Nhà máy đóng tàu của một công ty trực thuộc Vinashin ở ĐBSCL. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ. |
Việc mở công ty con nhằm nâng cao năng lực kinh doanh là xu hướng tốt cho nền kinh tế. Tuy nhiên, khi thành lập công ty con, doanh nghiệp cần cân nhắc nhu cầu thực tế và năng lực quản trị của doanh nghiệp.
Tác động tích cực...
Do nhu cầu và thực tế phát triển, Công ty cổ phần Thương mại SMC đã thành lập năm công ty con, hoạt động theo từng lĩnh vực riêng, phục vụ cho từng nhóm nhu cầu riêng của khách hàng.
Ông Nguyễn Ngọc Anh, Tổng giám đốc SMC, cho biết các công ty con của SMC đang hoạt động khá hiệu quả và hỗ trợ tốt cho nhau trong hoạt động kinh doanh. Thành lập những công ty con chuyên về lĩnh vực gia công sản xuất thép tách biệt hẳn với những công ty thương mại đã giúp hoạt động kinh doanh của SMC hiệu quả hơn và nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường.
“Do ngành thép khá đa dạng, nên việc tập trung quản lý theo từng nhóm sản phẩm sẽ giúp công ty phát huy được tính đặc thù của sản phẩm, các công ty con cũng có nhiệm vụ hỗ trợ kịp thời và sâu sát hơn từng phân khúc khách hàng”, ông Nguyễn Ngọc Anh, phân tích. Thành lập công ty con là xu hướng phát triển của các doanh nghiệp hiện nay. Nhưng để phát huy được lợi thế của các công ty con, doanh nghiệp cần xác định mục tiêu rõ ràng, cân nhắc năng lực và quy mô phát triển khi mở rộng hoạt động kinh doanh qua các công ty con.
Nếu bỏ qua yếu tố doanh nghiệp thành lập công ty con để hợp thức hóa việc kinh doanh không minh bạch, hình thành các công ty “sân sau” để dễ bề thao túng hoạt động kinh doanh, thì việc mở công ty con nhằm nâng cao năng lực kinh doanh là xu hướng tốt cho nền kinh tế. |
Lãnh đạo một tổng công ty nhà nước khác cũng cho rằng, nếu không tính đến các yếu tố tiêu cực, việc thành lập công ty con sẽ giúp cho doanh nghiệp chủ động hơn trong các chiến lược mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay.
Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (Veam) có 20 đơn vị thành viên bao gồm 12 công ty cơ khí, hai viện nghiên cứu và một công ty xuất nhập khẩu với trên 7.000 cán bộ công nhân viên.
Ông Nguyễn Thanh Giang, nguyên Tổng giám đốc Veam, cho rằng với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất máy nông nghiệp và có tiềm lực về vốn, tổng công ty đã thiết lập được một thị trường chung cho các công ty thành viên hoạt động hiệu quả hơn.
Hoạt động theo mô hình “mẹ con”, Veam đã hỗ trợ cho các công ty con về vốn, cũng như ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật trong phát triển sản xuất khá hiệu quả. “Tổng công ty đầu tư mạnh vào khâu nghiên cứu và phát triển thông qua việc nghiên cứu nhu cầu của thị trường trong việc sử dụng máy nông nghiệp. Những kết quả nghiên cứu này của tổng công ty đã giúp nhiều cho các công ty thành viên sản xuất ra những máy móc tốt với giá rẻ, phục vụ cho nông dân đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập”, ông Giang cho biết
Nhiều hệ lụy...
Dù vậy cũng không ít doanh nghiệp cho rằng, thực tế sau khi thành lập và đi vào hoạt động, các công ty con không đáp ứng được kỳ vọng của các doanh nghiệp vì nhiều lý do khác nhau... Chưa kể, hoạt động kinh doanh của các công ty con còn thiếu minh bạch, gây bất ổn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Lê Phúc Đại, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng Đại Việt (Vinagas), cho hay ông đã từng thành lập các công ty con để hỗ trợ phân phối mặt hàng gas của công ty, nhưng thực tế diễn biến hoạt động của những công ty này không như mong đợi. “Hiện Vinagas đang chuyển dần những công ty con làm nhiệm vụ phân phối sang hình thức hợp tác kinh doanh. Bởi việc vận hành những công ty con sẽ làm cho bộ máy quản lý cồng kềnh hơn, nhưng hiệu quả không cao”, ông Đại nói.
Khi thành lập công ty con, doanh nghiệp phải làm báo cáo tài chính hợp nhất. Nhưng để báo cáo tài chính từ “con” lên “mẹ”, công ty phải có hệ thống kiểm toán tốt và với bộ máy “phình to” hơn, công ty buộc phải nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, chi phí phát sinh nhiều.
