Trên cổ bò có đeo chip và trong ảnh là các con bò "tự giác" bước vào ô vắt sữa tự động ở trang trại bò sữa Nghệ An của Vinamilk - Ảnh: Hồng Văn |
Khi tham quan nhà máy sữa của Vinamilk ở thị xã Cửa Lò (Nghệ An), cánh phóng viên thuộc Câu lạc bộ phóng viên nông nghiệp của Hội nhà báo TPHCM được ông Trịnh Quốc Dũng, giám đốc nhà máy giới thiệu về trại nuôi bò sữa mà theo ông là đã được đầu tư theo quy trình nuôi tiên tiến, hiện đại trên thế giới.
Trại bò sữa của Vinamilk nằm ở xã Đông Hiếu, thị xã Thái Hòa, cách thành phố Vinh, tỉnh lỵ Nghệ An gần 100 cây số về phía tây bắc. Ở đây, bò sữa được nằm nệm, có gắn chíp điện tử, thậm chí khăn lau vú bò trước khi vắt sữa bằng máy đều phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Gắn chip cho bò
Ông Lê Văn Dũng, Giám đốc trại bò sữa thuộc Công ty TNHH một thành viên bò sữa Việt Nam, một công ty con của Vinamilk, cho biết mỗi con bò đeo một cái chip thường trực bên cổ để theo dõi sức khỏe, bệnh tật, sản lượng sữa và gần như toàn bộ những thông tin liên quan tới đời sống con bò (ngoại trừ việc phát hiện động dục phải dùng một chip khác).
Mỗi cái chip như vậy có giá 70 euro. Một công nhân kể, một con bò trong thời kỳ cho sữa nhưng được phát hiện có bệnh, được nhân viên thú y tiêm thuốc trị bệnh, nhờ có chip nên dù nhân viên khu vắt sữa có đưa máy vắt tự động vào thì máy vẫn không vắt do đã biết con bò này bị bệnh.
Trang trại bò của Vinamilk ở đây rộng 48 héc ta, trong đó có 30 héc ta trồng cỏ, nằm trên vùng cao nguyên đất đỏ bazan có tiểu khí hậu khá khác biệt với cái khắc nghiệt của cả vùng Nghệ An. Hiện tại trang trại có 4 dãy chuồng, mỗi dãy dài hàng trăm mét do Delaval, một nhà thiết kế và cung cấp các thiết bị chuồng trại của Thụy Điển thiết kế và cung cấp thiết bị, kể cả con chip nói trên.
Theo ông Dũng, trang trại được đầu tư hơn 100 tỉ đồng và tháng 9 năm ngoái, trang trại bắt đầu nhập bò thuần cho sữa (bò HF) bằng đường hàng không từ Úc và New Zealand về nuôi; hiện có 1.600 con, với 261 con đang cho sữa 3.557 kg/ngày (còn lại đa phần là bò tơ). Dự kiến tới cuối năm nay, trang trại sẽ nâng lên 2.000 con trong quy mô có khả năng nuôi 3.000 con.
Chuồng trại theo thiết kế của Delaval có hệ thống mái được áp dụng công nghệ chống nóng bằng tôn lạnh với lớp nguyên liệu cách nhiệt, trong chuồng được bố trí hệ thống quạt làm mát, hệ thống dọn phân tự động, máng uống nước tự động, ô nằm nghỉ của bò được lót nệm... Ngay cả tấm khăn lau vú bò cũng làm từ một vật liệu khác với khăn bình thường, vì nếu lau bằng khăn thường không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bò "tự giác" xếp hàng vắt sữa
Công nhân trang trại đang làm vệ sinh cho bò trước khi vắt sữa - Ảnh: Hồng Văn |
Mỗi ngày bò sữa ở khu trại nuôi cách khu vắt sữa chừng 50 mét, tự động xếp hàng đi vào khu vắt sữa 2 lượt lúc 5 giờ sáng sớm và 5 - 6 giờ chiều.
Bò đi ngang qua khu vực xịt nước vệ sinh tự động, từng con bước vào ô của mình và nhân viên chăn nuôi chỉ việc xịt nước áp lực cao rửa vú, dùng khăn nhập khẩu đã nói để lau vú và sau đó gắn ống vắt sữa, bấm nút trên máy để theo dõi sản lượng sữa.
Ông Dũng cho biết bò ở trang trại chủ yếu ăn cỏ tươi, thân cây bắp tươi hoặc bắp ủ chua. Khẩu phần thức ăn được lập bằng máy tính và riêng cho từng loại bò, bê con thì khác bò tơ và tất nhiên là khác bò chửa.
Tùy sản lượng sữa của con bò mà có khẩu phần thức ăn riêng cho phù hợp, tính ra riêng tiền thức ăn, mỗi con bò đang cho sữa mỗi ngày ngốn gần 100.000 đồng.
“Khẩu phần ăn của bò ảnh hưởng tới chất lượng và sản lượng sữa”, ông Dũng cho biết bình quân năng suất sữa mùa hè chừng 18 lít/con, còn mùa đông 24-28 lít/con/ngày, cá biệt có một số con cho sữa cao kỷ lục được ghi nhận lên tới 60 lít/con/ngày.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com