Báo chí đã tốn không ít giấy mực ghi nhận những phản ánh, đề xuất của doanh nghiệp về những khó khăn chồng chất mà họ đang phải đối mặt: lãi suất, giá cả, tỷ giá, sức mua. Dường như điều đó là chưa đủ khi mà các doanh nghiệp vẫn mang nặng tâm tư – như cách họ trao đổi trong cuộc toạ đàm do báo Sài Gòn Tiếp Thị tổ chức cuối tuần qua (11.3).
Hội chợ quốc tế đồ gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam – VIFA 2011 diễn ra tại TP.HCM từ 1.3 – 14.3 là một trong các nỗ lực để doanh nghiệp Việt Nam tìm đầu ra cho sản phẩm. Ảnh: Lê Hồng Thái |
Các doanh nghiệp đều tỏ ra đồng tình với các chính sách kiềm chế lạm phát, kiểm soát ngoại hối. Nhưng họ lo những chính sách không đồng bộ có thể dẫn tới đình đốn sản xuất, giảm phát và tái lạm phát...
Năm 2008, thế giới rơi vào khủng hoảng. Năm 2009, Việt Nam có gói kích cầu. Năm 2010 có những nhận định rằng Việt Nam đã vượt qua ảnh hưởng khủng hoảng thế giới, có tăng trưởng khá. Thế nhưng, bước sang năm 2011, các doanh nghiệp nhận định rằng năm nay sẽ là một năm khó khăn thật sự. Và họ đang ôm ấp nhiều mối lo, chưa biết xử lý như thế nào.
Lo cơ hội sẽ qua đi
Trước tình hình lãi suất quá cao, “gặp ngân hàng ít thôi, gặp nhiều lõm nặng” là điều ông Lê Văn Trí, phó tổng giám đốc Casumina luôn nhận thức rõ. Nhưng ông vẫn băn khoăn: “Ngành vỏ ruột xe đang có cơ hội vì Mỹ đánh thuế 35% đối với hàng Trung Quốc, Mã Lai. Giãn ra thì mất cơ hội, còn nhảy vô làm phải vay vốn lúc này là thêm gánh nặng”. Theo lời ông Trí, hiện Casumina có dự án 3.500 tỉ đồng, trong đó vốn tự có của Casumina chỉ 30 – 40%, nếu muốn thực hiện dự án này thì sẽ phải đi vay.
Nâng cao năng suất lao động là một giải pháp được các doanh nghiệp tham gia toạ đàm đề cập trong bối cảnh chi phí tăng. Nhưng việc thực hiện không dễ dàng chút nào. Ông Võ Trường Thành, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc công ty gỗ Trường Thành (Bình Dương) tính toán: “Nếu đầu tư dây chuyền sản xuất dùng quang điện khoảng 40 tỉ đồng để tăng năng suất, chỉ cần 20 lao động thay vì 120. Nhưng nếu vay nguồn vốn trên từ ngân hàng, lãi suất cả năm là 8,4 tỉ đồng, mỗi tháng mất 700 triệu đồng. Trong khi đó, sử dụng 100 công nhân, tổng lương chỉ 300 triệu đồng...”.
Giá tăng, hàng tồn, nếu nhìn vốn sổ sách cuối năm sẽ thấy lãi, nhưng quan trọng hơn là bảo toàn vốn thật. Sản xuất, phải xoay vòng vốn thật nhanh là giải pháp được Casumina áp dụng. Nhưng theo ông Trí: “Giá nguyên liệu đầu vào tăng quá nhanh, chúng tôi tăng giá không kịp so giá nguyên liệu. Giải pháp có thể là dự trữ, nhưng dự trữ thì bị lãi suất cao, giá phải tăng cao hơn lãi suất mới có lợi”. Ông Trí nêu gánh nặng của lãnh đạo doanh nghiệp trong tình hình này: “Dự trữ là năm ăn năm thua, và lãnh đạo sẽ phải chịu trách nhiệm”.
