Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bị các nước nhập khẩu kiện bán phá giá và phải trả giá đắt. Tuy nhiên, đáng lo lắng hơn là rất có thể, nhiều DN thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau tiếp tục dính kiện trong thời gian tới. Năm 2009 hàng hóa Việt Nam bị 7 vụ kiện bán phá giá và trợ cấp trên 6 thị trường và đặc biệt là có những thị trường chúng ta nghĩ rất khó có khả năng bị kiện như vụ kiện mặt hàng thép ở Ấn Độ, hay vụ kiện giày dép tại Brazil.
Theo luật sư Trần Hữu Huỳnh, Phó tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, sau cuộc khủng hoảng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều vụ kiện hơn. Bởi kinh tế phục hồi, các doanh nghiệp nước ngoài có tiền để theo đuổi các vụ kiện. Không chỉ các vụ kiện chống bán phá giá mà doanh nghiệp còn đối mặt với nguy cơ bị kiện về trợ cấp. Gần đây, lần đầu tiên Việt Nam bị Hoa Kỳ kiện về trợ cấp cho nhựa PE, và điều này có nguy cơ xảy ra đối với các mặt hàng khác vì lý do mà Mỹ cho là trợ cấp có các nguyên tắc áp dụng khá giống nhau. Ngoài việc cần sớm đưa ra những cảnh báo, theo ông Trần Hữu Huỳnh, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cần phối hợp với nhau không làm hàng có giá quá thấp. Làm hàng giá thấp người lao động vừa không được lợi, nền kinh tế lại có thể rơi vào bẫy phát triển thấp, đồng thời lại đối mặt với nguy cơ bị thị trường nhập khẩu kiện. Doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cũng cần là chủ động hơn để sẵn sàng đối phó khi bị kiện bằng cách phải hiểu toàn bộ các quy định về thương mại quốc tế. Khi bị kiện, cần phải chuẩn bị các sổ sách tài chính kế toán và chuẩn bị các câu hỏi để trả lời minh bạch, công khai, thống nhất. Doanh nghiệp phải luôn luôn soi chiếu cả 3 góc độ của thị trường nhập khẩu: có bán phá giá không, có trợ cấp không, tự vệ không? Về phía Chính phủ, cần rà soát lại đối với cơ chế sản xuất các mặt hàng để hạn chế nguy cơ bị kiện trợ cấp cho hàng hóa. Các hoạt động phải nhanh chóng, khẩn trương như vụ cung cấp tài liệu chống vụ kiện túi PE. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần sẵn sàng để khởi kiện ra WTO những vụ mà các nước khác áp dụng áp thuế không đúng với nguyên tắc WTO. Như với vụ kiện túi PE, TS Peter John Koenig, luật sư cao cấp của hãng luật Squire Sanders (Mỹ) cho rằng Việt Nam có thể phản đối việc Mỹ cho rằng mặt hàng nhựa PE Việt Nam hưởng trợ cấp. Vì mặt hàng túi nhựa này được sản xuất ở Việt Nam - một nền kinh tế mà Mỹ cho là phi thị trường nhưng khi tính toán các số liệu thì họ lại so sánh với một nước thứ 3 là Ấn Độ- một nền kinh tế thị trường thì chắc chắn có một số cái không nhất quán nên Việt Nam có thể lấy đó làm cơ sở để phản đối.
(Theo Vân Hà // Báo Người Đại Biểu Online )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com