Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vốn cho doanh nghiệp: Không chỉ từ ngân hàng

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Giám đốc Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng và phụ gia bê tông TuLog, Nguyễn Ngọc Tuấn từ đầu năm đến nay vẫn băn khoăn với việc mở rộng sản xuất kinh doanh mà chưa biết huy động vốn ở đâu. Việc vay vốn ngân hàng cũng đã được ông Tuấn tính đến, nhưng với lãi suất tăng cao, doanh nghiệp của ông vẫn “e dè” vì bài toán lỗ-lãi.

Đang loay hoay thì ông gặp được một đối tác cũng đang có kế hoạch đầu tư sản xuất sản phẩm mới nhưng nguồn vốn chưa đủ mạnh. Vậy là một giải pháp về vốn của hai công ty đã được tìm ra, đó là cùng liên kết để mở rộng sản xuất kinh doanh.

Muôn vẻ cách giải “bài toán vốn”


Hướng đi trên của công ty TuLog chỉ là một trong nhiều giải pháp mà các doanh nghiệp đã sử dụng để ứng phó với hoàn cảnh nguồn tín dụng từ ngân hàng bị “thắt” do lãi suất cao như hiện nay.

Ông Nguyễn Hoàng Lưu, Chủ tịch Hội các tổ chức xúc tiến và dịch vụ phát triển kinh doanh cho biết, đa số các doanh nghiệp trong hiệp hội của ông cũng đang gặp khó khăn về huy động nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh. Vì vậy đã có nhiều cách thức, biện pháp được đưa ra để tháo gỡ cho hội viên như kêu gọi liên doanh, liên kết giữa các thành viên trong hội để đầu tư vào các dự án khả thi; giới thiệu để các thành viên của hội vay vốn ngân hàng như lãi suất hiện nay nhưng được trả nợ theo cách thức khác nhau phù hợp với điều kiện từng doanh nghiệp.

Ông Lưu cũng cho biết, nếu tình hình khó khăn này vẫn kéo dài, hội sẽ huy động các thành viên đóng góp vốn để lập một quỹ chung nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp khó khăn vay với lãi suất thấp.

Với Công ty HandViet - doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ cao cấp thì lại có một cách thích ứng khác để đối phó với khó khăn về vốn. Theo bà Đào Thu Hà, giám đốc điều hành công ty: từ đầu năm, công ty đã nhận được nhiều đơn hàng, nhưng việc lãi suất ngân hàng cao đã khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong việc triển khai các đơn hàng này.

Công ty buộc phải lựa chọn các đơn hàng vừa sức và cố gắng thực hiện trong thời gian ngắn nhất để có thể thu hồi vốn tất toán cho ngân hàng. Điều này đã tháo gỡ được các chi phí về lãi suất cho doanh nghiệp trong thời gian vừa qua.

Còn ông Vũ Quang Khánh, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn dây và cáp Điện Ngọc Khánh thì chia sẻ, doanh nghiệp của ông vẫn tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của ngân hàng với lãi suất thấp. Ông Khánh cho biết, sở dĩ công ty được ngân hàng ưu đãi về lãi suất vì là đối tác lâu năm của ngân hàng cộng với uy tín đã được tạo lập.

Trước tình trạng khó khăn của nền kinh tế, chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan cho rằng, các doanh nghiệp phải tự cứu mình bằng việc rà soát lại toàn bộ việc kinh doanh, tăng cường liên kết, hợp tác trong chuỗi cung ứng, hiệp hội ngành/vùng, với các tổ chức liên quan; cùng điều chỉnh chiến lược hợp tác cạnh tranh, mua cổ phần của nhau. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần từ bỏ những dự án tốn kém, áp dụng các sáng kiến ngắn hạn giúp giảm chi phí.

Nhiều kênh cấp vốn


Bà Phạm Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho biết, có 70% doanh nghiệp vẫn nghĩ rằng nguồn vốn tín dụng ngân hàng là nguồn chính để huy động vốn trong thời gian tới. Trong khi đó, những nguồn khác như quỹ đầu tư, thị trường chứng khoán còn rất hạn chế, ít đươc doanh nghiệp quan tâm đến.

Nhưng có một điều đáng lưu ý đó là có rất nhiều quỹ đầu tư tư nhân với cách thức huy động vốn qua thuê mua, ứng trước của người mua. Để có thể tiếp cận các thiết chế tài chính này, bà Hằng cho biết, các doanh nghiệp cần phải mạnh dạn trong việc thay đổi cách thức quản trị công ty theo hướng cởi mở hơn, tức là không sợ người khác tham gia vào công việc của mình.

“Ở Việt Nam, số lượng quỹ đầu tư hiện đã lên đến hàng chục với nhiều phạm vi, quy mô khác nhau. Trong số đó có nhiều quỹ đang mở rộng cửa đối với doanh nghiệp nhưng vì một lý do nào đó mà doanh nghiệp không nắm bắt được những thông tin hữu ích này," ông Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam nhận định.

Tìm cách tiếp cận những nguồn dẫn vốn khác ngoài nguồn vốn từ ngân hàng là nhu cầu cần thiết của các doanh nghiệp hiện nay. Nhưng để chủ động hơn về nguồn vốn nhằm yên tâm hoạt động sản xuất từ nay về sau, nên chăng doanh nghiệp cần mở rộng nhiều kênh thông tin về các quỹ đầu tư, tổ chức đầu tư, đặc biệt là những quỹ vừa hỗ trợ về vốn vừa hỗ trợ về công nghệ, kỹ thuật để dòng vốn chảy vào doanh nghiệp luôn đa dạng, không lệ thuộc vào một nguồn vốn nhất định và quan trọng là để doanh nghiệp phát triển bền vững.

Khơi nguồn cung tiền cho sản xuất kinh doanh

Ngay trong những thời điểm đầu tiên của quý 2/2011, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra một văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài kiểm soát hoạt động tín dụng năm 2011 theo hướng thắt chặt tiền tệ đúng như tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ. Theo đó, các ngân hàng phải xây dựng kế hoạch và thực hiện tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%, trong đó phải tính tới cả yếu tố điều chỉnh tỷ giá.

Điều này cho thấy quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành giảm cung tiền nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô theo chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên nhiều chuyên gia lo ngại cung tiền giảm sẽ khiến các doanh nghiệp gặp khó hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng.

Rà soát gỡ “nút thắt”


Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, trong 3 tháng đầu năm 2011, tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng cho nền kinh tế tăng 3,67%, trong đó tín dụng nội tệ tăng 1,43%, tín dụng ngoại tệ tăng tới 12,06%, một phần do đợt tăng tỷ giá vừa qua.

Theo quy định hiện hành, ngân hàng cho vay bằng ngoại tệ, nhưng khi quyết toán sổ sách phải quy đổi ra tiền đồng theo tỷ giá liên ngân hàng. Vì vậy, đợt tăng tỷ giá 9,3% hồi tháng 2/2011 sẽ khiến tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ (đã quy đổi ra tiền đồng) tăng thêm khoảng 7,3%.

Với yêu cầu mới của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại sẽ không được tăng trưởng tín dụng mạnh hơn để bù cho hư số tăng tỷ giá này, ngược lại phải cắt giảm cho vay nhiều hơn trước. Trong trường hợp không đảm bảo tỷ lệ theo đúng lộ trình, ngân hàng sẽ bị phạt bằng cách áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc gấp 2 lần thông thường và hạn chế phạm vi hoạt động kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2011 và năm 2012.

Bên cạnh đó, cùng với yêu cầu rà soát tốc độ tăng trưởng nói chung, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm tốc độ và tỷ trọng cho vay phi sản xuất. Theo yêu cầu này, đến ngày 30/6, các ngân hàng phải giảm tỷ trọng cho vay phi sản xuất xuống tối đa 22% tổng dư nợ và tỷ trọng này đến cuối năm chỉ là 16%.

Nhìn từ những con số trên, nhiều chuyên gia nhận định: quý I/2011 tăng trưởng dư nợ của hệ thống ngân hàng thương mại khá chậm và nhiều dự báo tăng trưởng dư nợ vẫn khó có thể cải thiện trong 2 quý đầu năm 2011. Lý giải cho điều này nhiều chuyên gia cho rằng, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước hiện nay ở các ngân hàng quy mô nhỏ, do tỷ lệ dư nợ tín dụng thuộc lĩnh vực phi sản xuất chiếm phần lớn trong tổng dư nợ nên đang phải từng bước cơ cấu lại tín dụng.

Tại văn bản mới đây, Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể cho vay lĩnh vực phi sản xuất bao gồm: cho vay chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư và kinh doanh chứng khoán; cho vay để đầu tư, kinh doanh bất động sản; cho vay đối với các nhu cầu vốn để phục vụ đời sống, cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng.

Đồng thời, thực hiện chủ trương kiểm soát dư nợ dưới mức 20% trong năm nay và thu hẹp dần tín dụng phi sản xuất nên các ngân hàng nhỏ sẽ khó có thể đáp ứng được nhu cầu vốn của khách hàng trong thời gian từ nay đến tháng 6/2011. Điều này cũng gây không ít khó khăn cho cả những ngân hàng lớn trong những tháng tới. Đây chính là những “nút thắt” đang được các ngân hàng rà soát nhằm tháo gỡ.

Bên cạnh kênh huy động truyền thống là vay vốn từ ngân hàng thì trong những năm gần đây thị trường chứng khoán cũng dần trở thành kênh dẫn vốn cho nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng. Tuy nhiên thời điểm này thị trường chứng khoán cũng đang trong giai đoạn “lình xình.”

Theo Ủy ban Chứng khoán, huy động vốn qua thị trường chứng khoán trong quý 1/2011 giảm 50% so với cùng kỳ năm 2010 và giảm 70% so với cùng kỳ năm 2009.

Theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán, tính đến ngày 22/3/2011, giá trị đấu thầu trái phiếu đạt 16.942 tỷ đồng, huy động qua phát hành đạt 3.816 tỷ đồng, đấu giá cổ phần hoá đạt hơn 81 tỷ đồng. Lãi suất ngân hàng tăng cao khiến phát hành trái phiếu chính phủ cuối tháng Hai, đầu tháng Ba liên tục thất bại. Chỉ số chứng khoán sụt giảm và thiếu ổn định, triển vọng thị trường năm 2011 có nhiều khó khăn nên nhiều doanh nghiệp đã phải huỷ hoặc hoãn các đợt phát hành cổ phiếu tăng vốn.

Theo các chuyên gia, thời điểm này, thị trường ảm đạm, nếu phát hành sẽ có thu hút nhà đầu tư mua, nhưng để kịp chớp cơ hội thị trường hồi phục, doanh nghiệp vẫn nên đưa ra kế hoạch tăng vốn vào nội dung họp các kỳ Đại hội cổ đông năm nay để dự phòng.

Chủ động tìm nguồn tiền


Trong phần trả lời của mình tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cũng cho rằng việc kéo dài lãi suất cao sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế nên thời gian kiềm chế lạm phát nên được rút càng ngắn càng tốt, khi đó lãi suất mới có thể hạ nhiệt. Vì vậy, trong thời gian tới sẽ phải có biện pháp để kéo giảm dần lãi suất xuống.

Thống đốc cũng cho biết Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, cơ cấu tín dụng để tập trung vốn phát triển sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp phụ trợ… Vì vậy, việc giảm lãi suất trong thời gian tới đối với doanh nghiệp khu vực sản xuất có thể diễn ra sớm. Đồng thời các ngân hàng sẽ cơ cấu lại nợ vay theo hướng chọn lọc kỹ khách hàng mới nhằm đảm bảo mục tiêu kiểm soát tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.

Theo một thành viên Hội đồng tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia, đây là thời điểm các doanh nghiệp phải tính toán lại phương án sản xuất kinh doanh của mình để tránh rủi ro thị trường lẫn rủi ro về lãi suất.

Nhiều chuyên gia nhìn nhận khả năng lãi suất giảm vào đầu quý III tới là khả thi. Bởi khi kiềm chế được sự biến động bất thường của USD, quyết liệt chống tình trạng đô la hóa và kiểm soát được thị trường ngoại tệ chợ đen thì cơ hội giảm lãi suất VND là rất lớn và lãi suất tiền đồng có khả năng sẽ giảm trong cuối tháng 6/2011 tới. Lúc này, dư nợ tín dụng sẽ có cơ hội cải thiện tốt hơn so với hiện nay. Hơn nữa, đến một lúc nào đó các ngân hàng cũng buộc phải giảm lãi suất cho vay để phát triển tín dụng trước áp lực lợi nhuận lớn trong năm tài chính.

Điều này bước đầu được nhìn nhận ở việc nhiều ngân hàng thương mại cũng đã công bố kế hoạch bơm vốn tín dụng cho khu vực sản xuất.

Đại diện VietinBank cho biết sẽ dành 20.000 tỷ đồng cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh công nghiệp phụ trợ của 3 ngành là cơ khí chế tạo, dệt may và da giày. Theo đó, những doanh nghiệp thực hiện các dự án mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc đầu tư xây dựng mới vào lĩnh vực sản xuất các sản phẩm phụ trợ. Bên cạnh đó các ngân hàng cổ phần cũng tìm nguồn vốn rẻ dài hạn từ các định chế tài chính nước ngoài để đảm bảo nguồn cung vốn cho thị trường.

Ngày 30/3, Sacombank đã ký với Định chế tài chính hỗ trợ phát triển Hà Lan (FMO) hợp đồng vay vốn cấp 2 trị giá 150 triệu USD với thời hạn vay 10 năm nhằm hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, để giải quyết nhu cầu khan vốn của doanh nghiệp, nhiều ngân hàng đã triển khai các chương trình ưu đãi cho những khách hàng chuyên biệt từng ngành nghề.

Trong bối cảnh kênh tín dụng từ ngân hàng gặp nhiều khó khăn, bản thân các doanh nghiệp cũng đã chủ động tìm nguồn vốn từ các đối tác nước ngoài, phát hành thêm trái phiếu và cổ phiếu trên thị trường. Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Phú đang xây dựng kế hoạch tăng vốn lên 900 tỷ đồng bằng cách không phát hành cho cổ đông hiện hữu mà phát hành riêng lẻ cho đối tác nước ngoài với giá rất cao so với thị giá trên sàn. Trong đó, 200 tỷ đồng được phát hành cho một quỹ đầu tư Hong Kong bằng trái phiếu chuyển đổi. Cổ phiếu phát hành thêm đang được hai nhà đầu tư Nhật Bản chào mua.

Một doanh nghiệp cũng có kế hoạch tăng vốn trong năm 2011 được nhiều nhà đầu tư quan tâm là Vinaconex. Trong cuộc họp Hội đồng quản trị Tổng công ty ngày 24/3, Tổng công ty này dự kiến tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng bằng cách phát hành cho cổ đông hiện hữu. Tăng vốn từ 4.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng bằng cách bán cho đối tác chiến lược để thu thặng dư. Tuy nhiên, có thể nhận thấy tỷ lệ các công ty có triển vọng trong huy động vốn qua thị trường chứng khoán không nhiều.

Giảm chi tiêu công cũng là một trong những giải pháp để sử dụng vốn hiệu quả trong giai đoạn hiện nay. Ông Huỳnh Thế Du, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, nhận định: tại Việt Nam hiện nay, chi tiêu công đang chiếm tỷ lệ quá lớn trong tổng vốn đầu tư (50%), trong đó có một lượng nhất định bị thất thoát, lãng phí và được đổ vào thị trường tài sản (bất động sản, chứng khoán, vàng…) thay vì đổ vào sản xuất, kinh doanh.

Để xử lý những vấn đề này, trước hết cần phải tìm mọi cách giảm chi tiêu công... Cũng cần dựng hàng rào kỹ thuật với quy chuẩn an toàn cao nhằm siết chặt hoạt động ngân hàng, thậm chí để các ngân hàng nhỏ phải sáp nhập lại, nhằm đảm bảo an toàn cho cả hệ thống, tránh tình trạng thị trường trở nên méo mó vì phải cạnh tranh không lành mạnh, không cân sức.

Theo Bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, để giảm mặt bằng lãi suất, nắn dòng chảy vốn tín dụng vào khu vực sản xuất, kinh doanh, chỉ riêng ngân hàng nỗ lực chưa đủ mà phải có sự hợp sức từ phía doanh nghiệp. Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, ngân hàng không cho vay bằng mọi giá, chính những khách hàng tốt, dự án tốt sẽ là động lực khơi thông dòng tín dụng cho các ngân hàng một cách lành mạnh./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

  • Vicem: Tiết kiệm chi phí để giảm giá thành
  • Các hãng hàng không đồng loạt tăng giá vé
  • Petrovietnam: Tiếp tục dừng, giãn các dự án đầu tư chưa thực sự cấp bách
  • Giúp doanh nghiệp nhỏ vượt bão (Kỳ 1)
  • Doanh nghiệp nhỏ chới với trong… hỗ trợ (Kỳ 2)
  • Vinacafe rà soát, sắp xếp lại các dự án đầu tư
  • Trend Micro và VDC-Net2E ký hợp tác chiến lược
  • AIA Việt Nam giới thiệu sản phẩm mới
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao