Cuối tuần qua, tại Hậu Giang, Ngân hàng Liên Việt kết hợp với Hội Cựu chiến binh Việt Nam (CCB) và Công ty bảo hiểm Thái Sơn (GMIC) tổ chức buổi tọa đàm triển khai Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về “Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn”.
Lễ ký kết hợp tác giúp đỡ nông dân vay vốn làm giàu giữa NH Liên Việt với Hội CCB Việt Nam. |
Một lòng vì nông dân
Tại buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT NH Liên Việt, cho biết đây là lần đầu tiên, một NHTM kết hợp với Hội CCB Việt Nam triển khai việc giúp đỡ nông dân vay vốn làm ăn, vươn lên trong cuộc sống. Hội CCB sẽ đóng vai trò to lớn trong việc giới thiệu khách hàng là các hộ gia đình, cá nhân, chủ trang trại và các HTX ở nông thôn; đồng thời giúp hướng dẫn khách hàng hoàn thiện hồ sơ, xác nhận thông tin, theo dõi, quản lý, kiểm tra, giám sát và đôn đốc thu hồi nợ vay.
Hoan ngênh việc làm này, ông Nguyễn Phong Quang, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, nhận xét: “Từ khi thành lập đến nay, NH Liên Việt đã có bước phát triển khá. Trong hoạt động xã hội, Liên Việt đã được nhiều địa phương trong cả nước đánh giá cao. Riêng Hậu Giang, tổng số tiền hỗ trợ người nghèo của Liên Việt lên đến trên 100 tỷ đồng. Triển khai chương trình mới này, Liên Việt đã thể hiện tấm lòng đối với người có công, giúp nông dân thoát nghèo, thực hiện những vấn đề festival lúa gạo đã đặt ra và cam kết thực hiện là tôn vinh những người làm ra hạt gạo”.
Đây là cách làm hiệu quả bằng mô hình thực tế. Với mô hình tín chấp, nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai thành công và mang lại cho đời sống người dân chuyển biến tích cực. Đầu tư cho nông thôn là đầu tư bền vững, đúng hướng bởi nông thôn có ổn định, đất nước mới phát triển vững chắc. Ông Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng Biên tập báo SGGP |
Dù không được khỏe nhưng Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cũng về tham dự tọa đàm. Đại tướng tâm tình: “Khi Liên Việt đặt vấn đề cho người nghèo nông thôn vay vốn, tôi đã đề nghị CCB tham gia. Nông dân nghèo, khó vay vốn, lãi suất cao nên khi Liên Việt cho vay lãi suất thấp, giúp nông dân, CCB tham gia là thích hợp nhất bởi lẽ hội có chân rết lan tỏa sâu rộng trong dân cư”.
Trung tướng Phùng Khắc Đăng, Phó Chủ tịch Hội CCB Việt Nam, nói: “Nông dân muốn vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng nhưng thiếu vốn, trong số đó có không ít các CCB. Nông dân chăm bẳm làm ăn, rất ít thông tin nên khó vay vốn với lãi suất chính thức. Khi vay được vốn, họ lại gặp khó về tính toán khả năng kinh doanh do điều kiện sản xuất, kinh nghiệm làm ăn chưa nhiều. Với tư duy mới, cách tiếp cận cụ thể, hướng đi này chắc chắn sẽ được nông dân đồng tình ủng hộ”.
Hướng đi hợp lý
Tại buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Đức Hưởng đã đề xuất mô hình “Phú Tam Nông” với sự tham gia của 7 nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà báo, nhà bảo hiểm và nhà ngân hàng.
Ông Lê Hiền Tài, Chủ tịch Hội CCB tỉnh Hậu Giang, kiến nghị các ngành, các cấp cần cùng nhau hỗ trợ nông dân, thí dụ ngân hàng cần nghiên cứu hạ lãi suất hoặc hỗ trợ lãi suất. Giải quyết vấn đề này, ông Nguyễn Minh Trí, Phó Tổng giám đốc NH Liên Việt, đã giới thiệu sơ lược mô hình cho nông dân vay tín chấp với thủ tục đơn giản, nhanh gọn. Trong đó, cán bộ tín dụng sẽ là người hoàn thành hồ sơ vay vốn cho nông dân.
Công ty Bảo hiểm Thái Sơn - GMIC thuộc Tập đoàn Xuân Thành cũng ra tay chung sức với NH Liên Việt và tỉnh Hậu Giang mua bảo hiểm từ thiện cho khoảng 10.000 hộ nông dân vay vốn tại NH Liên Việt. GMIC sẽ xung phong đi đầu góp phần giúp nông dân và NH yên tâm đi vay và cho vay, rủi ro sẽ do GMIC tài trợ. Ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xuân Thành kiêm Chủ tịch HĐQT GMIC. |
Trong mô hình mới này, ngân hàng đóng vai trò trung gian, cho vay thu nợ khép kín, “cho vay tay phải, thu nợ tay trái”, làm tốt công tác thanh toán công nợ giữa các nhà. Đồng thời, với vai trò trung gian, ngân hàng sẽ triển khai các chính sách, chương trình hỗ trợ của Nhà nước thông qua việc thực hiện đồng bộ 2 giải pháp: Hỗ trợ vốn gián tiếp và hỗ trợ vốn trực tiếp đối với nhà nông.
Các biện pháp hỗ trợ gián tiếp như hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, kết hợp xây dựng đầu ra cho sản phẩm; hỗ trợ vốn cho nhà khoa học, kết hợp thẩm định chất lượng sản phẩm; hỗ trợ vốn trực tiếp cho nông dân thông qua hỗ trợ vốn vật tư nông nghiệp… NH Liên Việt cho biết sẽ chọn một số huyện ở Hậu Giang để triển khai thí điểm tín dụng ưu đãi tiến tới nhân rộng mô hình.
Đại tướng Phạm Văn Trà bày tỏ bức xúc: “Vùng ĐBSCL có 5 cái nhất: sản lượng lúa gạo, thủy sản, trái cây lớn nhất nhưng nông dân nghèo nhất, dân trí thấp nhất. Chúng ta phải hợp sức thúc đẩy phát huy 3 cái nhất đầu và loại dần 2 cái nhất sau, xây dựng cuộc sống nông thôn ấm no, phồn vinh và văn minh, hạnh phúc”. Bằng dẫn chứng thực thế, ông Lê Tiền Tuyến đã nêu tình trạng thiếu vốn trong sản xuất kinh doanh và ĐBSCL là nơi phát sinh cao nhất tệ nạn cho vay nặng lãi, vay nóng, bán lúa non, vay vật tư trả sau bằng lúa... với lãi suất "cắt cổ", là tệ nạn cần loại trừ.
Tại buổi tọa đàm, NH Liên Việt đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Hội CCB tỉnh Hậu Giang nhằm góp phần cung ứng vốn, kéo giảm nạn lãi suất tín dụng đen cho hộ nông dân ĐBSCL. Trong năm 2010, Liên Việt sẽ tổ chức cho vay thí điểm hộ nông dân ở Hậu Giang, An Giang và Cần Thơ với số vốn 1.200 tỷ đồng và giai đoạn 2010-2013 dành 3.000-5.000 tỷ đồng cho nông dân ĐBSCL vay để phát triển sản xuất. NH Liên Việt cũng thông qua Quỹ Tấm lòng Việt (Đài Truyền hình Việt Nam) trao tặng 200 chiếc tivi cho Hội CCB tỉnh Hậu Giang.
Chủ trì tọa đàm
|
(Theo Hàm Lương // SGGP Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com