Việc sử dụng số lượng lớn lao động trẻ từ 18 đến 35 tuổi và lao động nhập cư ở các khu chế xuất, khu công nghiệp đang tạo ra mất cân đối cung - cầu - Ảnh: Việt Tuấn. |
Sắp bước sang quý 2 của năm 2010, nhưng việc việc tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong cả nước vẫn đang ở tình trạng cung không đủ cầu.
Thiếu trầm trọng
Ý kiến chung của nhiều cán bộ nhân sự tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn Hà Nội và Hưng Yên đều cho rằng, “chưa bao giờ tuyển lao động lại khó như thời điểm này”. Tình trạng “khủng hoảng” thiếu công nhân ở mức báo động đã làm ảnh hưởng trầm trọng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Khảo sát gần 90 doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch việc làm Hà Nội trong ngày 10/3 với nhu cầu tuyển 3.500 lao động nhưng kết quả doanh nghiệp chỉ tuyển được 312 lao động có nghề và 78 lao động phổ thông.
Phụ trách nhân sự của Công ty Cổ phần May Hưng Long ở Phố Nối, Hưng Yên cho biết: công ty đang có nhu cầu từ 300 đến 500 lao động phổ thông và sẵn sàng chu cấp chi phí ăn, ở trong 3 tháng để dạy nghề cho lao động mới nhưng chỉ mới tuyển được hơn 200 người. Được biết, đây là công ty may có mức thu nhập vào loại cao (lương bình quân của người lao động đạt 3 triệu đồng/tháng, thưởng Tết cuối năm 2009, công nhân có năng suất lao động trung bình cũng đạt 9 triệu đồng/người).
Nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ nội thất ở Hà Nội cũng lâm vào cảnh lao đao, chạy đôn chạy đáo tìm lao động phổ thông, thợ có nghề.
Chẳng hơn gì Hà Nội, các doanh nghiệp ở Tp.HCM cũng lâm vào cảnh tương tự. Dự báo trong quý 1/2010, các doanh nghiệp tại đây thiếu khoảng 50.000 lao động. Thậm chí ở quận 12, có doanh nghiệp phải bỏ trắng một dây chuyền sản xuất do lao động giảm 30% trong thời gian ngắn.
Còn tại các khu công nghiệp tỉnh Long An, theo bà Nguyễn Thị Hương, Phó trưởng phòng Quản lý lao động của Ban quản lý các khu công nghiệp, các nhà máy sản xuất ở các khu công nghiệp trong tỉnh đang gặp khó khăn thiếu hơn 10.000 lao động cho 6 tháng đầu năm 2010. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển sản xuất của các nhà máy năm 2010.
Tình trạng thiếu lao động chủ yếu tập trung ở ngành dệt, may. Điển hình như Công ty Cổ phần Công thương Astagolden (Khu công nghiệp Đức Hòa 3); Công ty TNHH Túi xách Simone (Khu công nghiệp Long Hậu (Cần Đước); Công ty TNHH Giày Giai Hiệp (Khu công nghiệp Đức Hòa 1); Công ty dệt Kim Đông Phương (Khu công nghiệp Xuyến Á) đang thiếu từ 100-500 công nhân. Công ty TNHH Giày Ching-luh Việt Nam (Khu công nghiệp Thuận Đạo, huyện Bến Lức) có tới 23.000 lao động, nhưng sau tết công nhân bỏ nghỉ, hiện nay thiếu 5% lao động ở khâu may.
Đó là chưa kể các khu công nghiệp ở huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc đang chuẩn bị đi vào hoạt động trong quý 2/2010 nhưng vẫn chưa có lao động...
Tìm lối thoát "đồng bộ"
Tình hình tuyển dụng lao động đang diễn ra rất khó khăn và căng thẳng, do đó các nhà tuyển dụng đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ để xử lý.
Một trong những giải pháp đó là tăng cường kết nối để tuyển lao động qua các kênh khác nhau. Hầu hết, trên khắp các website về việc làm, tuyển dụng lao động cả nước liên tục đăng thông tin tuyển dụng lao động của các công ty cần tuyển.
Giải pháp nữa là dùng biện pháp kinh tế kết hợp với xây dựng văn hóa doanh nghiệp để giữ chân lao động. Ngoài việc nâng lương, phụ cấp ăn, ở, nhiều doanh nghiệp đã hướng đến cải thiện điều kiện làm việc, đặc biệt là không khí làm việc, để người lao động nhận thấy họ được trọng dụng.
Cơ quan quản lý nhà nước về lao động cũng đang tìm cách giải quyết triệt để và lâu dài vấn đề này. Lý giải về nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu hụt lao động hiện nay, ngoài nguyên nhân sâu xa là chính sách tiền lương chưa phù hợp ở các ngành: dệt may: 1,43 triệu đồng, da giày: 1,38 triệu đồng, hoạt động tái chế: 0,98 triệu đồng... thì còn liên quan đến chính sách đối với lao động nhập cư, chính sách về nhà ở, thuế...
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa, việc sử dụng số lượng lớn lao động trẻ từ 18 đến 35 tuổi và lao động nhập cư ở các khu chế xuất, khu công nghiệp đang tạo ra mất cân đối cung - cầu. Nhu cầu học tập ngày càng nhiều đã tạo ra sự thiếu hụt lao động trẻ, đặc biệt là lao động phổ thông.
Ông Ngô Chí Hùng, Phó trưởng ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất Hà Nội khẳng định, thiếu nhân lực đang là bài toán đau đầu nhất của các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất khi chính sách về nhà ở, thu nhập đối với lao động nhập cư còn nhiều bất cập.
* Hiện cả nước có khoảng 219 khu công nghiệp được thành lập, phân bố trên 54 tỉnh/thành phố, trong đó có 118 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động (chủ yếu ở các thành phố lớn), 101 khu công nghiệp đang xây dựng cơ bản.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com