Nông trường chuyên canh mía Cao Cang (trực thuộc Công ty cổ phần mía đường La Ngà - CPMĐLN) rộng 835 hécta. Nhiều năm qua, do đất bạc màu nên năng suất mía ở vùng đất này đạt thấp. Nếu tính sản lượng vụ mía năm 2007, nơi cao nhất chỉ đạt 40 tấn/hécta. Trước nhu cầu sản xuất đường ngày càng khắt khe, đầu năm 2008, Công ty CPMĐLN đã đầu tư hệ thống tưới nước ngầm (TNN) cho 58 hécta có năng suất đạt thấp nhất (bình quân chưa đến 30 tấn/hécta). Sau một năm bỏ công chăm sóc, sản lượng của vụ mía đầu tiên trên diện tích này đạt từ 100 tấn trở lên...
* Từ một mô hình hiệu quả...
Thời điểm chúng tôi đến Nông trường mía Cao Cang là lúc mùa thu hoạch mía đang chộn rộn, hối hả. Giám đốc Nông trường Cao Cang Nguyễn Văn Bờ chỉ vào một đám mía bên đường, cho biết: Những diện tích mía này èo uột do vẫn áp dụng sản xuất theo cách cũ (tức ngoài việc bón phân, chủ yếu trông vào nước trời). Vì không đủ "lực" để phát triển nên cây mía sống được chỉ thấp bé và chữ lượng đường cũng hạn chế. Mặc dù, hình thức hợp đồng nhận khoán đất trồng mía có nhiều thuận lợi cho nông dân. Chẳng hạn, công ty bỏ toàn bộ vốn đầu tư, sau khi thu hoạch, công ty thu mua theo giá ngoài, người nhận khoán trả lại khoản vốn đã nhận; đồng thời chỉ đóng thêm 8 ngàn đồng/tấn mía gọi là phí đầu tư lại. Thế nhưng, do sản lượng từ mỗi mùa vụ đạt quá thấp nên đời sống người trồng mía ở Cao Cang thời gian qua khá cơ cực. Có năm, không ít diện tích mía bị bỏ không, vì khi tính toán cụ thể, nếu mía có làm ra cũng không bù đắp đủ chi phí và công lao động. Trong hơn 300 hộ nhận khoán ở Nông trường Cao Cang, lâu nay đã xảy ra rất nhiều trường hợp sau khi nhận tiền đầu tư nhưng không tiến hành sản xuất mà... "bỏ chạy", vì khả năng thua lỗ từ việc trồng mía là khó tránh khỏi.
Nói về chiến lược mở rộng mô hình TNN cho mía ở Cao Cang nói riêng và các nông trường khác nói chung, Tổng giám đốc Công ty CPMĐLN Trần Văn Ngà cho rằng, đây là điều kiện để phát triển lâu dài đối với Công ty CPMĐLN và người trồng mía ở Đồng Nai. Một trong những yếu tố để đạt được mục tiêu này là phải sớm tiến hành xây dựng trạm bơm điện (TBĐ) Gia Canh. Đây là công trình do ngân sách từ Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn và chủ đầu tư là Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn. Với công suất 1.100 hécta, nếu đầu năm 2009 công trình này được triển khai, để đến năm 2010 TBĐ đi vào hoạt động, thì sẽ tạo rất nhiều thuận lợi cho việc mở rộng mô hình TNN. Trên cơ sở nguồn nước từ TBĐ, công ty sẽ đầu tư từng bước nhằm mở rộng phương thức sản xuất mới, để đến năm 2012, toàn bộ vùng chuyên canh mía Cao Cang được ứng dụng công nghệ TNN. Trước mắt, công ty đã khảo sát 350 hécta đất mía cần phải sớm chuyển đổi sản xuất theo công thức TNN. Hiện tại công ty đang xin vay vốn ưu đãi dài hạn, khả năng sang đầu năm 2009 sẽ triển khai mô hình này đến những khu vực đã khảo sát. Tiếp đó, công ty sẽ đầu tư cho Nông trường mía Phú Ngọc (120 hécta); Nông trường mía Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc, 60 hécta) và vùng chuyên canh mía của nông dân xã Thanh Sơn (huyện Định Quán, 22 hécta). Ngoài ra, công ty sẽ xây dựng thêm vùng chuyên canh mía Đạ Kho (huyện Đạ Tẻ, tỉnh Lâm Đồng) trên diện tích khoảng 350 - 400 hécta.
(Theo báo Đồng Nai)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com