Nhiều ý kiến trong giới kinh doanh ôtô nhập khẩu nhận định thị trường xe du lịch sẽ gần như rơi hoàn toàn vào tay khối liên doanh.
Nhiều ý kiến cho rằng, sau khi Thông tư số 20/2011/TT-BCT của Bộ Công Thương có hiệu lực, người được hưởng lợi nhiều nhất sẽ là các hãng xe thuộc Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA).
Thậm chí, nhiều ý kiến trong giới kinh doanh ôtô nhập khẩu nhận định thị trường xe du lịch sẽ gần như rơi hoàn toàn vào tay khối liên doanh, và một số ít các nhà sản xuất ôtô trong nước đang là đối tác lắp ráp của các hãng xe nước ngoài.
“Với các thủ tục bổ sung quy định tại Thông tư 20 có hiệu lực từ 26/6 được xem là “đánh đố” doanh nghiệp, hệ thống các nhà nhập khẩu không chính thức sẽ hết đường làm ăn. Tôi tin là sau vài ba tháng nữa, hàng trăm salon xe nhập ở Hà Nội hay Tp.HCM sẽ mất tích”, chủ một salon ôtô nhập khẩu tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) nhận định.
Theo các doanh nghiệp này, về lý thuyết họ vẫn còn cơ hội nếu có thể hoàn thiện các thủ tục bổ sung như quy định. Nhưng trên thực tế, việc lo được các thủ tục đó chẳng khác nào… “bắc thang lên trời”.
Giám đốc một doanh nghiệp chuyên kinh doanh ôtô nhập khẩu có tiếng tại miền Bắc phân tích: Vào thời điểm hiện tại, vẫn còn không ít thương hiệu xe hơi trên thế giới chưa thâm nhập thị trường Việt Nam. Và “cửa” mà thông tư này để lại cho các doanh nghiệp sẽ là việc nhập khẩu, phân phối các loại xe mang thương hiệu đó.
“Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy rất rõ là đại đa số các thương hiệu nổi tiếng, các loại xe dễ bán đều đã có liên doanh hoặc có nhà phân phối chính thức tại Việt Nam. Trong khi đó, ai kinh doanh cũng phải nghĩ đến lợi nhuận, mà nhập các loại xe… không ai biết đến thì chẳng khác nào ném tiền qua cửa sổ. Vậy là rõ ràng chúng tôi hết đường làm ăn!”, vị doanh nhân này giãi bày.
Cũng có ý kiến cho rằng vẫn còn “cửa” đối với một vài thương hiệu ôtô hạng trung và bình dân, bởi rất có thể sẽ có hãng xe nào đó đồng ý mở thêm nhà phân phối tại Việt Nam. Tuy nhiên, làm được việc đó cũng không hề đơn giản, và cho dù được chấp thuận, thì cạnh tranh thế nào với nhà phân phối hiện thời đang nắm trong tay thị phần lớn, hệ thống bán hàng rộng rãi mới là điểm mấu chốt.
Trong khi “cửa” đối với khối doanh nghiệp ngoài liên doanh thuộc VAMA chuẩn bị khép lại thì “cửa” với các liên doanh đồng thời được mở rộng thêm. Trong 2-3 năm trở lại đây, nhiều liên doanh đã bắt đầu tiến hành nhập khẩu nguyên chiếc những dòng xe được đánh giá là có chi phí đầu tư sản xuất, lắp ráp lớn trong khi doanh số kỳ vọng không cao.
Chẳng hạn như Toyota hiện đang nhập và phân phối Land Cruiser, Hilux, Prado, Yaris; Mercedes-Benz phân phối S-Class và các mẫu SUV lớn; Nissan phân phối Navara; Ford sắp tới sẽ phân phối dòng pick-up Ranger thế hệ mới….
Khi hàng loạt doanh nghiệp nhập khẩu không chính thức bị loại khỏi thị trường, việc các liên doanh và kể cả các nhà sản xuất trong nước như Trường Hải hay Hyundai Thành Công mở rộng hoạt động nhập khẩu nguyên chiếc sang các dòng xe thông dụng khác là hoàn tòan có thể xảy ra.
Ngoài khối liên doanh và nhà sản xuất thuộc VAMA, một đối tượng được hưởng lợi nữa từ Thông tư 20 sẽ là nhóm các nhà nhập khẩu và phân phối chính thức.
Sau khi Thông tư 20 được công bố, nhà phân phối Hyundai Thành Công cũng đã tỏ rõ quan điểm ủng hộ chính sách này, khi cho rằng sẽ thúc đẩy minh bạch hóa thị trường, ngân sách không bị thất thu và người tiêu dùng được hưởng lợi từ cách dịch vụ chăm sóc sau bán hàng.
Về cơ bản, nếu hàng loạt salon ôtô nhập khẩu phải “đóng cửa”, các nhà phân phối chính thức sẽ không còn đối thủ cạnh tranh trên thị trường.
(Theo VnEconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com