Ông Nguyễn Tri Kiên, giám đốc công ty Minh Tiến chuyên sản xuất cặp học sinh còn nêu thực tế: “Công ty có thị trường và cần vốn lớn, khoảng 40 – 50 tỉ đồng để sản xuất mặt hàng cặp học sinh, chuẩn bị thời vụ, nhưng không biết xoay sở vốn ở đâu vì ngân hàng đòi phải có tài sản thế chấp. Sao không chấp nhận giải pháp thế chấp bằng nguồn hàng đã sản xuất của công ty”.
Đến những mối lo chung
Thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát là điều được doanh nghiệp đồng tình. Tuy nhiên, theo ông Võ Trường Thành: “Lãi suất không có dấu hiệu giảm sớm, may lắm phải quý 3. Nếu ngân hàng Nhà nước chỉ thu tiền về, cùng với việc lãi suất tăng mà không có biện pháp khác đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất thì sản xuất bị thu hẹp, dẫn đến thiếu hàng, và giá tăng trở lại”.
Ông Nguyễn Ngọc Anh – chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc công ty cổ phần đầu tư – thương mại SMC cũng đồng tình: “Mối lo lớn nhất năm nay là sức cầu giảm do kiềm chế lạm phát. Ngay cả những doanh nghiệp lớn cũng khó khăn trong thanh toán tiền hàng cho SMC.
Kìm giá kiểu này, không khéo sẽ giảm phát”. Ông Ngọc Anh dẫn chứng: “Gần đây, tỷ giá giảm dần, không khéo tỷ giá thanh toán thực sẽ thấp hơn tỷ giá niêm yết do tâm lý, do cầu giảm, do quản lý hành chính”.
Mối lo đình đốn sản xuất là có thật. Dù khách hàng Mỹ, châu Âu có xu hướng chuyển đơn hàng may mặc từ Trung Quốc sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam nhưng ông Phạm Xuân Hồng, giám đốc công ty may mặc Sài Gòn 3 cho biết: “Chủ trương hiện nay của nhiều doanh nghiệp là co cụm, vì mở rộng sản xuất sẽ phải vay ngân hàng”. Diễn biến này khiến ông Nguyễn Lâm Viên, giám đốc công ty chế biến thực phẩm Vinamit băn khoăn: “Nếu năm 2009 Chính phủ có những gói kích cầu thì năm nay chưa thấy bất kỳ giải pháp nào để hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ.”
Huỳnh Bửu Quang, giám đốc toàn quốc khối dịch vụ tài chính doanh nghiệp HSBC Việt Nam: Cần cân nhắc lĩnh vực hạn chế cho vay Năm 2011, kinh tế Việt Nam khó khăn hơn cả năm 2009. Vì năm 2007, Việt Nam đã thu hút khá nhiều vốn bên ngoài sau khi gia nhập WTO. Qua năm 2008 vẫn còn nhiều quỹ đầu tư tiếp tục đổ vốn vào. Nhưng năm nay, những “bệ đỡ” tài chính không còn. Dù giá thị trường chứng khoán rất gần với giá trị thật, nhưng do những bất ổn vĩ mô, người ta không dám vào. Trong khi đó, những lĩnh vực hạn chế cho vay theo quy định của ngân hàng Nhà nước bao gồm cả cho vay tiêu dùng. Việc này sẽ ảnh hưởng đến sản xuất vì không tiêu thụ được. Đó là chưa kể cho vay tiêu dùng thực tế có phần là cho vay đối với các cá nhân, doanh nghiệp nhỏ để sản xuất. Ngoài ra, việc hạn chế cho vay ngoại tệ có thể dẫn đến nhu cầu vay tiền đồng để mua đôla rất lớn, tạo áp lực lên lãi suất, chi phí vay tăng dẫn đến chi phí sản xuất tăng và giá tăng, lạm phát. Chỉ nên hạn chế cho vay ngoại tệ với doanh nghiệp chuyên nhập hàng xa xỉ. Còn doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khác thì nên cho vay. |
(Theo Minh Phúc – Kim Văn ghi /sgtt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com