Đặng Lê Nguyên Vũ. |
Đặng Lê Nguyên Vũ là một cái tên quá quen trong giới doanh nhân, và xét về một khía cạnh nào đó anh còn là "người của công chúng".
Sau một thời gian "đi vắng", anh vừa trở lại với đầy ắp các ý tưởng mới táo bạo....
Từng "bỏ bê" kinh doanh
Lâu nay, ít nghe thông tin về anh so với những năm trước kia. Thậm chí có lúc chúng tôi còn nhận được những thông tin đại loại như: Đặng Lê Nguyên Vũ đang “chìm dần” hay ông ấy đang làm ăn thua lỗ...?
Nhiều tin đồn thất thiệt lắm nhưng tôi không quá quan tâm. Tôi chỉ biết rằng cần có nội lực trong cá nhân mỗi con người đủ mạnh để bỏ qua những luồng dư luận không đáng tin cậy. Nhiều lời đồn đoán, với những ý đồ khác nhau, kể cả những thứ bậy bạ... không ảnh hưởng nhiều đến tôi.
Còn nhớ, khi khủng hoảng kinh tế bắt đầu diễn ra, lúc đó tôi rất phiền muộn vì qua mấy năm, tôi có nêu ra một số vấn đề cho sự phát triển chung, nhưng không phải ai cũng lắng nghe cả. Tôi lên trang trại của mình ở M"drăk nghỉ ngơi. Lúc đó tôi tắt tất cả điện thoại, chỉ giữ kênh kết nối với thư ký để liên lạc công ty.
Dưới này người ta bảo Trung Nguyên phá sản, thông tin “rò rỉ” ra là Đặng Lê Nguyên Vũ trốn đi đâu rồi (!). Có thư gửi đến báo Sài Gòn Giải Phóng, Pháp luật Tp.HCM… rồi mấy người bạn của tôi phải tìm nháo nhào, chụp hình, chứng minh tôi đang có mặt ở Việt Nam (cười).
Nói chung là Đặng Lê Nguyên Vũ càng ngày càng mạnh mẽ hơn thôi. Có khác chăng đôi khi lo lắng quá, nói nhiều vấn đề không thuộc phạm trù kiểm soát của mình, từ đó mà người ta nhìn qua ngó lại. Nói những vấn đề về quốc gia thì người ta lại chiếu vào doanh nghiệp của tôi mà đánh giá, bảo tôi "chính trị" này nọ, đủ thứ chuyện.
Bây giờ, bất ngờ anh tung ra nhiều chương trình, dự án mới "đình đám", hẳn anh và Trung Nguyên đang có những mục tiêu, kế hoạch rất cụ thể?
Nếu kinh doanh tốt thì doanh số sẽ tăng gấp đôi trong năm nay. Đây là con số lớn, hàng ngàn tỷ đồng. Đến thời điểm giữa năm nay thì tôi có thể khẳng định không có gì là không đạt được.
Đầu tháng 6 vừa qua chúng tôi đã khánh thành nhà máy chế biến cà phê hiện đại nhất thế giới với tổng đầu tư trên 40 triệu USD. Trung Nguyên đã lập quỹ hỗ trợ nông dân trồng và phát triển cây cà phê bền vững. Tại Hội quán Sáng tạo Trung Nguyên tại 36 Điện Biên Phủ (Hà Nội) vừa diễn ra Lẽ hội cà phê Việt Nam và Bộ Ngoại giao đã chọn nơi đây là "Không gian ngoại giao" Việt Nam, hưởng ứng năm Ngoại giao văn hóa.
(Đặng Lê Nguyên Vũ chỉ vào tập báo cáo "Dự án Thủ phủ cà phê của toàn cầu" và nói: "Đây là sản phẩm của 5 năm trời, được hình thành qua nhiều năm nghiên cứu, đóng góp qua nhiều cuộc hội thảo trong nước ngoài nước, để giờ tôi cùng Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc đem ra trình các nhà lãnh đạo ở cấp cao nhất".
Thủ phủ cà phê toàn cầu được thực hiện trên khu vực có diện tích 2000 - 3000 ha của cao nguyên M"Drăk, ở độ cao 400 - 500 m. Định vị phát triển là các làng sinh thái cà phê. Hình mẫu được kết hợp với sản xuất nông nghiệp xanh và sạch; du lịch và nghỉ dưỡng cao cấp; văn hóa, nghệ thuật và tinh thần; sản xuất và chế biến sản vật đặc trưng; phát triển cộng đồng...).
Có vẻ táo bạo quá nhỉ, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn chìm trong suy thoái...?
Dù tình hình chung thế nào thì đây cũng là giai đoạn Trung Nguyên cần có sự điều chỉnh. Tôi là người có nhiều suy nghĩ khác hơn là chuyện kinh doanh. Có một quãng thời gian khá dài, khoảng 5 năm, tôi đã " bỏ bê", không tham gia nhiều với công ty.
Quãng thời gian Đặng Lê Nguyên Vũ đi "ở ẩn" như vậy cũng là chiến lược làm ăn của Trung Nguyên?
Không đâu. Thực sự là tôi không có máu kinh doanh lắm; chỉ là tôi biết mình có thể làm tốt công việc này, còn nhiều người khác có thể học hành cấp hàm này nọ chưa chắc đã làm tốt. Trong những năm “bỏ bê” đó, tôi ưu tư điều khác, đó là suy nghĩ, trăn trở về việc làm sao cho đất nước này hùng mạnh.
Nhưng việc đó có thể làm tốt với con đường kinh doanh đấy chứ?
Mỗi người có năng lực riêng. Nếu có phương pháp khai thác đúng thì thì sức bật của cả động đồng dân tộc sẽ lớn hơn là cộng đồng kinh doanh mấy ngàn người.
Xem ra làm doanh nhân chưa phải là lựa chọn cuối cùng của anh…?
(Cười to). Vấn đề không phải kinh doanh có phải là lựa chọn của tôi hay không mà là khi tôi đã bắt tay vào kinh doanh thì việc mình kinh doanh thế nào, với mục tiêu là sẽ tạo động lực gì cho xã hội phát triển chứ không phải mục tiêu chính trị.
Cái đó cũng khác nhau giữa tôi với những người khác. Trong tôi, xu hướng xã hội, xu hướng cộng đồng có lẽ mạnh hơn, chứ không phải vấn đề chính trị. Bạn có thể hỏi nhiều cộng sự của tôi, nếu anh em không lôi tôi lại thì xu hướng đó ngày càng mạnh hơn, sự thúc giục tôi từ bên ngoài sẽ nhiều hơn là đi vào các con số.
Có những cái "neo" khiến dân tộc không bung ra được
Những việc anh đã làm, những điều anh đã nói ra có thể cho thấy anh đang muốn làm một cái gì đó có vẻ to tát hơn là thành công trong kinh doanh?
Muốn làm gì thì tôi nghĩ thế này, đó là làm sao đất nước này hùng mạnh có thể thi thố với thiên hạ được. Phải tìm nguyên nhân từ đâu mà đất nước này có rất nhiều điều kiện để mạnh hơn mà sao mãi vẫn như vậy hoài? Nhiều người đã đưa ra nhiều nguyên nhân, nhưng đâu là bản chất thì còn tản mạn.
Các em anh có tầm tri thức lớn, có thể đưa ra được những quan điểm, những ý kiến… để hiến kế, để thúc đẩy, để làm gì đó. Còn tôi, là người từng khơi ra cuộc vấn lại dân tộc mình nhỏ hay lớn trên báo Thanh Niên, về nâng tầm thương hiệu Việt, xây dựng thương hiệu cho hàng nông sản... tất cả là để cùng nhiều nhóm tri thức khác nhau trong xã hội thúc đẩy những động lực cần thiết, để làm sao đưa ra những quan điểm có tác động nhiều chiều hơn, sâu hơn đối với nền kinh tế - xã hội của đất nước, kể cả về vấn đề chính sách.
Dành nhiều thời gian cho vấn đề lớn lao đó, giờ anh đã có câu trả lời chưa?
Đương nhiên. Ít nhất tôi cũng thấy được đâu là dân tộc yếu, vì sao yếu, cái gì làm cho nó yếu? Có người đổ thừa cho thể chế. Cái đó không phải. Phải nhìn dài hơn mấy chục năm, đó là hàng ngàn năm của dân tộc.
Theo tôi, đó là văn hóa, nhân sinh quan của người Việt hiện nay có nhiều cái không phù hợp, cần được đánh giá lại. Nó là những cái “neo” chắc chắn kìm dân tộc, không cho mình bung ra được.
Người ta vẫn nói là cần giữ gìn “bản sắc dân tộc”, nhưng là bản sắc nào, cái gì là bản sắc thì phải phân biệt được đâu là bản sắc thực sự của người Việt chứ không phải chỉ là chuyện áo xống, mũ mão từ thời phong kiến. Nhiều khi chúng ta nhầm lẫn, phải làm rõ. Người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ cần xác định được vấn đề nào là cái “neo” cần phải bỏ, cái gì là bản sắc thực sự cần giữ gìn, giá trị nào là của người Việt thực sự cần tôn tạo.
Có vẻ hơi trừu tượng! Anh hãy mô tả rõ hơn một chút để các nhà hoạch định chính sách và những người trẻ dễ hình dung hơn?
Cái này thì đòi hỏi cả công trình nghiên cứu. Còn nói ngắn gọn, quan điểm của tôi thì có nhiều cái “neo” lắm. Đó là sự đố kị, an phận thủ thường, tự hài lòng… đầy rẫy. Ai cũng coi mình là số một của cái làng, của cái huyện, của quốc gia này. Âm nhạc tôi là số một, hội họa tôi là số một, văn chương số một, tôi là nhà kinh doanh số một. Như tôi đây, cũng là số một, nhưng tôi là ai so với thế giới ngoài kia? Anh phải đua với thế giới chứ!
Để khẳng định mình thì phải có những cái ban đầu để đem ra thi thố: Anh có tác phẩm gì không? Thành tựu của anh là gì? Tổng thu nhập của đất nước 85 triệu người một năm không bằng tập đoàn hạng trung của thế giới, trong khi chúng ta có bao nhiêu tài nguyên, đó là điều chúng ta phải nghĩ chứ...
Đành rằng chúng ta đã làm được một số việc, nhưng cái đích của chúng ta còn xa. Dân tộc Việt Nam này phải thi thố với thế giới chứ. Cứ ngồi tự ru ngủ, khác nào một thằng chột giữa đám mù, hoặc giữa làng nghèo khổ anh có cái xe đạp, xe máy, trong khi đó người ta đã đi máy bay, chuyên cơ rồi.
Suy cho cùng phải có khát vọng. Giới trẻ phải có khát vọng lớn, phải thi thố, đua tranh. Đó là cái thiếu nhất, phải cổ động cái này, đưa vào giáo dục. Giáo dục là giáo dục động lực, giáo dục phương pháp.
Người Việt Nam khi đi thi có thua ai, trí tuệ thua ai, tại sao mình không “lớn” được thì có phải mình thiếu khát vọng không? Khi ta thoả mãn, hài lòng thì nên nhìn lại.
Anh nói như Đặng Lê Nguyên Vũ sẽ trở thành nhà nghiên cứu, nhà khoa học hay chính trị gia... chứ không chỉ là doanh nhân?
(Cười)… Trăn trở của tôi là đất nước này làm sao có vị thế, để hình ảnh của người Việt, giá trị của người Việt được thừa nhận. Tôi muốn là muốn cái đó.
Tôi chứng kiến nhiều người khi nói đến người Nhật, người Hàn Quốc hay người Mỹ thì cứ phải tôn sùng họ. Họ có phải là thần thánh không? Không, họ cũng là người, họ làm được sao mình không làm được. Chúng ta có dám đua tranh, thi thố với họ không?
Tôi cũng là một bi kịch hiện nay. Khi tôi phát động cả một cuộc đua trong Trung Nguyên, tôi nói tôi sẽ cạnh tranh với những người hàng đầu, nhưng xung quanh tôi, những người Việt hiện nay, dù được học hành khắp nơi, xin lỗi, vẫn chưa dám có tư tưởng vậy. Chưa dám thì sao mà biết cách.
Còn tất nhiên, việc đi đến đích thì còn xa lắm, còn nhiều điều kiện xung quanh, nhưng dám rồi mới nghĩ, chứ không thể thua ngay từ trong não: à không được đâu, nó có cái này, nó có cái kia, nó đi trước đủ thứ, mình theo sao được…
Tôi nghĩ đây không phải là nhiệm vụ của riêng ai. Một dân tộc phải được dẫn dắt bởi giới tinh hoa, trong đó vai trò lớn nhất là vai trò của nhà chính trị, sau đó là vai trò của các nhà khoa học, trí thức và giới doanh nhân thực sự. Nếu khát vọng này, cả giới tinh hoa này bắt đầu dẫn đạo thì cả dân tộc sẽ theo.
Không thể nói anh doanh nhân, anh không có trách nhiệm. Bạn sẽ thấy tập đoàn Deawoo, Huyndai… ở Hàn Quốc, họ có vai trò rất lớn. Hay nhìn sang Nhật Bản, tập đoàn Sony, Misubishi…, họ làm mọi thứ đâu phải chỉ là kinh doanh cho riêng họ.
Một doanh nhân đúng, nhà sản xuất đúng cũng thường là một nhà tư tưởng, một nhà hoạch định. Anh không hiểu về người tiêu dùng thì sao hoạch định được. Nếu không có tư tưởng, không có động lực vì quốc gia dân tộc thì sao có động lực để tranh đấu.
Riêng tôi thì không bao giờ hài lòng với chính mình, không bao giờ hài lòng với những gì tôi đã đạt được. Tôi ít khi nhìn lại quá khứ - đương nhiên phải tổng kết, đánh giá - nhưng không phải chỉ để tự thỏa mãn, hài lòng.
