Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Jetstar Pacific gặp trục trặc về thương hiệu

Cục Hàng không VN khuyến cáo Jetstar Pacific không được bay với biểu tượng chữ Jetstar (hoặc chữ Jet) và ngôi sao màu vàng cam vì gây nhầm lẫn với hãng hàng không Jetstar Airways của Úc
 
Sau hơn một năm đổi tên từ Pacific Airlines (PA) thành Jetstar Pacific Airlines (JP), hãng hàng không đầu tiên của VN hoạt động theo mô hình hàng không giá rẻ đang gặp trục trặc về thương hiệu. Vấn đề này nếu tiếp tục kéo dài có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của hãng.


 

Jetstar Pacific ngày càng thu hút nhiều khách nội địa. Ảnh: T.THẠNH


Phạm luật hay không phạm luật?

Tháng 5-2008, PA tuyên bố hoạt động dưới thương hiệu mới sau khi đạt được thỏa thuận nhượng quyền thương hiệu với Jetstar Airways (Úc) thuộc Tập đoàn Qantas. Mặc dù tên công ty ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là Jetstar Pacific Airlines nhưng trong thực tế, JP sử dụng hai biểu tượng là chữ Jetstar (hoặc chữ Jet) và ngôi sao màu vàng cam trên máy bay, phòng vé và trong các hoạt động quảng cáo, tiếp thị, bán sản phẩm dịch vụ khác.

Tháng 6-2008, Cục Hàng không  VN khuyến cáo JP không được bay với biểu tượng nói trên vì gây nhầm lẫn với hãng hàng không Jetstar Airways của Úc. Theo Luật Hàng không dân dụng VN, Jetstar Airways không được cấp thương quyền nội địa và quốc tế tại VN, trừ các đường bay giữa VN và Úc mà Jetstar Airways được cấp trên cơ sở hiệp định hàng không song phương. Việc JP sử dụng thương hiệu và biểu tượng của Jetstar Airways khiến Jetstar Airways được quảng cáo là có các chuyến bay trên đường bay nội địa và đường bay quốc tế mà hãng không có thương quyền vận chuyển.

Hơn nữa, trong giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không (do Bộ GTVT cấp) của JP chưa có quy định về biểu tượng nên Cục Hàng không VN đã có văn bản số 3398/CHK-VTHK không cho phép JP tiếp tục bay với biểu tượng chữ Jetstar (hoặc chữ Jet) và ngôi sao màu vàng cam. JP phải làm thủ tục để bổ sung biểu tượng vào giấy phép kinh doanh. Biểu tượng, thương hiệu của JP phải có yếu tố phân biệt rõ ràng, không gây nhầm lẫn với bất kỳ một hãng hàng không nào khác.

Tuy nhiên, đối chiếu với các văn bản pháp luật chuyên ngành khác, các cơ quan chức năng đã cấp phép cho JP sử dụng ba thương hiệu Jetstar, Jet (có hình ngôi sao) và Starclass. Tại văn bản số 5509/BCT-KH của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh nêu rõ giữa JP và Jetstar Airways đã có hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng thương hiệu thể hiện sự đồng thuận của hai bên nên không phát sinh vấn đề cạnh tranh không lành mạnh. Còn tại văn bản số 1333/BKHCN-SHTT, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng việc sử dụng thương hiệu có gây nhầm lẫn hay không phụ thuộc vào cách thức sử dụng và phải được đánh giá theo thực tế, ví dụ dưới hình thức điều tra xã hội học. Việc Bộ GTVT không cho phép JP sử dụng thương hiệu nói trên là không phù hợp với pháp luật về thương hiệu.

Bộ GTVT nêu ra nhiều quan ngại

Về phía JP, trong công văn đăng ký biểu tượng công ty vào giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không do Tổng Giám đốc Lương Hoài Nam ký vẫn đề nghị được sử dụng hai biểu tượng như cũ, đồng thời sửa đổi thời hạn giấy phép kinh doanh là không thời hạn thay vì hết hiệu lực vào tháng 10-2010 như giấy phép hiện hành.

 Do không đạt được sự thống nhất giữa doanh nghiệp và các cơ quan chủ quản, đến nay, JP vẫn chưa có được giấy phép để sử dụng thương hiệu Jetstar một cách hợp lệ. Mới đây, sự việc được báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo. Tại văn bản báo cáo Thủ tướng, Bộ GTVT nêu thêm các quan ngại khi JP tiếp tục sử dụng thương hiệu Jetstar hoặc chữ Jet và ngôi sao màu vàng cam. Cụ thể: Thương hiệu quốc gia không được thể hiện trong một hãng hàng không lớn thứ hai của VN; 5 hãng hàng không nội địa còn lại có thể hợp tác với các hãng nước ngoài để tăng cường năng lực cạnh tranh, vốn và thương hiệu. Trong trường hợp này, thị trường hàng không VN có nguy cơ chuyển thành thị trường chung cho các hãng nước ngoài; không thể phát triển Tổng Công ty Hàng không VN -  nòng cốt của lực lượng vận tải hàng không quốc gia - thành hãng hàng không có tầm cỡ trong khu vực châu Á - Tây Thái Bình Dương như chiến lược đã được phê duyệt...

Cũng trong văn bản báo cáo Thủ tướng, Bộ GTVT đưa ra hai khả năng: Nếu không chấp thuận cho JP sử dụng thương hiệu như hiện nay, thị trường vận chuyển hàng không VN được bảo đảm hoạt động theo các quy định pháp luật, gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế với an ninh quốc phòng. Ngược lại, nếu cho phép JP tiếp tục sử dụng thương hiệu như hiện nay, đối tác có thể tiếp tục đầu tư nhưng thị trường vận chuyển hàng không nội địa sẽ không bảo đảm hoạt động theo các quy định pháp luật và gây ra các hệ lụy như đã phân tích ở trên.

Qantas có thể rút vốn

Theo nhận định của Bộ GTVT, nếu không chấp thuận cho JP sử dụng thương hiệu như hiện nay, nguy cơ Tập đoàn Qantas rút vốn đầu tư tại JP là rất cao.

Đến nay, Qantas đã tăng vốn đầu tư tại JP từ mức 18% ban đầu lên 27%. Trong quá trình đầu tư vào JP, đã có một số thời điểm, cổ đông này nói đến khả năng rút vốn vì cho rằng chưa được tạo điều kiện thuận lợi về môi trường kinh doanh.

(Theo Tô Hà // Người lao động online)

  • LG ra mắt màn hình OLED TV lớn nhất thế giới
  • Sam sung ra mắt dòng máy ảnh thông minh
  • Tập đoàn Kubota của Nhật Bản mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam
  • Đưa vào sử dụng dây chuyền sản xuất cáp thép tại Hải Phòng
  • Khởi công xây dựng nhà máy bọc ống đầu tiên của Việt Nam
  • Nhà máy của tình hữu nghị Việt - Lào
  • Angkor Air mở đường bay Phnompenh-Bắc Kinh
  • Indochina Capital vẫn tiếp tục hoạt động tại Việt Nam
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao