50% khối lượng gas, hạt nhựa Polypropylen tại nhà máy lọc dầu Dung Quất bán cho các công ty thành viên PetroVietnam không qua đấu giá, dấy lên mối nghi ngờ đã thiếu minh bạch trong cơ chế đấu giá 2 sản phẩm này.
Một số công ty gas ở phía Nam phản ánh, họ đã không nhận được thông tin bán đấu giá gas của nhà máy lọc dầu Dung Quất, đến khi có tin thì đã trễ hạn nộp hồ sơ đấu thầu. Mặt khác lượng gas đấu giá quá nhỏ cũng hạn chế sự tham gia rộng rãi của gần 100 công ty kinh doanh gas trên cả nước.
Do vậy, chỉ có 23 đầu mối kinh doanh gas trong nước nộp hồ sơ để tham gia đấu giá gas Dung Quất. Kết quả, chỉ có 4 công ty trúng thầu là: Công ty cổ phần dầu khí An Pha SG, ba đơn vị khác đều thuộc PetroVietnam là Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas), Công ty cổ phần kinh doanh khí hóa lỏng miền Bắc và Công ty cổ phần kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam.
Riêng đấu giá sản phẩm hạt nhựa, ban đầu có 26 công ty nộp hồ sơ tham gia đấu giá nhưng sau đó phần lớn tự động rút lui, cuối cùng chỉ có 12 đơn vị trực tiếp đấu thầu. Kết quả chỉ có duy nhất Công ty TNHH Thiên Hà (Hưng Yên) trúng thầu.
Đại diện Petrolimex Gas cho rằng, nhà máy lọc dầu Dung Quất dành 50% sản lượng gas để đấu giá bán theo hợp đồng kỳ hạn (6 tháng) là hợp lý, nhưng 50% còn lại cũng phải bán đấu giá theo hợp đồng chuyến hằng tháng mới hấp dẫn các công ty gas.
"Dành quá nhiều lượng gas ưu tiên bán cho các đơn vị thành viên PetroVietnam là thiếu công bằng, minh bạch, gây bức xúc trong doanh nghiệp kinh doanh gas”, đại diện Petrolimex Gas nhấn mạnh.
Giải thích cho những thắc mắc này, ông Nguyễn Hoài Giang, Tổng giám đốc Công ty lọc hóa dầu Dung Quất cho biết, việc đấu giá gas tuân thủ nghị định 107 của Chính phủ, quy định rõ doanh nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn về kho chứa, bình nạp, phương tiện vận tải, năng lực, kinh nghiệm... thì mới có thể nộp hồ sơ tham gia đấu thầu.
Theo ông Giang, đối với hạt nhựa, điều kiện ít khắt khe hơn, nên đơn vị thông tin rộng rãi trong cả nước tham gia đấu thầu theo cơ chế thị trường, công bằng, rõ ràng minh bạch. Ông nói: "Bằng chứng là duy nhất một công ty ngoài ngành không phải là thành viên thuộc PetroVietnam đã trúng thầu sản phẩm này”.
Ông Giang cũng thừa nhận, 50% gas giành bán cho 3 đơn vị thuộc PetroVietnam là: PV Gas, Công ty cổ phần kinh doanh khí hóa lỏng miền Bắc và Công ty cổ phần kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam. 50% hạt nhựa bán cho 2 đơn vị cũng thuộc PetroVietnam là Tổng Công ty dịch khoan và hóa phẩm dầu khí (DMC) và Tổng công ty cổ phần dịch vụ tổng hợp dầu khí (PetroSetco) không phải qua đấu giá. Các đơn vị này đều phải tuân thủ mức giá đang áp dụng với các công ty đã trúng thầu.
“Sở dĩ chúng tôi dành một nửa lượng gas, hạt nhựa để ưu tiên bán cho các đơn vị thành viên là để đảm bảo nhà máy hoạt động ổn định, dự phòng lúc thị trường biến động gây ế hàng", ông Giang cho biết.
Theo Tổng giám đốc Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn, trong thời điểm khó khăn, các đơn vị được ưu tiên mua hàng sẽ chủ động giải phóng sản phẩm về kho chứa dự trữ tạm thời. Ông Giang nói: "Có thực tế là trong năm nay nhà máy đã phải đối mặt 4 đến 5 lần ế hàng, mỗi lần kéo dài cả tuần, có khi cả tháng, một số công ty đã quay lưng nên sang năm 2011 chúng tôi rút kinh nghiệm, phải thận trọng hơn”.
Trước lời giải thích này, nhiều công ty gas trong nước vẫn chưa thật sự “tâm phục, khẩu phục” vì nếu doanh nghiệp đồng loạt ký hợp đồng với Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn để tiêu thụ thì lo gì gas của nhà máy bị ế ẩm. Trong khi đó, nguồn gas trong nước cũng chỉ cung ứng được tối đa 50% nhu cầu thị trường.
“Còn đối với hạt nhựa, lâu nay doanh nghiệp trong nước nhập khẩu 100% để phục vụ nhu cầu sản xuất nhựa gia dụng, dùng trong ngành công nghiệp ôtô…nội địa. Do vậy, trung bình mỗi năm Dung Quất sản xuất khoảng 200.000 tấn hạt nhựa thì có gì đâu mà sợ dư thừa”, một doanh nghiệp kinh doanh hạt nhựa ở TP HCM lấy làm ngạc nhiên, khó hiểu.
Theo ông Giang, trung bình mỗi năm tiêu thụ 100.000 tấn hạt nhựa Polypropylen thì nhà máy sẽ thu lợi về khoảng 3 triệu USD (mỗi tấn tiêu thụ theo cơ chế đấu giá bán cao hơn trước khoảng 30 USD). Mỗi năm bán khoảng 400.000 tấn gas, nhà máy thu lợi khoảng 400.000 USD (mỗi tấn gas bán ra cao hơn trước là 1 USD). Như vậy, mỗi năm nhà máy bán đấu giá hai loại sản phẩm này sẽ thu lợi khoảng 3,4 triệu USD.
Dự kiến việc đấu giá gas, hạt nhựa Dung Quất trước mắt sẽ được áp dụng trong 6 tháng đầu năm 2011, sau đó có thể tiếp tục gia hạn hoặc tiếp tục đấu cho 6 tháng cuối năm.
Hiện nay do khan hiếm ngoại tệ cùng với biến động tỷ giá, nên dự báo nhu cầu tiêu thụ xăng dầu từ Dung Quất sẽ tăng đột biến trong thời gian tới. “Trước tình hình này, Công ty lọc hóa dầu Dung Quất đã quyết định nâng công suất cao hơn cực đại lên 105% vừa đáp ứng nhu cầu thị trường xăng, dầu trong nước vừa đảm bảo an ninh năng lượng, bình ổn giá mang lại lợi ích cho người tiêu dùng", ông Giang cho biết.
Hiện tại, trung bình mỗi ngày, nhà máy lọc dầu Dung Quất chế biến ra khoảng 18.000 tấn sản phẩm xăng, dầu các loại (cao hơn công suất thiết kế 100% là hơn 1.000 tấn) mới có thể đáp ứng kịp nhu cầu thị trường.
(VnExpress)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com