Kết quả cuộc kiểm toán do kiểm toán Nhà nước (KTNN) thực hiện tại tập đoàn Than – khoáng sản Việt Nam (TKV) và các thành viên của tập đoàn này mới kết thúc trong tháng 2 năm nay (về niên độ ngân sách 2007) cho thấy sự lỏng lẻo trong cung cách quản lý của TKV mà ông Kiển có trách nhiệm không nhỏ với tư cách người lãnh đạo cao nhất của tập đoàn. Điều đó một phần lý giải vì sao Đoàn Văn Kiển, chủ tịch hội đồng quản trị của tập đoàn Than – khoáng sản Việt Nam (TKV) đã bị uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng kỷ luật cảnh cáo và đề nghị ban cán sự Đảng Chính phủ cho thôi chức.
Cho vay tuỳ tiện
Hoạt động theo mô hình quản lý tập trung, với nguồn vốn tương đối lớn, công ty mẹ – tập đoàn TKV – tổ chức cho các công ty thành viên vay với lãi suất rất thấp: thường là bằng 0% hoặc thấp hơn lãi suất vay vốn trên thị trường. Việc này làm giảm hiệu quả sử dụng vốn ít nhất khoảng 18 tỉ đồng.
Theo KTNN, tổng số tiền TKV cho vay với lãi suất thấp (1,2%/năm) đến 31.12.2007 là trên 215 tỉ đồng (để mua xe, sửa đường, xây dựng hội trường khách sạn…). Chênh lệch giữa lãi suất 1,2%/năm với lãi suất mà một công ty đi vay vào cùng thời điểm đó 0,75%/tháng, tương ứng với số tiền ít nhất là 12,2 tỉ đồng. KTNN nhận định việc cho các công ty cổ phần vay với lãi suất thấp dẫn đến một phần lợi nhuận của Nhà nước bị chuyển cho các cổ đông bên ngoài (riêng phần lãi suất chênh lệch chuyển cho cổ đông ngoài là 3,18 tỉ đồng).
Tổng số tiền mà TKV cho vay với lãi suất 0% tính đến hết năm 2007 trên 24,2 tỉ đồng. Mức chênh lệch lãi suất đó với lãi suất đi vay cùng thời điểm tương ứng số tiền trên 5,7 tỉ đồng. TKV còn cắt giảm cả lãi vay cho đơn vị thành viên, ví dụ như công ty TNHH một thành viên chế tạo máy TKV phần lãi vay vốn ngắn hạn và phí thu xếp vốn cho khoản vay 9,215 tỉ đồng, tương ứng với 865 triệu đồng lãi vay.
Trong việc quản lý doanh thu, chi phí, KTNN xác định, các quỹ tập trung tại TKV chưa chi hết nhưng cuối năm lại chưa tất toán để giảm giá thành, xác định sai tỷ giá, phân bổ chi phí chưa đúng kỳ kế toán nên xác định kết quả kinh doanh chưa chính xác. KTNN yêu cầu TKV phải điều chỉnh các số liệu như: tăng doanh thu hoạt động tài chính lên 32 tỉ đồng (do xác định lại chênh lệch tỷ giá và hạch toán thiếu cổ tức năm 2007, hạch toán thiếu lãi tiền gửi), tăng các khoản thu nhập khác trên 106 tỉ đồng (do kết chuyển tiền phạt nhà thầu, giảm khấu hao…)
Lận thuế hàng trăm tỉ đồng
Nếu như không thực hiện kiểm toán TKV, ngân sách nhà nước có lẽ đã không có thêm 275,47 tỉ đồng.
Ví dụ như khoản thuế đối với nhà thầu nước ngoài, các khoản thuế chưa kê khai, nộp đúng quy định của nhà thầu SFECO là trên 27,7 tỉ đồng; thuế thu nhập với nhà thầu Marubeni (thi công nhà máy điện Na Dương) là 11,14 tỉ đồng. Số thuế tài nguyên than và nước thiên nhiên sử dụng cho sản xuất tại một số đơn vị của TKV cũng được xác định phải tăng thêm gần 65 tỉ đồng. Thuế xuất khẩu lẽ ra phải tính theo giá bán than tại cửa khẩu xuất đi nhưng TKV lại tính trên cơ sở giá bán than tại cảng nội địa, không tính đến chi phí vận chuyển từ cửa khẩu nội địa đến cửa khẩu xuất than.
Cũng theo KTNN, doanh thu của TKV cũng có thể đã tăng lên rất nhiều mà ngân sách cũng có phần thuế tăng thêm đáng kể từ tập đoàn này nếu như TKV và các đơn vị thành viên thực hiện đúng chính sách giá bán than mà Thủ tướng đã quy định. TKV đã rộng rãi bán than với giá ưu đãi cho cả một số doanh nghiệp, đơn vị như tổng công ty Lắp máy Việt Nam, ban quản lý dự án Ximăng Cẩm Phả… Thậm chí, có đơn vị mua than với giá ưu đãi nhưng lại bán lại cho đơn vị khác để kiếm lời. Ví dụ như công ty cổ phần Ximăng và xây dựng Quảng Ninh trong hai năm 2007 và 2008 đã cung ứng than (mua theo giá ưu đãi từ TKV) cho một công ty sản xuất gốm với số lượng lên tới 3.760 tấn.
Trên sai, dưới cũng sai
Về đầu tư, xây dựng, nếu ở công ty mẹ – tập đoàn – có chuyện chỉ định thầu không đúng 99 gói thầu với giá trị 1.690 tỉ đồng, một số gói thầu xét thầu không đúng, quyết toán sai thì ở một số công ty con của TKV, tình trạng cũng hệt như vậy.
Ở công ty cổ phần Than Núi Béo, lãnh đạo công ty thuê thiết bị bên ngoài với giá trị tới 400 tỉ đồng nhưng chỉ định thầu. Tại công ty TNHH một thành viên Than Uông Bí, công ty thuê phương tiện vận chuyển cũng không tổ chức đấu thầu, chào hàng cạnh tranh, không tuân thủ quy định của công ty mẹ. Lãnh đạo công ty cổ phần Khoáng sản và luyện kim Cao Bằng ký hợp đồng cho các tổ chức, cá nhân bên ngoài vào khai thác mỏ trong khi công nhân tại các xí nghiệp lại không đủ việc làm và các xí nghiệp phải ký hợp đồng với bên B để có việc làm cho công nhân.
Tất cả những điều trên cho thấy, trong hệ thống của TKV, từ công ty mẹ đến các công ty con, đã từ lâu không có sự chặt chẽ trong công tác quản lý, điều hành. Số tiền phải thu về cho ngân sách trên 275 tỉ đồng mà KTNN kiến nghị không bao gồm cả những khoản thất thoát, lãng phí lớn về tài nguyên, khoáng sản, về vật tư không sử dụng, về hàng trăm tỉ đồng bán than ưu đãi không đúng…
( Theo Mạnh Quân // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com