Những đường bay ngắn cần sự đóng góp của các DN đầu tư vào địa phương đó |
TCty Hàng không VN (Vietnam Airlines, VNA) đã công bố khai trương đường bay Hà Nội – Vinh (Nghệ An), Hà Nội – Chu Lai (Quảng Nam). Đây là hai đường bay mới trong chuỗi đường bay từ các trung tâm kinh tế - chính trị lớn của cả nước đến các sân bay địa phương mới liên tục từ năm 2009 đến nay.
Tuy nhiên, việc mở các đường bay như VNA không hề đơn giản. Bởi ai cũng biết, đường bay ngắn đồng nghĩa với lỗ vốn - ít nhất là trong ngắn hạn.
Mở đường bay - tạo vận hội mới
Ngoài hai đường bay mới này, từ năm 2009 VNA đã liên tục mở các đường bay nội địa, nối từ các trung tâm kinh tế lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng về các tỉnh với cấp độ ngày càng tăng. Tháng 1/2009 khai trương hai đường bay Hà Nội – Cần Thơ và Hà Nội - Quy Nhơn, tháng 7/2009 mở đường bay TP HCM – Đồng Hới. Đường bay Hà Nội – Tuy Hòa, Hà Nội – Plei Ku được mở đồng thời vào tháng 10-2009. Tháng 3 vừa qua, VNA cũng đã cho chuyến bay đầu tiên từ TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ –Phú Quốc (Kiên Giang) cất cánh.
So với thời gian trước đây, việc các chính quyền các địa phương lẫn VNA rất khiêm tốn, dè dặt trong việc mở đường bay thì đây có thể xem là bước đột phá mới trong ngành vận tải hàng không, cũng là một bước tạo đà thuận lợi cho việc kêu gọi đầu tư của các địa phương. Ông Phan Đình Trạc - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: Do không có đường bay Hà Nội- Vinh nên nhiều nhà đầu tư rất ngại khi vào đầu tư tại Nghệ An. Nhiều khu, cụm công nghiệp đã được tỉnh mở ra nhưng các nhà đầu tư vẫn vào rất dè dặt. Ông Trạc cho biết, có nhà đầu tư đã phải thức đêm thức hôm để đi ô tô từ Hà Nội về Vinh để đi nhanh và an toàn. Thậm chí, do hiện nay, Nghệ An chỉ có đường bay TP Hồ Chí Minh – Vinh nên có một số nhà đầu tư phải bay từ Hà Nội vào TP HCM rồi bay ngược ra Vinh. Ông Trạc tin rằng, sau khi mở đường bay không chỉ việc đi lại của các doanh nhân, cán bộ thuận lợi hơn mà các cơ hội đầu tư của các tỉnh sẽ phát triển mạnh.
Lãnh đạo hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng cho biết, Chu Lai, Dung Quất hiện có lượng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD/ mỗi khu kinh tế. Nhu cầu đi lại từ Hà Nội đến hai khu kinh tế quan trọng này là rất lớn và tiềm năng của hai khu kinh tế còn sẽ tiếp tục được mở rộng. Vì vậy, đây là lý do để hai tỉnh này đề nghị mở đường bay Hà Nội đến Chu Lai. Hiện tại, đầu đường bay Hà Nội đến Chu Lai, Dung Quất, hành khách phải dừng lại ở Đà Nẵng rồi “tăng bo” bằng ôtô. Việc mở đường bay sẽ rút ngắn thời gian đi lại và giảm tải cho tuyến đường bộ Đà Nẵng - đến Quảng Nam và Quảng Ngãi.
Tổng giám đốc VNA Phạm Ngọc Minh phân tích: Theo tổng kết của các đơn vị hàng không quốc tế, các nhà đầu tư kinh doanh sẽ không “chịu” ngồi ôtô quá 4 giờ đồng hồ. Vì vậy, đối với các tuyến bay địa phương, dù là ngắn những vẫn cần thiết được mở ra. Trước thắc mắc của nhiều người cho rằng sự phát triển của đường sắt, đường bộ cao tốc sẽ gây khó cho đường bay địa phương, ông Minh cho rằng: Hàng không vấn sẽ duy trì được với những đối tượng khách đặc thù, có nhu cầu. Ông Minh đưa ra ví dụ về tuyến TP HCM - Cần Thơ, dù đường bộ đã thuận lợi hơn nhiều nhưng hệ số sử dụng ghế cũng hiện nay vẫn đạt trung bình là 90%. Ông Minh cho biết, để duy trì và tạo thói quen cho hành khách đi các đường bay địa phương, VNA sẽ đầu tư ít nhất 4 chuyến/ngày/tuyến.
Liên kết mở đường bay
Việc mở các đường bay đến các địa phương là một thách thức không nhỏ đối với các hãng hàng không. Bằng chứng là năm 1995, hãng đã mở đường bay Hà Nội – Vinh. Tuy nhiên đến năm 1997, VNA phải dừng đường bay vì thua lỗ. Rút kinh nghiệm việc mở những đường bay địa phương lần đã được thực hiện theo phương thức liên kết giữa hãng hàng không và các địa phương.
Chẳng hạn, để chuyến bay Hà Nội - Vinh cất cánh vào 12/5 tới, ngoài vai trò chủ đạo trong việc đầu tư máy bay, nhân lực... của VNA, UBND tỉnh Nghệ An đã đứng ra vận động các DN trong tỉnh góp vốn cho VNA 3 tỷ đồng. Các tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi cũng đã ký cam kết sẽ vận động các DN trên địa bàn tỉnh góp số tiền khoảng 2,5 đến 3 tỷ/năm để duy trì đường bay Hà Nội - Chu Lai. Ở đây, vai trò của các địa phương không phải là cổ đông góp vốn trực tiếp mà vận động các DN góp vốn để phục vụ lợi ích của chính họ. Tuy nhiên, bằng các cơ chế, chính quyền các địa phương sẽ góp phần đắc lực vào việc xây dựng và duy trì đường bay. Ông Nguyễn Hoà Bình - Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi cho biết, không chỉ vận động các DN góp vốn, UBND tỉnh hiện đang lập tuyến ôtô phục vụ miễn phí cho khách đi từ sân bay Chu Lai về TP Quảng Ngãi và ngược lại. UBND tỉnh cũng sẽ triển khai các biện pháp để dành chỗ ưu tiên cho khách xuống máy bay ở sân bay Chu Lai. Ngoài ra, giống nhiều lãnh đạo các tỉnh mở đường bay, ông Bình cho biết, để góp phần duy trì đường bay, tỉnh sẽ thanh toán cho các cán bộ của tỉnh đi họp ở Hà Nội bằng máy bay. Nhiều tỉnh còn giúp VNA làm công tác tuyên truyền, quảng bá về đường bay này.
TGĐ VNA Phạm Ngọc Minh xem đây là một bí quyết kinh doanh của VNA. Ông Minh cho biết, số tiền góp vốn của DN các địa phương là nhằm “chia lửa” với VNA ở giai đoạn đầu triển khai đường bay. Theo ông Minh, trung bình khi mở đường bay, số tiền thua lỗ khoảng 10 tỷ đồng. Kinh phí do các địa phương góp vào, VNA dùng vào việc quảng bá đường bay. Ông Minh cũng hứa, việc trợ lực của các địa phương cũng chỉ kéo dài khoảng vài năm sau đó VNA sẽ tiếp tục tự mình duy trì.
(Theo Tấn Phong // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com