Để đảm bảo cuộc sống, bình quân mỗi công nhân phải kiếm được 3 triệu đồng/tháng. Ảnh: Hà Thanh |
Bình luận về vấn đề trên, ông Nguyễn Tấn Định, Phó trưởng ban Quản lý Khu công nghiệp - Khu chế xuất TP.HCM (HEPZA) cho biết, lương tối thiểu mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra liên quan đến việc tăng giá của nhiều mặt hàng. Trong khi đó, nhu yếu phẩm tác động trực tiếp đến đời sống người lao động lại tăng liên tục, nên mức lương mới theo Dự thảo sẽ ảnh hưởng chủ yếu đến người lao động hơn là DN.
Theo ông Định, các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao sẽ không bị ảnh hưởng bởi quy định lương mới, vì hiện tại, mức lương họ trả cho người lao động đã gấp 3 - 4 lần so với quy định mới (6 - 7 triệu đồng/tháng). Đối với DN gia công, sử dụng nhiều lao động, mức ảnh hưởng là không đáng kể. Nguyên nhân do các công ty này bị công ty mẹ, hoặc đối tác khống chế về giá gia công (căn cứ vào mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định).
Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty Pouyeng Việt Nam (DN gia công da giày tại TP.HCM) nhận xét, mức lương mới vẫn còn quá thấp, trong khi để đảm bảo cuộc sống, bình quân mỗi công nhân phải kiếm được 3 triệu đồng/tháng. “Với mức lương thấp của lao động phổ thông như hiện nay, không thể đổ hết lỗi cho DN, vì quy định lương tối thiểu của Nhà nước quá thấp”, ông Nghiệp nói.
Theo thống kê từ HEPZA, hiện gần 255.000 lao động làm việc trong 13 khu chế xuất - khu công nghiệp tại TP.HCM, trong đó có hơn 178.000 lao động đang làm việc cho các công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hầu hết lao động đều được trả lương cao hơn mức quy định. Do đó, trong quá trình kiểm tra thực tế, không DN nào vi phạm quy định lương tối thiểu, bởi trả thấp hơn sẽ không tuyển được công nhân. Tuy vậy, từ đầu năm đến nay, tình trạng đình công vẫn xảy ra ở nhiều DN FDI có tỷ lệ sử dụng lao động phổ thông cao.
Ngoài các vấn đề về lương tối thiểu, việc tăng bậc lương (tối thiểu 5%/năm) cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế. Theo ông Nguyễn Tấn Định, HEPZA đang tiến hành thanh tra một số DN có vốn đầu tư nước ngoài, do xuất hiện tình trạng tồn tại hai bảng lương (bảng đã được cơ quan quản lý duyệt và bảng tự lập). Theo đó, mỗi năm, công nhân chỉ được tăng lương 1 lần, với mức 10.000 - 15.000 đồng/lần.
“Theo quy định, hiện chưa có chế tài cho việc không áp dụng đúng thang, bảng lương được duyệt. Chính những bất cập trong vấn đề lương bổng đã khiến thu nhập tại khu chế xuất - khu công nghiệp không thể cạnh tranh với các công trình xây dựng trong việc thu hút lao động phổ thông”, ông Định nhận xét.
(Theo Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com