Những năm gần đây, cùng với xu thế bảo vệ môi trường, quản lý rừng bền vững, nhận thức và quyết định mua đồ gỗ của người tiêu dùng, các nhà nhập khẩu và chính sách của các Chính phủ tại thị trường EU và Hoa Kỳ cũng có nhiều thay đổi về yêu cầu nguồn gốc hợp pháp của gỗ và sản phẩm gỗ bằng những quy định pháp lý. Ðiều này đang đặt ra cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt Nam nhiều thách thức mới trong việc giữ vững và mở rộng thị trường.
Nhận diện thách thức
Thách thức trước tiên và lớn nhất phải kể đến là sự kiện bắt đầu từ tháng 4-2010, Mỹ sẽ áp dụng Ðạo luật Lacey - đạo luật cấm buôn bán các loài cây và sản phẩm liên quan có nguồn gốc bất hợp pháp, bao gồm cả gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Ðạo luật này yêu cầu các nhà nhập khẩu phải cung cấp hồ sơ khai báo thông tin cơ bản kèm theo từng chuyến hàng vận chuyển gỗ hoặc các sản phẩm gỗ với các nội dung khai báo: tên khoa học của các loài gỗ cấu thành trong sản phẩm, tên quốc gia nơi gỗ được khai thác, số lượng và giá trị gỗ... Ðạo luật này được đưa ra nhằm ngăn chặn các hành vi khai thác, buôn bán gỗ bất hợp pháp. Ðây chắc chắn sẽ là một khó khăn không nhỏ cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt Nam vì các điều khoản của đạo luật Lacey có hiệu lực từ ngày 22-5-2008, các nhà nhập khẩu phải cung cấp thông tin khai báo từ ngày 15-12-2008. Và đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt Nam, việc thực thi đạo luật này sẽ bắt đầu từ đầu tháng 4-2010. Rõ ràng thời gian chuẩn bị cho các doanh nghiệp Việt là không nhiều để có thể đáp ứng được tất cả những yêu cầu khai báo của phía thị trường Mỹ.
Thách thức thứ hai về mặt pháp lý mà các nhà xuất khẩu gỗ Việt Nam sẽ phải đối mặt đó là những yêu cầu nghiêm ngặt của thị trường châu Âu về nhập khẩu đồ gỗ thông qua chương trình tăng cường thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và buôn bán gỗ (FLEGT). Ðây không phải là một đạo luật mang tính bắt buộc như Lacey của Mỹ mà tính chất của nó là phát triển các Hiệp định đối tác tình nguyện nhằm đối phó với vấn đề khai thác gỗ bất hợp pháp và hoạt động buôn bán các sản phẩm gỗ liên quan. Tuy nhiên mục tiêu cuối cùng của các Hiệp định đối tác tình nguyện này cũng vẫn là tạo ra một luật chung cho toàn EU để bảo đảm gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường EU đều có nguồn gốc từ gỗ khai thác và buôn bán hợp pháp. Vì vậy, mặc dù các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt Nam chưa phải áp dụng ngay các quy định của FLEGT mà vẫn có thời gian đàm phán với EU và chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết, nhưng hạn mà EU đưa ra cũng chỉ đến đầu năm 2011. Nếu không đáp ứng được những yêu cầu cần thiết của FLEGT, không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của gỗ thông qua chuỗi hành trình sản phẩm (thu mua, lưu kho, chế biến, đóng gói) thì sản phẩm gỗ sẽ khó lòng xâm nhập được vào thị trường EU.
Phải nhanh chóng ứng phó
Những thay đổi trong nhu cầu tiêu dùng và những thách thức về mặt pháp lý nói trên đang đặt các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt Nam trước yêu cầu cấp thiết là phải nhanh chóng thích ứng để giữ vững và có cơ hội mở rộng thị trường. Bởi vì hiện tại, Mỹ và EU là hai thị trường nhập khẩu đồ gỗ lớn nhất của Việt Nam, Mỹ chiếm 44% và EU là 29%. Tuy nhiên, việc ứng phó cũng không hề đơn giản. Ðối với thị trường Mỹ đã có dự báo là đồ gỗ Việt Nam sẽ suy giảm nghiêm trọng vì thời gian còn quá ngắn để các doanh nghiệp thích ứng với đạo luật Lacey. Trong khi hiện nay, những vấn đề về chứng nhận nguồn gốc gỗ hợp pháp tại nước ta vẫn còn nhiều nan giải. Hiện cả nước có hơn 2.500 doanh nghiệp chế biến gỗ, trong đó có 700 doanh nghiệp lớn nhưng chỉ có 190 doanh nghiệp có chứng chỉ CoC (chuỗi hành trình sản phẩm)- hệ thống cho phép truy tìm nguồn gốc gỗ của sản phẩm thông qua các công đoạn sản phẩm. Ông Lê Khắc Côi- tư vấn độc lập về lĩnh vực lâm nghiệp cho rằng: Ðây là con số quá ít trong số các doanh nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam. Trong khi các nước trong khu vực ngày càng phát triển nhanh số doanh nghiệp được nhận chứng chỉ CoC thì ở Việt Nam tiến trình này đang chậm lại. Về nguyên nhân của tình trạng này, ông Côi cho rằng: Không ít doanh nghiệp của Việt Nam còn chưa quan tâm đến CoC, chỉ khi nước đến chân mới nhảy thì không ổn. Mặt khác, quy mô nhiều doanh nghiệp không lớn nên chi phí cho việc đánh giá để được cấp chứng chỉ CoC là không dễ. Ðấy là chưa kể đến hiện tại Việt Nam chưa có một tổ chức nào được phép cấp chứng chỉ CoC mà hoàn toàn phụ thuộc vào tổ chức nước ngoài. Việt Nam mới chỉ có các chuyên gia làm công chứ không có quyền cấp chứng nhận. Ðiều đó cũng tạo ra một rào cản trong quá trình cấp chứng chỉ CoC. Mà đã không có CoC thì coi như không có "vé" vào cửa thị trường Mỹ và EU...
Mục tiêu của nước ta, đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ sẽ đạt 7 tỷ USD. Thực tế mục tiêu đó có thể đạt được vì so với các nước trong khu vực, Việt Nam luôn là nước có kim ngạch xuất khẩu hàng đầu trong những năm qua. Tuy nhiên trước những thách thức của sự biến đổi thị trường, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt Nam phải có những động thái tích cực để ứng phó. Ðồng thời, các cơ quan chức năng như Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm, Cục Chế biến lâm sản... thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần có những định hướng, hỗ trợ về nhiều mặt để doanh nghiệp có những bước đi phù hợp, thích ứng với những đòi hỏi về mặt pháp lý của thị trường nhập khẩu. Có như vậy mới giữ vững và mở rộng được thị trường trong tương lai và không ngừng nâng cao kim ngạch xuất khẩu của ngành.
(Theo TUYẾT ÁNH // Báo Nhân dân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com