Ông Nguyễn Ngọc Anh - Tổng giám đốc VICEM đã báo cáo với Phó thủ tướng về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của VICEM trong 8 tháng đầu năm 2011 và kế hoạch năm 2012. Theo đó, trong 8 tháng năm 2011, VICEM đã thực hiện sản xuất 9.564 ngàn tấn, đạt 64,90% kế hoạch về sản lượng clinker và 55,20% về sản lượng xi măng, tiêu thụ 12,447 triệu tấn (đạt 60,10% kế hoạch năm), tổng doanh thu 17.902 tỷ đồng (tăng 3.727 tỷ đồng, tương ứng 26,29% so với cùng kỳ), lợi nhuận trước thuế lỗ 286,919 tỷ đồng (cùng kỳ lợi nhuận là 835,80 tỷ đồng).
Nguyên nhân của sụt giảm lợi nhuận là chi phí vật tư đầu vào tăng cao: Giá xăng tăng 32 – 43%; điện tăng 15,28%; than tăng 41% ; lãi suất ngân hàng tăng khoảng 12- 21,5% làm tăng giá thành sản xuất và giảm lợi nhuận các công ty thành viên cũng như toàn Vicem.
Mặt khác, các Cty thành viên của VICEM phải thực hiện trả nợ các dự án đầu tư như Hoàng Thạch 3, Bình phước, Bút Sơn 2, Bỉm sơn mới... Nguồn trả nợ các khoản vay vốn đầu tư trung và dai hạn chỉ có thể huy động từ khấu hao tài sản hình thành sau đầu tư và lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của các đơn vị. Nếu sử dụng 100% lợi nhuận sau thuế để trả nợ thì việc cân đối nguồn trả nợ và tình hình nợ vay này sẽ có só dư phải trả của năm 2011 là 2.410,776 tỷ đồng, thiếu nguồn trả nợ là 752, 234 tỷ đồng.
Để vượt qua khó khăn Vicem đề nghị với các Ngân hàng trong nước xem xét và điều chỉnh thời điểm trả nợ phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh của VICEM và điều kiện kinh tế vĩ mô của cả nước, đồng thời thu xếp và giải ngân số vốn còn lại cho các dự án với lãi suất vay phù hợp, giúp các Cty sớm thanh toán nợ nhà thầu quyết toán dự án và xác định hiệu quả đầu tư; Các ngân hàng trong nước nhanh chóng hạ lãi suất vay vốn lưu động ngắn hạn xuống dưới 12%, ưu tiên cho các DN sản xuất hàng hóa thiết yếu phục vụ đầu tư xây dựng hạ tầng được vay theo nhu cầu tiêu dùng của thị trường, đồng thời cũng hỗ trợ doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm hàng hóa; Có chính sách phù hợp để các Ngân hàng trong nước đảm bảo đủ nguồn ngoại tệ bán theo đúng tỷ giá do ngân hàng Nhà nước quy định để trả nợ vay nước ngoài; Rõ rang sản xuất kinh doanh hiện nay của VICEM đã phải chịu tác động rất lớn của lạm phát và điều kiện kinh tế vĩ mô. Vì vậy, để đảm bảo an sinh đối với ngươi lao động, kính đề nghị Thủ tướng chấp thuận để Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, Bộ Tài chính khi xem xét phê duyệt quỹ lương năm 2011 của Tcty thì loại trừ các tác động khách quan ảnh hưởng đến lợi nhuận và sản lượng tiêu thụ của cả Tcty; Để khuyến khích hoạt động xuất khẩu đề nghị vẫn tiếp tục áp dụng thuế suất xuất khẩu các mặt hàng xi măng, clinker là 0% như hiện nay.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, Vicem là doanh nghiệp Nhà nước chịu sức ép bình ổn giá, cân đối cung cầu. Nhưng vẫn duy trì tốc độ sản xuất và tiêu thụ cao hơn so toàn ngành là những cố gắng của VICEM. Tôi đề nghị Vicem đặt ra kế hoạch mục tiêu và các chương trình cụ thể như: Xi măng phục vụ ngành dầu khí; xi măng bền sunphat, bê tông... cơ cấu lại vốn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đánh giá cao vai trò nòng cốt của VICEM, một ngành sản xuất đầu vào thiết yếu của nền kinh tế, sự phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu và đặc biệt là có vai trò quan trọng trong mục tiêu bình ổn giá của Chính phủ thời gian qua. Chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp trong ngành, Phó Thủ tướng phân tích đây là giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế cũng như của riêng ngành xi măng. Vì vậy, trong giai đoạn tới, doanh nghiệp cần triệt để, kiên quyết cắt giảm mạnh mẽ các loại chi phí, tái cơ cấu để nâng cao khả năng tài chính và năng lực cạnh tranh; Các doanh nghiệp lưu ý triển khai chương trình tiết kiệm năng lượng như tận dụng nhiệt thừa để phát điện, chương trình bịt kín đầu lò để tiết kiệm nhiệt, tận dụng rác thải công nghiệp làm năng lượng đốt lò.
Trong kế hoạch năm 2012, cần tiếp tục duy trì các thị trường cũ, tích cực mở ra các thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa các sản phẩm mới, cập nhật thông tin dự báo các biến động trên thế giới. Trong đó, lưu ý vấn đề nhiên liệu than, điện trong bối cảnh sức ép về giá, vấn đề môi trường trong quá trình sản xuất. Hiện nay, dư địa giá còn rất ít, các nhà máy phải tiết giảm chi phí, đối phó với cơn bão tài chính đẩy mạnh sản xuất tiêu thụ. Dùng giải pháp xuất khẩu clinker để duy trì sản xuất trong giai đoạn khó khăn này.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý nhiệm vụ của Vicem góp phần bình ổn giá vẫn cần đặt lên hàng đầu. Để tháo gỡ một số khó khăn cho doanh nghiệp, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng, VICEM làm việc với Bộ Tài chính về vấn đề chênh lệch tỷ giá, hỗ trợ các đơn vị vượt qua giai đoạn hiện nay; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để xây dựng cơ chế xây dựng đường bê tông nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm; phối hợp với Bộ Công Thương thống nhất về quy hoạch và khai thác mỏ nguyên liệu xi măng, tháo gỡ bài toán hết nguyên liệu ở một số nhà máy hiện nay, kết hợp với việc xem xét kế hoạch sử dụng xỉ và tro bay của các nhà máy điện…
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com