Sự kiện tập đoàn xe hơi FIAT của Italy đạt được thỏa thuận mua 20% cổ phần của tập đoàn ôtô Mỹ Chrysler sau khi được Chính phủ Mỹ bật đèn xanh, đã được đón nhận với thái độ hoan hỷ trên toàn Italy.
Bước ngoặt cho nền công nghiệp Italy
Nếu như FIAT là biểu tượng cho một thế kỷ phát triển của công nghiệp và kỹ thuật Italy, thì biểu tượng ấy đã viết thêm một trang mới trong lịch sử nền công nghiệp nói riêng và Italy nói chung.
Tuy thất bại cách đây 4 năm (2005) trong cuộc tấn công vào General Motors (Mỹ), nhưng FIAT đã thành công trong cuộc tấn công lần thứ hai vào năm 2009 này, khi biết tận dụng thời điểm cuộc suy thoái kinh tế thế giới ảnh hưởng nặng nề lên ngành công nghiệp xe hơi Mỹ.
Nhật báo La Repubblica khẳng định thành công vươn ra thế giới của FIAT trong hoàn cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay là một bước ngoặt lịch sử đối với Italy, và FIAT sẽ tiếp tục là xương sống của nền công nghiệp Italy.
Trên phương diện quốc gia, thành công này cho thấy, Italy - với rất nhiều hạn chế và yếu kém trong quá trình toàn cầu hóa, chủ yếu do sự quan liêu, trì trệ của bộ máy chính trị và những vấn đề hệ trọng không được giải quyết trong nền kinh tế - vẫn có thể làm nên những điều "khác biệt", khiến châu Âu và thế giới không thể đánh giá thấp.
Trước khi FIAT thâm nhập được vào thị trường Mỹ qua Chrysler, sự bất ổn về chính trị và sự chồng chéo trong các chính sách kinh tế đã cản trở các tập đoàn lớn của nhà nước và tư nhân Italy thực hiện những cuộc tấn công vào thị trường nước ngoài, để mặc họ tự bươn trải trong dòng chảy của nền kinh tế thế giới, và hầu hết đều thất bại, dẫn đến nợ nần và ngấp nghé phá sản, như trường hợp tập đoàn viễn thông lớn nhất nước này, Telecom Italy.
Bản thân FIAT đã rơi vào tình trạng "phá sản kỹ thuật" vào năm 2002, với số nợ lên tới hơn 30 tỷ euro. Thủ tướng Italy lúc đó là Silvio Berlusconi đã thừa nhận, ông hầu như không có ý tưởng nào có thể cứu vãn được FIAT, khi lãnh đạo của tập đoàn này cầu cứu lên chính phủ.
7 năm sau, FIAT không những sống sót mà còn thực hiện vụ đầu tư vào Chrysler để tăng cường sự hiện diện của mình trên thị trường xe hơi lớn nhất thế giới, điều mà đương kim Thủ tướng Berlusconi (nhiệm kỳ thứ 3), cũng phải thừa nhận là "rất tự hào" và hy vọng nhiều tập đoàn lớn khác sẽ noi theo FIAT, với sự hỗ trợ về chính sách của chính phủ.
Cơ hội ngàn vàng cho FIAT
Roma nhìn thấy trong thương vụ FIAT-Chrysler một hướng giải thoát cho cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất xảy ra với họ sau 16 năm: tiến ra nước ngoài.
La Repubblica cho rằng, trên phương diện toàn cầu, thỏa thuận đạt được giữa FIAT và Chrysler cho thấy, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khủng hoảng, cần phải thực hiện những giải pháp "khác biệt" để thoát ra khỏi khủng hoảng, và cái giá của nó không hề rẻ đối với nước Mỹ: nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ tiếp tục chứng kiến những cuộc thâm nhập của tư bản nước ngoài và những khái niệm cơ bản về tập đoàn tư bản ở Mỹ sẽ buộc phải thay đổi.
Một tập đoàn mới sẽ hình thành trên cơ sở 20% vốn của FIAT, 23% của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) và 55% vốn của các nhà sản xuất ôtô Mỹ và Canada. Tập đoàn ấy chứa đựng những yếu tố đặc biệt về một nền kinh tế mới trong thời điểm khủng hoảng. Đấy chỉ là một giải pháp tạm thời mang tính khẩn cấp. Cuộc hôn phối FIAT-Chrysler là thứ quả đắng mọc ra từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và Washington hiểu rằng, đấy không phải là một mô hình lý tưởng cho họ.
Chính phủ vẫn sẽ ra sức bảo vệ lợi ích quốc gia thông qua việc hỗ trợ cho các tập đoàn lớn đứng trước nguy cơ phá sản, nhưng không thể thực hiện mãi điều đó được, bởi đó là sự đi ngược lại những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa tư bản.
Đối với bản thân FIAT, thành công lịch sử này một lần nữa khẳng định rằng, ôtô vẫn luôn là niềm tự hào của nền công nghiệp Italy. Từ chỗ nợ nần và đứng trước nguy cơ phá sản cuối những năm 1990 đầu 2000, đến việc đầu tư sang Mỹ, là một bước tiến dài theo "mô hình Marchionne", theo tên của Giám đốc điều hành Sergio Marchionne, người đã đưa FIAT thoát khỏi cơn bĩ cực tài chính trong 3 năm, từ 2002 đến 2005.
Theo Marchionne, đầu tư vào tập đoàn nhỏ nhất và chịu khủng hoảng nặng nề nhất trong số 3 tập đoàn xe hơi lớn nhất nước Mỹ, là một cơ hội ngàn vàng để FIAT mở rộng sang thị trường xe hơi Mỹ, với công nghệ và thiết kế kiểu dáng Italy, cho các xe hơi gia đình loại nhỏ, tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ môi trường và giá thấp.
Theo kế hoạch, FIAT sẽ đưa sang Mỹ các dây chuyền sản xuất xe FIAT 500 đang bán rất chạy ở châu Âu, thúc đẩy sự trở lại của dòng xe Alfa Romeo tại thị trường Bắc Mỹ và dự kiến sẽ cùng Chrysler nâng số lượng xe sản xuất mỗi năm lên 4 triệu chiếc và đạt 6 triệu vào năm 2013, qua đó biến FIAT thành một trong những tập đoàn xe hơi lớn nhất thế giới.
Trong 3 năm qua, sau khi thoát khỏi vỡ nợ, FIAT đã có những điều chỉnh thích hợp để mở rộng thị trường, hướng đến Bắc Mỹ và Nga. FIAT đã mở các dây chuyền sản xuất xe FIAT 500 ở Brazil và Argentina, xây mới một nhà máy sản xuất phụ tùng và linh kiện ở Mexico và nhanh chóng tận dụng thời cơ Chrysler đứng trước nguy cơ phá sản để đầu tư vào Mỹ, trong khi tiếp tục mở rộng thị trường sang vùng Balcan (mua lại hãng xe Zastava của Secbia) và Nga (tăng cường phát triển liên doanh với nhà sản xuất xe hơi Lada)./.
(TTXVN/Vietnam+)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com