Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giá cả là chuyện nhỏ!

Công ty Vimpelcom vừa trả 196 triệu đô la Mỹ để nâng tỷ lệ sở hữu mạng viễn thông Beeline từ 40% lên 49%. Ảnh: Minh Khuê.

Những ngày này có lẽ không dễ dàng với David Thái, Chủ tịch tập đoàn Việt Thái và là người sáng lập thương hiệu cà phê Highlands. Việt Thái vừa thỏa thuận thành công một trong những thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) lớn nhất với Jollibee về việc bán một phần tập đoàn Việt Thái cho đối tác này với giá 25 triệu đô la Mỹ. Vậy mà chưa đầy hai tuần sau, có trang mạng đã giật tít: “Cà phê Highlands “bắn lại hạn sử dụng” 31 ngàn sản phẩm” (1) , sẽ bị cơ quan quản lý thị trường tiêu hủy!

Háo hức

Có cái gì đặc biệt ở thị trường mua bán và sáp nhập M&A năm nay mà người ta háo hức? Chỉ trong bốn tháng đầu năm, thị trường đã chứng kiến nhiều giao dịch lớn, tổng giá trị giao dịch lên đến hơn 735 triệu đô la Mỹ. Một vài giao dịch lớn, ví dụ việc bán cổ phần Vietinbank cho Nova Scotia Bank, khoảng 180 triệu đô la Mỹ, cũng sẽ hoàn tất trong tương lai gần. Hầu như chắc chắn là kỷ lục 1,75 tỉ đô la Mỹ giá trị M&A của năm 2010 (2) sẽ bị phá.

Thương vụ lớn nhất năm 2011 cho đến nay là việc Vimpelcom trả 196 triệu đô la Mỹ để nâng tỷ lệ sở hữu trong mạng viễn thông Beeline từ 40% lên 49%, và còn dự định đầu tư tiếp 304 triệu đô la Mỹ đến năm 2013 để nâng tỷ lệ sở hữu lên 65%. Hai giao dịch kế tiếp đều vào Masan. Tháng 1, Mount Kellett mua 20% của Masan Resources với giá 100 triệu đô la Mỹ. Ba tháng sau đến lượt Kohlberg Kravis Roberts (KKR) mua 10% của Masan Consumer với giá 159 triệu đô la Mỹ.

Các giao dịch lớn còn lại bao gồm việc hãng sản xuất và phân phối bia rượu quốc tế Diageo mua 23,6% cổ phiếu (và trở thành cổ đông chiến lược) của Halico (51,6 triệu đô la Mỹ), tập đoàn hóa mỹ phẩm và thực phẩm Ấn Độ Marico mua 85% của nhà sản xuất X-Men ICP (khoảng 55-60 triệu đô la Mỹ), Công ty cổ phần Du lịch Thiên Minh mua chuỗi khách sạn Victoria (45 triệu đô la Mỹ). Có hơn 10 giao dịch, với giá trị mỗi giao dịch từ 10 triệu đô la Mỹ trở lên.

Hoạt động M&A diễn ra cả khi thị trường tốt lẫn thị trường xấu. Nửa đầu năm nay, tình hình vĩ mô không thuận lợi. Lãi suất cao, đồng Việt Nam hạ giá, tín dụng bị siết chặt, nhập siêu vẫn cao. Trong tình trạng như vậy, việc vay vốn của các doanh nghiệp trở nên khó khăn, M&A trở thành cứu tinh. Lĩnh vực bất động sản là một điển hình: hàng loạt dự án bất động sản “sống lại” nhờ M&A. Cũng nhờ vậy, các doanh nghiệp bất động sản đã có tên tuổi có thể mua đất sạch với giá hợp lý.

Cho dù việc công ty nước ngoài mua công ty Việt Nam là đa số, xu hướng công ty Việt Nam mua lại công ty nước ngoài ngày càng được khẳng định. Năm 2010, Dragon Capital thoái vốn tại hai khoản đầu tư lớn là VPBank và dự án Núi Pháo cho các nhà đầu tư trong nước. Trong trường hợp VPBank, giá bán cao hơn giá thị trường đang giao dịch đến 40%, với lý do là người mua, một nhóm cổ đông mạnh trong giới ngân hàng trong nước, muốn nắm đa số để kiểm soát VPBank. Không thể phủ nhận là khối doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã thực sự lớn mạnh!

Ngoại: hàng tiêu dùng, nội: bất động sản

Điểm mặt các giao dịch đình đám trong lĩnh vực bất động sản, người ta thấy các nhà đầu tư nước ngoài có vẻ bán ròng. VinaLand rút vốn khỏi dự án nhà ở Quốc tế tại quận 9, TPHCM sau khi bán 85% vốn trong khu Mandarin Garden tại Hà Nội cuối năm ngoái. Daewoo đã bán lại dự án khách sạn 65 tầng trên đường Liễu Giai cho Lotte, tổng vốn đầu tư lên đến 400 triệu đô la Mỹ. Theo thông tin của CBRE đăng tải trên báo Thanh Niên (3) , trong số 25 thương vụ M&A, chỉ có ba thương vụ liên quan đến các doanh nghiệp nước ngoài, còn lại 22 thương vụ là giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau.

Các nhà đầu tư nước ngoài có vẻ quan tâm đến thị trường hàng tiêu dùng trong nước nhiều hơn. Các thương vụ KKR, Diageo và Marico đều liên quan đến các công ty hàng đầu trong các ngành nước mắm, mì ăn liền, rượu bia và sản phẩm làm đẹp cho nam giới. Ngoài các giao dịch này, có thể kể đến thương vụ Jollibee-Việt Thái, và một đối tác nước ngoài giấu tên bỏ 50 triệu đô la Mỹ mua cổ phiếu của chuỗi rạp chiếu bóng Megastar. Ebay, có lẽ đã dự đoán trước được phần nào khoản lợi nhuận khổng lồ 1,4 tỉ đô la Mỹ từ việc bán Skype cho Microsoft, đã mua 20% cổ phiếu của PeaceSoft, nhà điều hành trang web mua bán chodientu.vn.

Giá cả là chuyện nhỏ!

Nhắc đến thương vụ Microsoft-Skype để thấy có lẽ sự kỳ vọng vào M&A trên thế giới cũng ảnh hưởng đến giá mua công ty tại Việt Nam. Tại Việt Nam, điều này thể hiện kỳ vọng của giới đầu tư vào tốc độ tăng trưởng cao của các công ty, và toàn bộ nền kinh tế, cho dù tình hình vĩ mô có thể chưa ổn định. Nó cũng cho thấy sự tin tưởng của các nhà đầu tư sẽ làm thay đổi cơ bản được các công ty mua lại, giúp lợi nhuận có thể tăng đột biến.

Trong cả hai thương vụ liên quan đến Masan, người mua đều không phải tay mơ. KKR được thành lập năm 1976, hiện quản lý 61 tỉ đô la Mỹ, chuyên làm các khoản đầu tư lớn, phức tạp trên toàn thế giới, đã từng làm những khoản LBO (Leveraged buyout) trên 1 tỉ đô la Mỹ. Mount Kellett nhỏ hơn, mới thành lập năm 2008, chỉ quản lý 3 tỉ đô la Mỹ, nhưng những thành viên sáng lập đều dày dạn kinh nghiệm từ Goldman Sachs.

Trong hai công ty họ đầu tư, Masan Resources chưa làm ra lợi nhuận, còn Masan Consumers (MC) báo cáo 1.253 tỉ đồng lợi nhuận cho 2010, tức là KKR mua vào MC ở mức giá 26,1 lần P/E năm 2010. Không hề rẻ so với mức P/E trung bình 10,2 lần của 50 công ty dẫn đầu thị trường tại cùng thời điểm.

Thương vụ Jollibee-Việt Thái cũng không phải là thương vụ rẻ. Theo số liệu Jollibee công bố, Jollibee dự định đầu tư 25 triệu đô la Mỹ để mua 49% của Việt Thái tại Việt Nam, và 60% của Việt Thái tại Hồng Kông, ngoài ra còn cho Việt Thái vay 35 triệu đô la Mỹ với mức lãi suất 5%/năm. Các bên không công bố nhiều chi tiết vì việc nghiên cứu đầu tư vẫn còn tiếp diễn, nhưng dựa trên con số 1,7 triệu đô la Mỹ EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) và hợp nhất, Jollibee có lẽ đã chấp nhận đầu tư với định giá không dưới 24,5 lần EBITDA 2010. Để so sánh, chỉ số giá/EBITDA 2010 trung bình của 50 công ty lớn nhất thị trường do Dragon Capital tính chỉ khoảng 6.8 lần.

