Nhà máy sản xuất que hàn của một doanh nghiệp ở TPHCM. Ảnh: Lê Toàn. |
Đến 97% số doanh nghiệp trên cả nước là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Những doanh nghiệp này luôn có nhu cầu về vốn để phát triển sản xuất, đổi mới thiết bị, công nghệ. Tuy nhiên, những chính sách hỗ trợ của Nhà nước vẫn chưa đến được với họ.
Chính sách đã có
Mười năm nay, nhà xưởng và máy móc thiết bị của một doanh nghiệp cơ khí ở quận Tân Bình không hề được đầu tư nên xuống cấp nghiêm trọng. Dù doanh nghiệp vẫn sản xuất và kinh doanh ổn định, nhưng sản phẩm làm ra ngày càng khó cạnh tranh. Dẫu rất muốn xây lại nhà xưởng, đầu tư đổi mới máy móc thiết bị nhưng giám đốc doanh nghiệp chẳng biết tìm vốn ở đâu.
Câu chuyện của doanh nghiệp trên cho thấy hai điều. Thứ nhất, doanh nghiệp thiếu thông tin về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Thứ hai, khi doanh nghiệp có được thông tin về các chính sách, để vay được vốn, hoặc nhận được sự hỗ trợ trong thực tế vẫn không hề dễ.
Theo một cuộc khảo sát trên 2.000 doanh nghiệp, do Hiệp hội các nhà quản trị Việt Nam thực hiện gần đây, có đến gần 80% doanh nghiệp không hề biết đến các chính sách lẫn các chương trình hỗ trợ của Nhà nước. Đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng các chính sách cụ thể của Chính phủ dường như chưa đến được với họ.
Các doanh nghiệp thường có các nhu cầu hỗ trợ khác nhau trong khi chính sách hỗ trợ của Nhà nước lại thường phân tán qua nhiều bộ ngành, nên doanh nghiệp dẫu có nghe nói đến cũng không biết bắt đầu từ đâu, và sự lòng vòng cùng những thủ tục phiền hà khiến họ nản chí.
Doanh nghiệp không biết gõ cửa cơ quan nào, cơ quan chức năng vẫn bối rối trong việc xây dựng các văn bản hướng dẫn chính sách, trong khi đó chính quyền địa phương cũng không tránh khỏi những cái rối đó. Hệ quả là chuyện hỗ trợ doanh nghiệp vẫn thường chỉ dừng lại ở ý tưởng.
Chẳng hạn, với chính sách hỗ trợ vốn cho DNNVV bằng việc thành lập quỹ tín dụng được nêu ra trong Nghị định 90/2001, cho đến nay trong số 63 tỉnh thành chỉ mới có 13 quỹ được thành lập, nhưng “thực chất chỉ có ba quỹ hoạt động”, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó trưởng phòng Phát triển DNNVV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thừa nhận.
Theo Cục Quản lý doanh nghiệp, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 9-2010, tổng số doanh nghiệp trên cả nước là 524.200 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký hơn 3 triệu tỉ đồng (khoảng 161 tỉ đô la Mỹ), trong đó 97% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. |
Theo bà Thủy, các quỹ này hoạt động không hiệu quả do ngân sách địa phương còn hạn hẹp, không huy động được vốn. Một số quỹ khi thành lập có cơ chế góp vốn không rõ ràng. Các doanh nghiệp và tổ chức tài chính không thấy được lợi ích cụ thể đối với mình khi tham gia góp vốn nên không tham gia.
Cũng chính vì thế câu chuyện thành lập Quỹ Phát triển của Phòng Phát triển DNNVV như quy định trong Nghị định 56 đến nay, sau khoảng gần một năm rưỡi có hiệu lực, vẫn chưa thể trình Chính phủ phê duyệt được. Nhiều chuyên gia lo lắng câu chuyện huy động vốn cho quỹ, vốn được quy định từ ngân sách nhà nước, các tổ chức trong và ngoài nước, sẽ lặp lại câu chuyện các quỹ bảo lãnh tín dụng gặp phải.
Vấn đề là hiệu quả thực hiện
Cho đến nay, những gì triển khai được ở Nghị định 56, theo các chuyên gia, vẫn chỉ là ở góc độ đào tạo, còn việc giải quyết vốn, mặt bằng sản xuất, đổi mới công nghệ… vẫn đang chờ “sẽ được triển khai”. Ngay cả các văn bản hướng dẫn vẫn chưa được hoàn thiện.
Theo bà Thủy, để hỗ trợ DNNVV, Chính phủ cũng có quy định ưu tiên các doanh nghiệp ở địa phương tham gia đấu thầu mua sắm dịch vụ công. Cụ thể, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương sẽ dành tối thiểu 20% kinh phí mua sắm công hàng năm cho các đơn hàng và hợp đồng cung cấp hàng hóa dịch vụ công của DNNVV. Đồng thời sẽ có cơ chế cụ thể khuyến khích DNNVV tham gia cung ứng sản phẩm, dịch vụ công. “Nếu vận dụng tốt chính sách này cũng sẽ hỗ trợ rất tốt cho DNNVV”, bà Thủy nói.
Có thể nói, các chính sách hỗ trợ DNNVV đã có, nhưng vấn đề là cần nhanh chóng triển khai thực hiện. Theo lời một chuyên gia, từ các quỹ hỗ trợ vốn cho đến các chương trình đổi mới nâng cao năng lực công nghệ, trình độ kỹ thuật, hay trợ giúp hoạt động xúc tiến mở rộng thị trường trong nhiều năm qua vẫn chưa được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, mà nguyên nhân là “cơ chế chưa phù hợp, thủ tục nhiêu khê, văn bản pháp luật triển khai chồng chéo, cơ quan hỗ trợ phân tán… khiến cho tính hiệu lực và minh bạch chưa cao. Vì thế, đối tượng chính là các doanh nghiệp vẫn chưa được thụ hưởng, không tiếp cận được cả vốn lẫn chính sách.
Bà Thủy cho rằng giải pháp cụ thể là phải tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng và huy động các nguồn lực hỗ trợ tài chính trong thời gian tới. Đồng thời Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện có hiệu quả cơ chế cho vay hỗ trợ lãi suất, khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng đối với DNNVV, thúc đẩy phát triển các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với DNNVV.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com