Câu chuyện gắn kết giữa hai thương hiệu lớn này sẽ còn hứa hẹn nhiều giá trị, mà ý nghĩa sẽ không chỉ cho riêng họ… |
Cả hai thương hiệu đều có tiếng trên thị trường. Họ có cùng yếu tố đặc thù - quân đội. Có lẽ cũng vì vậy mà những bước đi của cả MB và Viettel đều thể hiện tính kỷ luật, sự táo bạo và không ngại khó. Giữa họ, đang có một sự đồng hành…
Ngày 18/10/2005 được đánh dấu là một trong những mốc quan trọng trong lịch sử 17 năm hoạt động của Ngân hàng Quân đội (MB), khi MB, Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) và Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) cùng triển khai dịch vụ thanh toán cước phí viễn thông. Sự kiện này ghi dấu sự hợp tác có quy mô lớn đầu tiên giữa 3 tổ chức, mà sau này giữa họ có một mối liên hệ đặc biệt.
Những mảnh ghép chiến lược
Ba năm sau, ngày 25/12/2008, Thủ tướng Chính phủ đồng ý kế hoạch đầu tư của Viettel để chính thức trở thành cổ đông chiến lược của MB. Cũng như Vietcombank (sở hữu 11%), đây là cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu 10%. Sự đồng hành bắt đầu từ đây.
Nhưng, trước hết, đó là sự chú ý của cổ đông và nhà đầu tư. Ngay tại kỳ Đại hội cổ đông năm 2009, câu hỏi đã được đặt ra: MB bán cổ phần ưu đãi cho Viettel và đổi lại là được gì?
Tại đây, Tổng giám đốc bấy giờ là ông Lê Văn Bé giải thích rằng, năm 2008 và 2009 nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng khủng hoảng, việc Viettel trở thành cổ đông chiến lược là một tín hiệu tích cực.
Nhìn lại những thương vụ M&A thời gian qua, có một quan điểm chung được đưa ra: giá bán không hẳn là yếu tố quyết định, không hẳn là quan trọng nhất. Thay vào đó, người bán tìm được một người bạn đúng mong đợi, hai bên có chung tầm nhìn, chung quan điểm. Họ hòa hợp để nhân bội sức mạnh, cùng mục tiêu để sát vai hướng tới. MB và Viettel là một sự gắn kết điển hình như vậy.
Ngay từ đầu, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel đồng thời là Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị MB hiện nay, từng nói: “Sự kết hợp giữa Viettel với MB là sự hội tụ của công nghệ và định hướng kinh doanh vì khách hàng. Sự kết hợp này sẽ tạo điều kiện cung cấp nhiều dịch vụ ngày càng tiện ích hơn cho khách hàng. Viettel ý thức rất rõ về vai trò của hội tụ và sẽ nhanh chóng triển khai các dịch vụ mới trên cơ sở kết hợp hạ tầng công nghệ của viễn thông và ngân hàng”.
Phía MB, Tổng giám đốc Lê Công cũng nhấn mạnh rằng: “Viettel là một mảnh ghép chiến lược trong sức mạnh của MB hiện nay. Cũng như các cổ đông chiến lược khác, họ có sự đồng hành và tạo dấu ấn trong những thành công của MB thời gian qua cũng như trong tương lai”.
Nay, qua gần ba năm đồng hành, sự gắn kết giữa MB và Viettel đang mang lại những giá trị, có chiều sâu và nhiều hứa hẹn.
“Viettel ở đâu, MB ở đó”
Tại MB, những cổ đông lớn như Vietcombank, Viettel, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn… đều là những doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam xét trên mọi khía cạnh. Điểm chung, họ là sự hậu thuẫn rất thực tế cho các bước tăng cường năng lực tài chính của MB những năm qua.
Bên cạnh đó, mỗi cổ đông chiến lược đều có vai trò riêng trong quá trình đi lên từ sự chật vật xoay cho đủ 20 tỷ đồng vốn ngày đầu cho đến một ngân hàng thương mại lớn mạnh như hiện nay. Vietcombank là đối tác hỗ trợ kinh nghiệm và phát triển sản phẩm dịch vụ. Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn… là những đầu mối để những sản phẩm, dịch vụ đó lan tỏa trên thị trường qua hệ thống công ty thành viên, kết nối đối tác và khách hàng.
Với Viettel, đó là sự hội tụ sức mạnh của công nghệ và định hướng kinh doanh, như lời ông Nguyễn Mạnh Hùng nói. Sức mạnh này không chỉ có tại MB, mà còn có sự lan tỏa, kết nối ở các điểm đến như Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội, Công ty Hóa dầu Quân đội...
“Viettel ở đâu, MB ở đó”. Câu nói này có ở sản phẩm trọng điểm trong hợp tác giữa hai bên. Năm 2010, MB tung ra thị trường gói Bank Plus, với 3 gói dịch vụ chính là tài khoản Bankplus, thẻ Bankplus, Mobile Bankplus để cung cấp loạt tính năng hiện đại cho khách hàng. Qua mạng di động Viettel, MB tiếp thị và kết nối các dịch vụ ngân hàng hiện đại một cách rộng khắp mà không nhất thiết phải mở rộng hạ tầng, nhân lực. Chỉ sau một năm, MB có trên 45.000 khách hàng cá nhân qua kênh này.
Rộng hơn, câu nói trên cũng đang thể hiện ở một hướng đi mới của MB. Năm 2010, lần đầu tiên ngân hàng này “xuất ngoại”, lập chi nhánh tại Lào. Tương tự, chi nhánh tại Campuchia cũng đang xúc tiến triển khai. Ở cả hai thị trường này Viettel đã trở thành mạng viễn thông có thị phần đứng thứ 2 và doanh thu hàng đầu. Và sự đồng hành giữa hai đối tác được mở rộng hơn ở hướng đi mới đó.
Đối với họ, sau gần ba năm, những kết quả trên mới chỉ là sự khởi đầu.
Hơn nữa, như bà Cao Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc MB, nhìn nhận: “Viettel đã và đang có những bước đi tự tin và táo bạo. Thành công của họ có ý nghĩa lớn với MB trong các lĩnh vực hợp tác, song hành. Cũng như với các cổ đông, đối tác khác, được làm việc với họ là một cơ hội, cơ hội tiếp cận những tư duy chiến lược, tác phong làm việc với ý chí quyết liệt. Điều đó có ý nghĩa lớn với mỗi cán bộ nhân viên của MB”.
Theo đúc kết đó của bà Nga, con đường mà MB và Viettel đang đồng hành không chỉ đo đếm ở những con số trong kinh doanh. Câu chuyện gắn kết giữa hai thương hiệu lớn này sẽ còn hứa hẹn nhiều giá trị, mà ý nghĩa sẽ không chỉ cho riêng họ…
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com