"Tôi theo đuổi phát triển bền vững"
Hiện anh quan tâm đến điều gì nhất của tình hình đất nước hiện nay?
Nhìn hết đại cục thì tôi nghĩ rằng các cấp lãnh đạo ở cấp vĩ mô cần có quan điểm, cái nhìn về phát triển một cách rõ ràng. Ở đây là phải có triết lý, chủ thuyết phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Điều kiện hiện nay đã khác đòi hỏi chúng ta phải nhận diện, đánh giá lại toàn bộ, từ nguồn lực đến mô hình, đánh giá được thế giới vận hành thế nào, nhận diện được tất cả những gì chi phối đất nước Việt Nam, cơ hội thế nào và nguy cơ ra sao. Điểm hướng đến là định ra con đường phát triển tốt đẹp nhất cho Việt Nam. Khi xác định được con đường phát triển rồi thì chúng ta hoạch định từng vấn đề một.
Trong suốt quá trình vận động lịch sử, thế giới có sự chi phối bởi hai quyền lực: quyền lực cứng và quyền lực mềm. Quyền lực cứng thì thường là quốc gia này ảnh hướng đến quốc gia khác, trước thì chủ yếu là quân sự, sau đó là áp đặt các vấn đề về kinh tế, một số thì bằng các học thuyết, quan điểm khác nhau trong đủ mọi lĩnh vực sinh học, xã hội, tôn giáo …
Bây giờ mình nhìn cục diện đó, trong bối cảnh quốc tế này thì Việt Nam nắm lấy và xây dựng quyền lực nào. Về quân sự thì chúng ta có thế mạnh ở đâu trên đất liền, trên không, trên biển cả? Chúng ta có nên đi theo con đường đó?
Quyền lực mềm thì bây giờ phải tính toán thế nào. Tôi ủng hộ phát triển theo con đường bằng quyền lược mềm, cần xem lại và đánh giá ở ba trụ cột. Thứ nhất là động lực, nhân lực cho sự phát triển đất nước. Thứ hai là hệ giá trị quốc gia, những giá trị cốt lõi. Thứ ba là các chính sách quốc gia, đối nội cũng như đối ngoại, để làm sao có thể hấp thụ toàn bộ nguồn lực thế giới về cho Việt Nam, để có thể xây dựng, tôn tạo và cùng bảo vệ Việt Nam.
Làm được không? Được. Phải có chủ thuyết chứ, có quan điểm. Trong vấn đề này chúng ta cần hoạch định để rõ ràng hơn. Chúng ta đầu tư vào những vấn đề nào, có trọng tâm, chứ không phải nay chúng ta làm cái này, mai chúng ta làm cái khác.
Xem ra quan điểm, triết lý của anh hơi khác so với một số mục tiêu mà chúng ta đặt ra hiện nay. Đang có những đại dự án được Chính phủ đặt vào khu vực này. Theo anh, hiệu quả kinh tế của việc khai thác và xuất khẩu tài nguyên như thế có thể so với hiệu quả kinh tế từ khai thác và xuất khẩu cà phê như anh làm?
Vấn đề không phải nhìn cà phê hay nhìn tài nguyên thiên nhiên mà là nhìn vấn đề rộng hơn theo toàn cục. Phải có một mô hình phát triển bền vững cho vùng này, để có một mô hình phát triển có lợi ích cho toàn đất nước chứ không hẳn chỉ riêng một khu vực nào. Cái đó rất quan trọng.
Trong tiến trình phát triển chúng ta phải có tăng trưởng kinh tế. Nhưng về mặt xã hội phải thế nào, môi trường. làm sao cho tốt... phải cân đối được. Nói chung là cần quan tâm đến mọi khía cạnh của sự phát triển, chứ không chỉ nhìn ở một vài chỉ số nào đó. Đó là mấu chốt hóa giải cho tất cả.
Hiện nay tài nguyên trí tuệ của ta vẫn còn bị bỏ trống, nếu ta biết quy hoạch đúng thì đây là tài nguyên lớn nhất của Việt Nam, ở trong cũng như ngoài nước, và đó là điều mà chúng ta cần phải xoáy vào.
Tại sao cà phê của chúng ta cho nguồn thu 1,8 tỷ USD mà không phải 18 tỷ, trong khi Nestle không trồng hạt cà phê nào thì thu về 12 tỷ? Còn dầu mỏ bán mỗi năm hơn hơn đó chút thôi? Còn nhiều cái " mỏ" khác, nếu chúng ta biết đến, đủ vốn tri thức để khai thác thì chúng ta dư sức thực hiện được nhiều mục tiêu trong bối cảnh này.
(Theo TuanVietNam)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com