Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nokia tìm cách níu giữ thời hoàng kim

Một bảng điện tử thể hiện số khách hàng đang sử dụng các dịch vụ trực tuyến của Nokia, đặt tại trụ sở của hãng này ở Helsinki, Phần Lan. - tinkinte.com
Một bảng điện tử thể hiện số khách hàng đang sử dụng các dịch vụ trực tuyến của Nokia, đặt tại trụ sở của hãng này ở Helsinki, Phần Lan.
Vẫn là hãng điện thoại di động lớn nhất thế giới, vẫn đi đầu ở phân khúc thị trường điện thoại bình dân, nhưng Nokia đang mất dần vị thế trên phân khúc thị trường điện thoại thông minh trước các đối thủ nặng ký Apple và Research in Motion (RIM).

Thậm chí, mới đây, Nokia còn có thêm một đối thủ không thể xem nhẹ khi hãng tìm kiếm trực tuyến Google chính thức tung ra sản phẩm điện thoại thông minh đầu tay mang tên Nexus One.

Tại thị trường Mỹ, nơi Apple và RIM thống lĩnh thị trường điện thoại thông minh, nhiều người xem giờ đã xem Nokia là “quá khứ”. Các công ty phát triển phần mềm đua nhau viết chương trình cho chiếc iPhone của Apple và hệ điều hành điện thoại di động Android của Google. Trong khi đó, hệ điều hành Symbian của Nokia rơi vào cảnh bị các hãng phần mềm “ghẻ lạnh”. Những nỗ lực của Nokia trong lĩnh vực dịch vụ di động, chủ yếu thông qua thương hiệu Ovi, vẫn chưa tạo được nhiều ấn tượng.

Báo chí nhắc tới Nokia thời gian gần đây chẳng qua là vì những lá đơn mà hãng này phát đi để kiện đối thủ Apple. Nhiều ý kiến thậm chí cho rằng, Nokia kiện Apple có thể xem là sự thừa nhận thất bại của hãng điện thoại Phần Lan trước “quả táo” ở phương diện thương mại. Trong những đơn kiện này, Nokia cáo buộc chiếc iPhone Apple vi phạm nhiều bản quyền sáng chế của Nokia.

Hiện tại, Nokia vẫn dẫn trước Apple về mặt doanh số hàng năm (57 tỷ USD so với 37 tỷ USD) và vẫn chiếm thị phần cao hơn trên phân khúc thị trường điện thoại thông minh (39% so với 17%), nhưng tỷ suất lợi nhuận của Nokia so với Google thì thấp hơn nhiều.

Theo nhà phân tích Brian Modoff thuộc ngân hàng Deutsche Bank của Đức, trên thực tế, tỷ lệ lợi nhuận của Nokia trong toàn ngành công nghiệp điện thoại di động đã giảm từ mức 64% trong năm 2007 xuống còn 32% trong năm 2009, chỉ cao hơn chút đỉnh so với tỷ lệ mà Apple chiếm lĩnh, và thậm chí còn thấp hơn cả tỷ lệ của RIM. Giá trị vốn hóa thị trường của Nokia hiện chỉ bằng vỏn vẹn 1/4 Apple.

Lãnh đạo và nhân viên của Nokia tại trụ sở hãng ở Espoo, gần thủ đô Helsinki của Phần Lan, không hề phủ nhận những vấn đề mà họ đang phải đối mặt, nhưng khẳng định là họ có thể khắc phục được. Trong một cuộc họp cuối năm ngoái, lãnh đạo của Nokia đã đưa ra những dự báo đầy táo bạo. Giám đốc điều hành Nokia, ông Olli-Pekka Kallasvuo, cam kết, hệ điều hành Symbian đang già cỗi của hãng, sẽ được cải thiện mạnh mẽ trong vòng 1 năm nữa để cho phép hãng tung ra được “những thiết bị kỳ diệu”. Đối với mảng dịch vụ, mục tiêu của Nokia là đạt mốc 300 triệu người sử dụng trong thời gian từ nay tới cuối năm 2011.