________________________________________________________

(*) Dragon Capital

(1) http://cafef.vn/2011060305263139CA39/ca-phe-highlands-ban-lai-han-su-dung-31-nghin-san-pham.chn

(2) Giá trị M&A 1,75 tỉ đô la Mỹ được nêu trong báo cáo “Vietnam M&A activity review - 2010” của PWC. Giá trị này bao gồm nhiều khoản đầu tư tài chính thiểu số của các quỹ và tổ chức đầu tư chứng khoán, ví dụ khoản đầu tư 18,5% tại Trần Anh Digital World của Quỹ đầu tư Aureos South East Asian Fund. Nhiều người không coi những giao dịch như trên là giao dịch M&A, vì chúng không gắn liền với việc thay đổi sở hữu đa số của công ty bị mua lại, hoặc không có thay đổi về quyền điều hành. Trong khuôn khổ bài báo này chúng tôi sử dụng định nghĩa rộng về M&A của PWC.

(3) http://nhadat.thanhnien.com.vn/tinchitiet/1/1312/du-an-bat-dong-san-song-lai-nho-ma-/

Số lượng tăng nhanh, nhu cầu đa dạng

Tại Việt Nam, hoạt động M&A diễn ra khá sôi nổi và có xu hướng tăng mạnh theo từng năm. Năm 2008, Việt Nam có 162 thương vụ M&A trị giá 1,12 tỉ đô la Mỹ, sang năm 2009 con số này tăng lên 295 vụ với giá trị giao dịch 1,14 tỉ đô la. Đến năm 2010, có tới 345 thương vụ M&A được công bố với tổng giá trị giao dịch lên tới 1,7 tỉ đô la.

Nhiều chuyên gia trong ngành dự báo năm 2011 sẽ có nhiều vụ giao dịch M&A với quy mô và số lượng lớn. Đáng chú ý, ngoài những vụ công ty nước ngoài mua lại doanh nghiệp Việt Nam, thời gian gần đây, nhiều công ty trong nước đã chủ động mua lại và sáp nhập với nhau (cùng ngành nghề). Số lượng các giao dịch loại này chiếm khoảng 40% tổng số giao dịch toàn thị trường.

Theo thông tin từ Diễn đàn M&A Việt Nam 2011 diễn ra vào tuần này (9-6-2011), 17% doanh nghiệp tại Việt Nam có định hướng kế hoạch M&A trong ba năm tới. Và trong năm nay, hoạt động M&A sẽ bung mạnh ở ba lĩnh vực: sản xuất, tài chính ngân hàng và hàng tiêu dùng nhanh.

Những xu hướng chính của hoạt động M&A diễn tra trong thời gian qua khá đa dạng. Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc điều hành TNK Capital Partners, một số doanh nghiệp lớn có tham vọng chiếm lĩnh thị trường và hợp nhất các doanh nghiệp trong ngành nên tạo nên sức mạnh cạnh tranh mới trên thương trường.

Điển hình là Công ty cổ phần Sản xuất thương mại Thành Thành Công mua lại các doanh nghiệp mía đường trong thời gian qua. Thành Thành Công đăng ký tham gia và trở thành cổ đông lớn của Công ty Đường Ninh Hòa. Sau Ninh Hòa, Thành Thành Công bỏ vốn vào hàng loạt công ty đường khác như La Ngà, Phan Rang, Biên Hòa với tỷ lệ sở hữu từ 4-22%.

Cũng có một số doanh nghiệp tham gia các vụ M&A để mở rộng ngành hàng mới nhằm tận dụng hệ thống phân phối của công ty mình, hình thành các tập đoàn kinh doanh đa ngành, đa nghề. Ngoài ra, nhu cầu tăng vốn, thanh lọc những ngành kinh doanh tài sản không trọng yếu, hướng doanh nghiệp phát triển về đúng năng lực lõi cũng là điều kiện để doanh nghiệp thực hiện những thương vụ M&A.

(Sơn Nghĩa)

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Mua bán doanh nghiệp: Kênh đầu tư quan trọng
  • Nhiên liệu sinh học: Ngắc ngoải “chờ sáng trăng”
  • Thép Hòa Phát tiếp tục giữ vị trí số 1 thị phần cả nước
  • Nhiều doanh nghiệp điêu đứng vì “Vinashin con”
  • Khép cửa xe nhập: 'Chúng tôi hết đường làm ăn'
  • Big C làm nhãn hàng riêng ở tất cả các ngành hàng
  • 2011: Các hãng hàng không giảm mạnh lợi nhuận
  • Đầu tư 50 triệu USD xây nhà máy nước giải khát
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao