Chịu tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam 2009 sụt giảm rõ rệt so với kỷ lục 64 tỷ USD năm 2008. Theo kết quả tổng hợp số liệu từ báo cáo của các địa phương gửi về, tính đến ngày 15-12, trong năm 2009, Việt Nam thu hút được 1.504 dự án FDI cả cấp mới và tăng vốn, đạt 21,482 tỷ USD, bằng 30% so với năm 2008.
Vốn thu hút giảm, vốn thực hiện ổn định
Nếu so với mục tiêu 20 tỷ USD đặt ra từ đầu năm, việc thu hút FDI của Việt Nam trong năm nay không phải là quá tệ, nếu không nói là kết quả khá, nhất là trong xu thế vốn FDI đổ vào các nước và khu vực trên thế giới giảm do khủng hoảng. Vốn đăng ký cấp mới giảm mạnh tới 70% so với năm trước, song số vốn giải ngân chỉ giảm 13%, ước đạt 10 tỷ USD.
Trong tổng số 43 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam năm 2009, Hoa Kỳ là nước đầu tư lớn nhất- 9,8 tỷ USD, chiếm 45,6% tổng FDI, kế đến là Cayman Islands, Samoa, Hàn Quốc. Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất- 6,73 tỷ USD đăng ký mới và tăng thêm, tiếp theo là Quảng Nam- 4,1 tỷ USD, Bình Dương- 2,5 tỷ USD, Đồng Nai- 2,36 tỷ USD và Phú Yên- 1,7 tỷ USD. |
Cụ thể, trong năm 2009, Việt Nam thu hút được 839 dự án FDI đăng ký mới với tổng vốn đầu tư 16,345 tỷ USD, bằng 24,6% so với cùng kỳ năm 2008. Cùng trong năm này, có 215 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 5,137 tỷ USD, bằng 98,3% so với con số tương ứng của năm ngoái. Việc các nhà đầu tư tăng vốn cho các dự án FDI cho thấy cái nhìn tích cực đối với môi trường đầu tư ở Việt Nam.
Thêm nhiều dự án bất động sản
Lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống tiếp tục được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhất với tổng số 8,8 tỷ USD vốn cấp mới và tăng thêm. Lĩnh vực khác vẫn giữ được sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư là bất động sản. Cũng giống năm trước, FDI thu hút được vào bất động sản tiếp tục tăng, đứng thứ hai với số vốn 7,6 tỷ USD vốn cấp mới và tăng thêm. Điều này xóa tan nghi vấn về khả năng các nhà đầu tư sẽ bán dự án để rút vốn khỏi Việt Nam khi thị trường bất động sản xuống đáy trong năm ngoái. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ đứng thứ 3 với 2,97 tỷ USD vốn đăng ký.
Thực tế, vớiViệt Nam, thị trường hơn 86 triệu dân, trong đó số lượng người dân có thu nhập cao ngày càng tăng, tiềm năng khai thác một số phân khúc thị trường bất động sản như kết cấu hạ tầng phục vụ bán lẻ, khu nghỉ dưỡng, khách sạn, văn phòng cho thuê, chung cư cao cấp… ở nước ta đều rất lớn. Với cơ hội đầu tư thấy rõ, lĩnh vực này trở nên ngày càng hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài là điều dễ hiểu. Thời gian qua, vốn FDI vào lĩnh vực này đã giúp cải thiện hạ tầng cơ sở cho ngành du lịch, góp phần thay đổi diện mạo đô thị, tạo nguồn cung dồi dào về văn phòng cho thuê, nhà ở...
Trong năm qua, xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu khí) đạt 29,9 tỷ USD, bằng 86,6 % so với năm 2008 và chiếm 52,7 % tổng xuất khẩu cả nước. Kim ngạch xuất khẩu khối doanh nghiệp này giảm có nguyên nhân chủ yếu do xuất khẩu dầu thô không được giá. Nhập khẩu của khu vực FDI năm 2009 chỉ đạt 24,8 tỷ USD, bằng 89,2 % so với năm 2008 và chiếm 36,1% tổng nhập khẩu cả nước. |
Cơ hội lớn, song theo nhiều chuyên gia kinh tế, tập trung vốn FDI vào lĩnh vực này có thể gây rủi ro về bất ổn kinh tế vĩ mô vì những biến động của thị trường bất động sản liên quan trực tiếp đến luồng tiền FDI vào nước ta, có thể ảnh hưởng đến cán cân thanh toán tổng thể. Trong nguồn vốn của khối đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này có phần khá lớn được huy động tại Việt Nam. Đã có những cảnh báo về hiện tượng giá bất động sản ở Việt Nam quá cao, tạo ra hiện tượng bong bóng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Chuyển hướng thu hút FDI: Có chọn lọc
Bởi thế, đã đến lúc Việt Nam phải có chiến lược vàquy hoạch rõ ràng cho thu hút FDI. Bộ Kế hoạch - Đầu tư xác định trong năm tới sẽ chọn lọc để hướng dòng vốn FDI vào những lĩnh vực quan trọng như công nghiệp phụ trợ, phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực. Các ngành khác cũng nhận được sự ưu tiên là chế biến nông sản, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, ngành sản xuất tiết kiệm năng lượng và các ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn. Một chiến lược thu hút FDI gắn với quy hoạch của các ngành khác sẽ hạn chế được việc đầu tư ồ ạt vào một lĩnh vực trong một thời gian theo kiểu phong trào, gây mất cân đối cơ cấu kinh tế. Làm được điều này cũng phụ thuộc rất nhiều vào địa phương trong bối cảnh phân cấp mạnh mẽ về cấp phép đầu tư.
Thêm vào đó, xu thế chuyển vùng của các nhà đầu tư trên thế giới đã thể hiện rất rõ. Các tập đoàn, các DN nước ngoài cũng đang có xu hướng đầu tư cho sản xuất trực tiếp ở nước ngoài. Vì thế, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, chúng ta cần tích cực hơn, khẩn trương hơn để đón đầu xu thế này và cần vận dụng mọi biện pháp để tranh thủ cơ hội đầu tư cũng như cơ cấu lại danh mục đầu tư. Muốn vậy, Việt Nam cần sớm khắc phục các “nút thắt” về hạ tầng, thể chế, nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp phụ trợ...,đồng thời kết hợp với sự khéo léo trong công tác vận động xúc tiến đầu tư.
(Theo Vũ Mai // Báo Hải Phòng Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com