, trước đây, việc áp thuế suất cơm dừa sấy khô với mức 10% nhưng sau đó, Tổng cục Thuế có công văn trả lời chỉ 5%.
Sự “chênh” nhau này đã được Cục Thuế tỉnh Trà Vinh gửi công văn hỏi Tổng cục Thuế nhưng nay đã quá hạn vẫn chưa được trả lời. Vì thế, đến giờ, Cục Thuế Trà Vinh vẫn không hoàn thuế với lý do… thuế suất chưa rõ ràng! Trong khi đó, luật thuế xác định mức thuế suất phân biệt theo sản phẩm sơ chế (5%) và chế biến (10%).
Lãnh đạo Tổng cục Thuế hứa sẽ trả lời cho DN trước 10-1-2009 và sau đó Bộ Tài chính sẽ thống nhất mức thuế suất để áp dụng đồng loạt trên cả nước. Về việc chậm hoàn thuế, Hiệp hội Cà phê ca cao VN cũng phản ánh, Cục Thuế Hà Nội thường xuyên chậm giải quyết hồ sơ hoàn thuế cho DN theo thời gian quy định của luật.
Ý kiến này cũng được Tổng cục Thuế trả lời sẽ chỉ đạo Cục Thuế Hà Nội rà soát lại hồ sơ hoàn thuế GTGT cụ thể của DN và chấn chỉnh trong giao tiếp với DN.
Có doanh nghiệp dù đã 4 lần đứng lên phát biểu đến khi buổi đối thoại kết thúc vẫn chưa thỏa mãn!
Khổ vì quy định chồng chéo!
Trong phần đối thoại về cải cách hành chính liên quan đến hải quan, các doanh nghiệp nêu ra hàng loạt vướng mắc nhằm “cầu cứu” Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan cấp tốc có biện pháp hỗ trợ.
Đặc biệt là trong thời điểm khó khăn chung của các doanh nghiệp do bị tác động bởi suy thoái kinh tế toàn cầu, thiếu vốn sản xuất, nhưng nhiều đơn vị lại phải oằn lưng vay tiền ngân hàng để đóng trước tiền hoàn thuế đối với mặt hàng nguyên liệu nhập khẩu sản xuất hàng xuất khẩu chỉ bởi thủ tục chồng chéo, cứng nhắc.
Ông Nguyễn Ân, Tổng Giám đốc Công ty CP SX TM may Sài Gòn cho biết, đang trong lúc dầu sôi lửa bỏng, loay hoay đủ khoản kinh phí để lo cho anh em công nhân dịp cuối năm, song doanh nghiệp cũng phải chạy vạy để đóng 7 tỷ đồng tiền hoàn thuế do trễ hạn.
Nguyên nhân là theo quy định của hải quan, đối với hàng nhập khẩu là nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu có thời gian ân hạn thuế 275 ngày, nếu qua thời hạn này doanh nghiệp phải nộp thuế và bị “treo” tên lên “mạng rủi ro”. Mặt khác, các đơn hàng tiếp theo của doanh nghiệp sẽ không còn được hưởng thời gian ân hạn thuế.
Hải quan điện tử ở TPHCM đã tạo nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp. Ảnh: Đức Thành |
Thực tế, hầu hết doanh nghiệp nhập khẩu hàng nguyên liệu sản xuất xuất khẩu đều gặp phải tình cảnh này, dù những tháng trước đó, 2/3 nguồn hàng hay thậm chí chỉ còn một chuyến hàng cuối cùng nhưng nếu lỡ “quên” thời gian ân hạn thì lập tức bị truy thu thuế.
Tương tự, ông Hà Văn Long, Trưởng phòng kế hoạch - xuất nhập khẩu Công ty May Hữu Nghị phàn nàn, doanh nghiệp đã đóng hàng tỷ đồng tiền hoàn thuế chỉ vì những mảnh vải thừa, không còn giá trị sử dụng.
Chuyện là Công ty May Hữu Nghị không vi phạm thời gian ân hạn thuế, nhưng sau khi lô hàng xuất đi, số đơn vị vải dư chiếm khoảng 0,7% so với lô hàng lúc khai báo hải quan nên đã “vướng” ngay vào Thông tư 113, tức thời gian ân hạn chỉ 30 ngày (số vải này buộc phải chuyển loại hình) và bị xử lý như trường hợp trễ thời hạn ân hạn thuế.
“Những mảnh vải thừa đó không thể làm nên một sản phẩm, chẳng có giá trị gì nhưng chúng tôi bị buộc phải đóng thuế cho cả lô hàng thì thật là bất hợp lý”, ông Long bức xúc nói…
Sau khi nghe hàng loạt ý kiến của doanh nghiệp, Phó Cục trưởng Hải quan TPHCM Nguyễn Trọng Hùng thừa nhận những hạn chế và yếu kém của các quy định trong lĩnh vực hải quan. Ông Hùng cho biết, đã nhiều lần kiến nghị những khúc mắc mà doanh nghiệp phản ánh đến cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa thấy hồi âm.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn ghi nhận các ý kiến đóng góp thẳng thắn của doanh nghiệp và hứa sẽ sớm tham mưu đề xuất ngay giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị.
(Theo báo điện tử SaiGon Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com