Bà Nguyễn Thị Đông Đào, Chủ tịch HĐQT Công ty Đặng Đoàn Nguyễn tại nhà máy nước lợ Cần Giờ - Ảnh: Văn Nam |
Công ty cổ phần Đặng Đoàn Nguyễn đã kiến nghị UBND TPHCM dùng ngân sách thành phố mua lại nhà máy nước lợ Cần Giờ mà doanh nghiệp đã đầu tư khoảng 100 tỉ đồng bởi sản xuất không đủ bù chi phí vận hành, và hiện dự án này đang bên bờ vực phá sản.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online chiều 6-8, bà Nguyễn Thị Đông Đào (ca sĩ Đông Đào), Chủ tịch HĐQT Công ty Đặng Đoàn Nguyễn, cho biết từ lúc vận hành nhà máy năm 2008 đến nay, công ty đã bị lỗ gần 80 tỉ đồng.
Trong văn bản kiến nghị UBND TPHCM vào cuối tháng 7-2012, bà Đào cho biết tháng 8-2008 nhà máy nước lợ Cần Giờ hoạt động với công suất 5.000 m3/ngày với tổng vốn đầu tư khoảng 100 tỉ đồng theo chủ trương xã hội hóa của ngành cấp nước thành phố. Tuy nhiên, sau 4 năm vận hành, do độ mặn nguồn nước sông Lòng Tàu ngày càng tăng làm tăng chi phí sản xuất, nhà máy phải giảm sản lượng, chưa kể lãi vay ngân hàng cao nên doanh thu không đủ bù chi phí hoạt động.
Bà Đào nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn rằng ngoài nợ lãi vay ngân hàng 20 tỉ đồng, công ty còn nợ các ngân hàng trước đây trên 60 tỉ đồng và hơn 50 tỉ đồng vay các đối tác nước ngoài để đầu tư thêm thiết bị xử lý độ mặn.
Theo bà Đào, nguyên nhân chính là do độ mặn nguồn nước sông Lòng Tàu thời gian gần đây tăng quá cao, mặc dù công ty đã đầu tư thêm 15 tỉ đồng để bổ sung thiết bị xử lý mặn nhưng vẫn không xuể, đành phải giảm sản lượng xuống dưới công suất thiết kế, chỉ còn khoảng 4.000 m3/ngày.
“Lúc trước công ty thiết kế nhà máy nước lợ xử lý độ mặn chỉ khoảng 3.000 ppm, nay độ mặn đã lên đến 12.000 - 13.000 ppm nên buộc phải giảm công suất xử lý. Chưa kể lúc mới đầu tư năm 2007 thì lãi suất vay chỉ có 14%/năm, thời gian qua đã tăng lên 23%/năm”, bà Đào nói.
Một nguyên nhân khác khiến công ty bị lỗ được bà Đào nêu ra là do Công ty dịch vụ công ích Cần Giờ không mua hết nước do nhà máy xử lý. Có ngày Công ty dịch vụ công ích Cần Giờ chỉ lấy có 2.000 m3 bởi từ tháng 4-2011 đến nay thì huyện Cần Giờ được cung cấp thêm 40.000 m3 nước mỗi ngày thông qua tuyến ống nước do Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) xây dựng từ Nhà Bè nối qua huyện Cần Giờ.
Trong một báo cáo lên UBND thành phố của Sở Giao thông vận tải vào giữa tháng 6-2012, ông Trần Thế Kỷ, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải cho rằng nhu cầu dùng nước của toàn huyện Cần Giờ hiện nay khoảng 7.000 - 10.000 m3/ngày. Tuy nhiên, khả năng cung cấp nước cho Cần Giờ hiện đã vượt xa nhu cầu, khoảng 5.000 m3/ngày của Công ty Đặng Đoàn Nguyễn và 40.000 m3/ngày của Sawaco.
Ông Kỷ còn cho biết giá nước từ nguồn nhà máy của Công ty Đặng Đoàn Nguyễn hiện nay là khoảng 18.500 đồng/m3 và đang trình UBND thành phố tăng lên từ 30.700 đồng đến 36.000 đồng/m3.
Phân tích nguyên nhân sâu xa cho sự thất bại của nhà máy nước lợ Cần Giờ, bà Đào lại cho rằng còn do sự không nhất quán, không rõ ràng trong quy hoạch cấp nước cho huyện Cần Giờ của các sở ngành thành phố. Năm năm trước, công ty đầu tư nhà máy theo lời kêu gọi xã hội hóa ngành cấp nước của thành phố, giải quyết tình trạng thiếu nước của 5 xã huyện Cần Giờ nên công ty tính toán đến việc bỏ vốn đầu tư hạ tầng cho cả 3 giai đoạn của dự án gồm: giai đoạn 1 công suất 5.000 m3/ngày; giai đoạn 2 từ năm 2012 - 2016 nâng công suất lên 10.000 m3/ngày và giai đoạn 3 nâng lên 20.000 m3/ngày từ 2017 trở đi. Thế nhưng, vào tháng 4-2011, Sawaco xây dựng đường ống đưa thêm 40.000 m3 nước về cung cấp cho huyện Cần Giờ, và thế là thời gian gần đây Công ty dịch vụ công ích Cần Giờ đã không lấy hết lượng nước do nhà máy của Công ty Đặng Đoàn Nguyễn sản xuất theo hợp đồng bao tiêu thỏa thuận ban đầu. Do vậy, Công ty Đặng Đoàn Nguyễn đưa ra 2 phương án kiến nghị UBND thành phố sớm giải quyết. Một là cho công ty tăng công suất lên 10.000 m3/ngày theo đúng thiết kế ban đầu và cam kết bao tiêu hết lượng nước sản xuất; hai là thành phố dùng ngân sách mua lại toàn bộ nhà máy với giá trị tạm tính khoảng 160 tỉ đồng. Tại một cuộc họp mới đây giữa các sở ngành để giải quyết khó khăn cho Công ty Đặng Đoàn Nguyễn, đại diện các Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng và UBND huyện Cần Giờ đều nhận định với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, độ mặn nước thô có chiều hướng gia tăng nên giá thành sẽ tăng ảnh hưởng đến nhà đầu tư và thành phố. Do vậy, đại diện các sở ngành, huyện Cần Giờ thống nhất kết thúc hoạt động nhà máy nước Đặng Đoàn Nguyễn bằng cách thành phố mua lại nhà máy này. |
(Theo Thời báo kinh tế SG)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com