Trước đây, Nokia đã không ít lần vượt khủng hoảng thành công. Vào năm 1995, hoạt động hậu cần yếu kém khiến Nokia điều đứng. Hãng đã vượt lên bằng cách phát triển một trong những chuỗi cung cấp hiệu quả nhất thế giới, có khả năng tung ra thị trường chừng 1,2 triệu chiếc điện thoại di động mỗi ngày. Một thập kỷ sau đó, Nokia thất bại trong dự báo về nhu cầu thị trường đối với sản phẩm điện thoại dạng vỏ sò, nhưng sau đó đã nhanh chóng giành lại mức thị phần 40%, duy trì “ngôi vương” trong ngành điện thoại di động toàn cầu.

Tuy nhiên, những vấn đề mà Nokia đang phải đối mặt hiện nay không dễ vượt qua như trước. Theo các chuyên gia, Nokia cần trở thành một doanh nghiệp khác trên nhiều phương diện.

Tới thời điểm này, Nokia đã xuất sắc trong công tác sản xuất và phân phối phần cứng, và chính thành công này đã thúc đẩy hãng tập trung hơn vào các vấn đề kế hoạch hóa và hậu cần. Thời hạn cho các phần việc thường được đặt ra trước 18 tháng. Các đội phát triển sản phẩm mới của Nokia thường làm việc tách biệt và thậm chí là cạnh tranh với nhau để tạo ra những sản phẩm có tính “bản sắc” nhất có thể. Hãng cũng đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường để tìm hiểu nhu cầu của người tiêu dùng, nhưng phần lớn vẫn phân phối điện thoại thông qua các nhà mạng.

Mặc dù vậy, với sự nổi lên của điện thoại thông minh, phần mềm và các dịch vụ đang ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn. Mà đây lại là những lĩnh vực đòi hỏi nhiều kỳ năng khác nhau. Các chu kỳ phát triển không phải tính bằng quý, bằng năm mà tính theo tháng hoặc theo tuần. Những dịch vụ mới không cần phải hoàn hảo vì có thể được nâng cấp về sau nếu cần thiết. Ngoài ra, các đội phát triển dịch vụ cần phải cộng tác chặt chẽ với nhau để cùng một dịch vụ hay phần mềm có thể chạy trên nhiều chiếc điện thoại khác nhau. Ngoài ra, Nokia cũng cần thiết lập mối quan hệ trực tiếp với người sử dụng.

Chính Nokia là nhà sản xuất điện thoại đã tiên đoán được xu hướng dịch chuyển sang lĩnh vực phần mềm và dịch vụ sớm hơn các đối thủ khác. Vào năm 2007, Nokia đã cho ra mắt dịch vụ Ovi, gần 1 năm trước khi Apple mở gian hàng ứng dụng trực tuyến App Store. Vài tháng sau đó, Nokia đã chi 8,1 tỷ USD để mua hãng sản xuất bản đồ kỹ thuật số Navteq để thúc đẩy các dịch vụ định vị. Tiếp đó, Nokia đưa ra dịch vụ nhạc số Comes With Music.

Nhưng những nỗ lực trên của Nokia đã không gặt hái được nhiều thành công, cho dù hãng cho biết hiện có 86 triệu người sử dụng các dịch vụ này. Nokia hiện đang tìm cách gộp các dịch vụ này thành một gói dịch vụ mà người sử dụng có thể dễ dàng tiếp cận trên điện thoại di động. Thêm vào đó, phần lớn các dịch vụ của Nokia đều phải cạnh tranh trực tiếp với những đối thủ nặng ký như Facebook, iTunes của Apple hay Google Maps. Tệ hơn, các nhà cung cấp dịch vụ mạng không muốn Nokia cung cấp trực tiếp dịch vụ tới khách hàng vì họ cũng muốn cung cấp những dịch vụ này.

