Đảm bảo nhu cầu phân bón vụ Hè - Thu 2009Sản xuất phân đạm tại TC
Sáng 5-5, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (TCT) tổ chức họp báo về kết quả kinh doanh trong qúi I-2009. Theo đó, mặc dù trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn suy thoái nhưng doanh thu của TCT vẫn đạt 1.984 tỷ đồng, tương đương 34% kế hoạch năm, bằng 197% cùng kỳ năm 2008. Lợi nhuận trước thuế trong quý I-2009 đạt 377 tỷ đồng, tương đương 139% kế hoạch, đạt 35% kế hoạch năm 2009 và bằng 90% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn theo ước tính sơ bộ, doanh thu trong 4 tháng đầu năm của TCT đạt 2.479 tỷ đồng, bằng 42,63% kế hoạch năm, lợi nhuận ước đạt khoảng 467 tỷ đồng, bằng 43% kế hoạch năm.
Ông Phan Đình Đức, Tổng Giám đốc công ty cho biết, do diễn biến khá tích cực của thị trường phân bón trong những tháng đầu năm cộng với nỗ lực tăng cường năng lực cung ứng hàng ra thị trường của các công ty trực thuộc, là những nhân tố quan trọng giúp đạt được mức lợi nhuận ấn tượng. Điều này cũng đang có những ảnh hưởng sâu rộng tới các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong và ngoài nước.
Dự báo nhu cầu phân bón trong nước cho vụ Hè -Thu (từ tháng 4 đến tháng 7 năm 2009) sẽ vào khoảng 620.000 tấn, trong đó Nhà máy Đạm Phú Mỹ do TCT quản lý và điều hành sẽ cung ứng khoảng 200.000 tấn và Nhà máy Đạm Hà Bắc là 50.000 tấn. Bên cạnh lượng urea sản xuất trong nước cộng với nguồn hàng dự trữ và lượng urea tiếp tục được các đơn vị nhập về, đến cuối tháng 6 và đầu tháng 7 sẽ đủ cung ứng cho nhu cầu vụ Hè - Thu năm 2009 trên toàn quốc.
Theo thống kê, tổng khối lượng urea nhập khẩu chính ngạch trên cả nước trong 4 tháng đầu năm 2009 là 470.000 tấn, chiếm khoảng 60% nhu cầu nhập khẩu cả năm là 750.000 tấn.
Liên quan đến dự án Đạm Cà Mau, TCT đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giao nhiệm vụ đào tạo nhân lực, thuê quản lý, vận hành và điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh Nhà máy Đạm Cà Mau. Do TCT đã có kinh nghiệm trong quản lý Nhà máy Đạm Phú Mỹ và có hệ thống phân phối và kinh doanh sản phẩm nên việc tham gia đào tạo nhân lực quản lý và điều hành nhà máy này sẽ giúp tận dụng và phát huy tính hiệu qủa của hệ thống phân phối và tiêu thụ sản phẩm.
Để tìm đường phát triển khi lượng cung trong nước đã vượt cầu, ông Phan Đình Đức cũng cho biết, hiện TCT đã đưa một số đạm sang nước bạn Lào để thâm nhập thị trường. Bên cạnh đó cũng đang tiếp tục nghiên cứu để có lộ trình niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Singapore và một số nước khác để thu hút vốn đầu tư cũng như nâng cao hình ảnh của ngành dầu khí nói chung trên thế giới.
( Theo TRUNG ĐỒNG // Báo Bình Dương)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com