Nếu bỏ qua yếu tố doanh nghiệp thành lập công ty con để hợp thức hóa việc kinh doanh không minh bạch, hình thành các công ty “sân sau” để dễ bề thao túng hoạt động kinh doanh, thì việc mở công ty con nhằm nâng cao năng lực kinh doanh là xu hướng tốt cho nền kinh tế. “Tuy nhiên, khi thành lập công ty con, doanh nghiệp cần cân nhắc nhu cầu thực tế và năng lực quản lý của doanh nghiệp mình”, ông Đại nói.
Số lượng công ty con không ngừng tăng Tuy Chính phủ đã có chủ trương quản lý chặt hơn về quy mô và lĩnh vực hoạt động các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước nhưng các tập đoàn, doanh nghiệp này vẫn không ngừng mở rộng quy mô với việc cho ra đời rất nhiều công ty con và góp vốn vào các công ty khác. Trong mấy tháng đầu năm 2011, Thủ tướng đã phê duyệt lại Điều lệ tổ chức và hoạt động của một số tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, trong đó cho phép sự tồn tại của các công ty con. Ví dụ tập đoàn Than - Khoáng sản có 23 công ty con, bốn công ty ở nước ngoài, 34 công ty cổ phần, bảy đơn vị sự nghiệp. Ngay cả Vinashin sau khi được tái cơ cấu vẫn có tới 35 công ty 100% vốn, 35 công ty cổ phần, 24 công ty liên kết, ba công ty TNHH hai thành viên. (Minh Khuê) |
Ông Nguyễn Ngọc Anh cũng không phủ nhận những mặt trái của việc thành lập công ty con. Ông cho rằng khi thành lập công ty con điều quan trọng nhất vẫn là hạn chế những xung đột lợi ích. Nhiều công ty con hoạt động vì lợi nhuận riêng của mình mà không “nhìn” trên tổng thể hoạt động của công ty mẹ và các công ty thành viên khác.
Đã có trường hợp các công ty con tranh giành khách hàng lẫn nhau, cạnh tranh không lành mạnh trong nội bộ. Khi phát triển đến một mức độ nào đó, công ty con thường bỏ qua những quy định của hệ thống ban đầu mà công ty mẹ đặt ra, tình trạng này thường xảy ra ở các doanh nghiệp nhà nước.
Ngược lại, cũng có không ít các doanh nghiệp tư nhân thành lập công ty con theo phong trào. “Nhiều doanh nghiệp vẫn quan niệm sai lầm, thành lập nhiều công ty con để đánh bóng thương hiệu mà không dựa vào năng lực thực sự của mình”. Ông Anh nói, quy mô phát triển, nhưng năng lực quản trị công ty không được nâng cao chính là nguyên nhân của những đổ vỡ về sau.
Ông Anh dẫn chứng, trước đây một số doanh nghiệp niêm yết trên sàn đã thành lập nhiều công ty con để “đánh bóng” cho cổ phiếu của công ty. Sau một thời gian, do không kiểm soát được hoạt động, những công ty con này dần “rơi rụng” và công ty mẹ cũng phá sản.
Có những doanh nghiệp thành lập công ty con chỉ để hợp thức hóa vay vốn ngân hàng. Khi công ty mẹ vay vốn ở ngân hàng A, công ty mẹ không có khả năng trả lãi vay. Công ty này buộc phải lập ra công ty con để đi vay những ngân hàng khác, sau đó công ty con sẽ chuyển vốn vay mới cho công ty mẹ nhằm che giấu việc kinh doanh lỗ lã. Theo ông Anh, “những doanh nghiệp này không kinh doanh mà họ đi đầu tư tín dụng”.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, việc thành lập công ty con tràn lan trong thời gian qua, nguyên nhân một phần là do chính sách, hệ thống pháp luật của Việt Nam ưu tiên, khuyến khích doanh nghiệp mới thành lập. Với những ưu đãi ở một số khu vực, nhiều doanh nghiệp trốn thuế bằng cách lập công ty con.
Thực tế đã có những doanh nghiệp thành lập công ty con để được miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Ví dụ, hiện Nhà nước đang dành nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đầu tư cho khu công nghiệp để được miễn thuế từ 5-7 năm. Khi đó, công ty mẹ có thể chuyển toàn bộ lợi nhuận về cho công ty con mới thành lập này để được miễn giảm thuế.
Minh bạch tài chính cộng với hệ thống kiểm toán tốt và chặt chẽ, theo ông Nguyễn Thanh Giang, “là yếu tố quan trọng nhất để Veam kiểm soát hoạt động của các công ty thành viên. Với chế độ báo cáo tài chính theo mỗi tháng, mỗi quí, phòng kế toán của tổng công ty luôn theo sát hoạt động kinh doanh của những công ty thành viên. Nếu có dấu hiệu không ổn, hội đồng quản trị công ty sẽ kịp thời đưa ra những giải pháp xử lý. Bên cạnh đó, để kiểm soát tốt các công ty con, tổng công ty luôn chú trọng đến việc bổ nhiệm người đứng đầu vừa có năng lực vừa đủ phẩm chất.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com