Nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh cho biết đang cần nguồn vốn lớn để chuẩn bị nguồn hàng cho thị trường cuối năm. Tuy nhiên, hiện nay muốn vay vốn ngân hàng (NH) cũng không phải dễ, đồng thời lãi suất khá cao cũng khiến DN phân vân.
Nhân viên Ngân hàng An Bình (giữa) hướng dẫn khách hàng làm thủ tục vay vốn. Ảnh: HỒNG THÚY
Thiệt đơn, thiệt kép
Nhiều DN phàn nàn muốn vay vốn NH không những phải thế chấp với thủ tục rườm rà, thẩm tra tới lui nhiều lần mà trở ngại còn ở chỗ tài sản được định giá thấp, chưa tới 50% giá trị, thậm chí chỉ còn 30%. Ông Trần Bá Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Dương Quỳnh (TPHCM), than cả tuần nay chạy vạy nhiều NH để vay 3 tỉ đồng chuẩn bị nguồn hàng cho mùa kinh doanh Tết nhưng chẳng đi đến đâu. Không vay được từ NH, ông đành chuyển sang huy động vốn từ các kênh khác. Nhiều DN lớn làm ăn uy tín với NH lâu nay cũng phản ánh tuy NH vẫn cho vay nhưng thường không đáp ứng đầy đủ như trước.
Lo lắng của nhiều DN hiện nay còn ở chỗ lãi suất vốn vay. Ông Phạm Ngọc Châu, Phó Tổng Giám đốc Công ty Hanco (TPHCM), bức xúc nhiều mặt hàng thực phẩm chế biến công ty ông đang kinh doanh chỉ có mức lãi ròng từ 2%- 5%, trong khi lãi vay NH lên đến 15%-16%/năm, thậm chí 18%/năm. Hằng năm, DN ông thường phải vay NH nhiều tỉ đồng nhưng với lãi suất cao như hiện nay, dù thiếu vốn cũng không dám vay bởi nếu vay với lãi suất cao như vậy thì lợi nhuận không đủ trả lãi NH.
Các DN xuất khẩu cà phê, tiêu, điều, hàng trang trí nội thất... cũng than họ đang gặp khó khăn về nguồn vốn nên không trữ được nguồn nguyên liệu. Vay NH thì lãi suất cao hơn lợi nhuận, còn trông chờ vào các nguồn vay ưu đãi thì không thấy đâu. Nhiều DN cho biết: Bấm bụng vay vốn NH không chỉ phải thế chấp tài sản mà còn phải có hợp đồng xuất khẩu mới được chấp nhận (vì NH ngại rủi ro). Do đó đã có trường hợp cần vốn duy trì sản xuất nhưng chưa tìm được hợp đồng giá tốt cũng phải chấp nhận ký “đại” hợp đồng giá thấp hơn để làm thủ tục vay khiến DN thiệt đơn, thiệt kép...
Sản xuất, kinh doanh đình trệ
“Lãi suất cao, không huy động được nguồn vốn nên ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất cũng như mất cơ hội cho nhiều DN. Nhiều hợp đồng xuất khẩu phải hủy bỏ hoặc phải chấp nhận chịu phạt do DN “đói” vốn không kịp thu mua nguyên liệu giá tốt”- một thành viên Hiệp hội Cà phê - Cacao cho biết.
Theo ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty Xuất khẩu Thuận Phước (Đà Nẵng), hiện các DN còn có thể chịu đựng được nhưng vài tháng tới sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh do càng về cuối năm, tình hình cạnh tranh càng gay gắt. Ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng Giám đốc Công ty CP Đường Biên Hòa, cũng cho biết đơn vị ông là DN lớn được các NH ưu ái nhưng vay vốn trong thời điểm này cũng gặp khó khăn. Hiện một số NH đang siết lại hoạt động cho vay, trong khi thời điểm cuối năm DN cần nguồn vốn lớn. Thiếu vốn không chỉ ảnh hưởng đến kế hoạch dự trữ nguồn hàng, ứng vốn cho nông dân mà các dự án phát triển sản xuất của DN cũng phải đình trệ hoặc phải giảm quy mô...
Thông tin từ các hiệp hội ngành nghề cho thấy có nhiều cơ sở sản xuất, DN vừa và nhỏ lâu nay hoạt động nhờ vào nguồn vốn vay NH nhưng với lãi suất cao nên hoạt động không hiệu quả. Không ít cơ sở, DN đã phải giảm quy mô hoặc chỉ sản xuất cầm chừng.
Lãi suất mới vẫn cao
Theo các NH, lãi suất trong những ngày gần đây đột biến do lãi suất vay vốn NH bạn (thị trường liên NH) tăng mạnh nên một số NH đã tăng lãi suất tiết kiệm lên 13%-14%/năm khiến nhiều NH phải tăng theo vì e ngại khách hàng chuyển dịch tiền. Thế nhưng, khi NH Nhà nước cam kết sẽ bơm tiền qua thị trường, tăng thêm thời kỳ 2 tuần cho các NH thế chấp các loại giấy tờ có giá để vay vốn từ NH Nhà nước, lập tức lãi suất vay vốn NH bạn đã giảm mạnh. Từ đó, cuộc đua lãi suất đầu vào đang có dấu hiệu chựng lại. Lãnh đạo một số NH nhỏ cho biết trong ngày 12-11, việc vay vốn NH bạn khá dễ dàng. Tuy nhiên, thị trường đã hình thành mặt bằng lãi suất cho vay 16%-18%/năm. Theo một phó tổng giám đốc NH Đại Tín, chỉ có những DN hoạt động thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu... mới được vay vốn lưu động lãi suất dưới 17%/năm. Có thể nhiều NH cho vay với lãi suất thấp hơn 17%/năm nhưng lại tăng các mức phí khi tiến hành các thủ tục vay vốn, tính ra chi phí vay vốn lên tới 17%-18%/năm. Trong khi đó, phó tổng giám đốc phụ trách khối DN của NH Á Châu (ACB), ông Đỗ Minh Toàn, cho biết lãi suất cho vay vốn ngắn hạn (thời gian vay 6 tháng) đối với khách hàng mới là 16%/năm, còn lãi suất cho vay đối với khách hàng cũ là 14,8%- 15,2%/năm, riêng DN sản xuất kinh doanh hiệu quả, ACB áp lãi suất cho vay 14,5%/năm. “Ba tháng, ACB sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay theo diễn biến của thị trường” - ông Toàn thông tin thêm. Theo các chuyên gia tài chính, khi việc vay vốn NH bạn đã thông thoáng, các NH nhỏ sẽ giảm được áp lực huy động vốn từ dân cư. Nhiều khả năng mặt bằng lãi suất đầu vào sẽ giảm nhẹ, hy vọng xuống còn 12,7%-13,5%/năm, cộng với chi phí kinh doanh khoảng 3%, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ là 15,7%-16,5%/năm. Thy Thơ |