Không chỉ vậy, trong lúc giải quyết “mớ bùng nhùng” những rắc rối kể trên, Nokia dường như quên mất công việc chính của mình. Phiên bản đầu tiên mang tên N97 của dòng điện thoại thông minh cao cấp nhất của Nokia đã gây nhiều thất vọng. Theo giới chuyên môn, chiếc điện thoại này tuy có rất nhiều tính năng tuyệt vời, nhưng lại lại sử dụng hệ điều hành Symbian, khiến các tính năng khó phát huy hết tác dụng. Có người ví von, N97 giống như một chiếc xe hơi có mọi thứ hoàn hảo trừ một động cơ tồi.

Tháng 2/229, Nokia khởi động một “dự án cải tổ” nhằm khắc phục những khó khăn mà hãng đang đối mặt. Trong đó, Nokia đưa ra một cơ cấu nội bộ đơn giản hơn, cắt giảm một nửa danh mục đầu tư điện thoại thông minh, “khai tử” những dịch vụ yếu kém, và gia tăng sức hấp dẫn của gian hàng ứng dụng Ovi đối với các nhà phát triển phần mềm bằng cách cho phép họp tích hợp các dịch vụ của Nokia vào các ứng dụng của họ. Song song với việc nâng cấp hệ điều hành Symbian, Nokia cũng phát triển một hệ điều hành mới có tên Maemo dành cho những chiếc điện thoại thông minh gần giống với máy tính nhất.

Chắc chắn là những nỗ lực này sẽ giúp Nokia tạo ra được những sản phẩm tốt hơn, dù chưa phải là “thần kỳ” như tuyên bố của các nhà lãnh đạo hãng này. Nokia thậm chí có thể đạt mục tiêu 300 người sử dụng dịch vụ vào cuối năm 2011 vì những nỗ lực của hãng không chỉ nhằm vào những quốc gia giàu có, mà còn hướng tới cả những nền kinh tế mới nổi hàng đầu, nơi Nokia vẫn là “đỉnh”, như Ấn Độ. Tại những quốc gia này, các dịch vụ của Nokia như dịch vụ thanh toán qua điện thoại Nokia Money, hay dịch vụ thông tin cho nông dân Life Tools... được đánh giá rất cao.

Tuy nhiên, một vấn đề hoàn toàn khác được đặt ra ở đây là liệu Nokia có thể một lần nữa thống lĩnh ngành công nghiệp điện thoại di động, không phải về số lượng điện thoại bán được, mà là về tính sáng tạo và tỷ suất lợi nhuận. Thực tế trong ngành công nghiệp máy tính, nơi trọng tâm bắt đầu dịch chuyển từ các hãng phần cứng sang các hãng phần mềm và dịch vụ trong vòng hai thập kỷ lại đây, có thể được xem là một ví dụ buồn cho Nokia: Trong số những “người khổng lồ” trước đây của ngành công nghiệp máy tính, chỉ có hãng IBM thực sự thành công trong việc dịch chuyển này.

Phát triển từ một nhà máy giấy vào năm 1865, Nokia đã trải qua hàng loạt những giai đoạn điều chỉnh và thay đổi để trở thành Nokia ngày nay. Bởi thế, vị trí của hãng trong ngành công nghiệp điện thoại di động thế giới thời gian tới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng đổi mới của hãng.

 

(Theo Mai Phương // Vneconomy // Economist)

  • S-Fone nay sẽ phải “tự bơi”?
  • Viettel chính thức lên tập đoàn
  • Intel công bố họ bộ vi xử lý Intel ® Core™ mới
  • Tái vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất
  • Hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch năm 2009
  • Hải quan đồng hành cùng doanh nghiệp
  • Visa phát hành một triệu thẻ tại thị trường Việt Nam
  • Shiseido mua nhà sản xuất mỹ phẩm Bare Escentuals với giá 1,7 tỉ đô la
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao