Việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp là một trong những hình thức được Viglacera chú trọng |
Theo Hợp đồng được ký kết, VIT sẽ mua lại toàn bộ tài sản của Nhà máy Granite Long Hầu, bao gồm dây chuyền máy móc thiết bị sản xuất gạch và nhà xưởng với công suất 1,5 triệu m2/năm.
Ông Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc Viglacera Tiên Sơn cho biết, việc mua lại Nhà máy Granite Long Hầu là một trong những bước đi đầu tiên của Chương trình đầu tư phát triển sản phẩm gạch ốp lát giai đoạn 2010-2015 của Viglacera.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Văn Sinh, Phó tổng giám đốc Viglacera cho biết, ngoài đầu tư mới và đầu tư chiều sâu, việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp là một trong những hình thức được Viglacera chú trọng trong thời gian tới.
“Với thế mạnh về công nghệ, trình độ quản lý, thương hiệu, thị trường trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh các sản phẩm ốp lát granite của Viglacera, Nhà máy Granite Long Hầu sau khi được mua lại sẽ phát triển tốt”, ông Nguyễn Văn Sinh tự tin.
Theo kế hoạch, sau khi mua lại Nhà máy Granite Long Hầu, Viglacera Tiên Sơn sẽ đầu tư bổ sung, nâng cấp thiết bị để đưa vào vận hành và phát huy tối đa công suất trong năm 2010, đồng thời sẽ nâng công suất lên 3 triệu m2/năm trong những năm tiếp theo.
Mục tiêu trước mắt của Viglacera Tiên Sơn sau khi mua lại Nhà máy Granite Long Hầu là nghiên cứu, nâng cấp để vừa tạo ra những dòng sản phẩm mới có giá trị cao, vừa phát triển sản xuất của Công ty nói riêng và Tổng công ty nói chung. Theo đó, để tránh bị áp lực quá lớn về tiêu thụ sản phẩm, Công ty sẽ không mở rộng công suất đột ngột, mà chỉ nâng từ 1,5 triệu m2/năm lên 3 triệu m2/năm, chú trọng đầu tư mẫu mã sản phẩm, tạo tính năng khác biệt, độc đáo để sản phẩm giảm được sự cạnh tranh về giá, cũng như giữa các nhà cung cấp khác trên thị trường.
Được biết, Nhà máy Gạch Granite Long Hầu (Khu công nghiệp Tiền Hải, Thái Bình) do HDI đầu tư xây dựng từ năm 2001. Đây là một trong những nhà máy được đầu tư trang thiết bị hiện đại, đồng bộ (nhập khẩu từ Italy). Tổng vốn đầu tư của Nhà máy là 120 tỷ đồng. Tuy nhiên, do năng lực quản lý điều hành yếu kém, nguồn vốn đầu tư chủ yếu là vốn vay từ các ngân hàng thương mại, suất đầu tư ban đầu cao, dẫn đến thua lỗ, Nhà máy đã ngừng hoạt động từ tháng 10/2006.
(Theo Thế Hoàng // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com