Trên khắp thế giới, tai nạn giao thông không ngừng tăng và dự đoán đến năm 2020 đó sẽ là căn nguyên gây tử vong lớn thứ hai. Châu Á - Thái Bình Dương là nơi có tình hình tồi tệ nhất, chiếm 44% tổng số ca tử vong do tai nạn giao thông đường bộ trên toàn thế giới.
Dưới sự lãnh đạo của ông Greig Craft, Chủ tịch Quỹ Phòng chống thương vong châu Á - Asia Injury (quỹ được thành lập nhằm ngăn chặn xu hướng tồi tệ nói trên), Quỹ đã bắt đầu những hoạt động đầu tiên ở Việt Nam, với mục đích phòng, chống chấn thương đường bộ cho đối tượng dễ bị tổn thương nhất: trẻ em và người đi xe máy.
Asia Injury đã trao tặng hàng nghìn chiếc mũ bảo hiểm cho các em học sinh như một trong những hoạt động của Quỹ trong chương trình an toàn giao thông, trước khi quyết định bắt đầu sản xuất mũ bảo hiểm. Những chiếc mũ bảo hiểm của Quỹ vừa nhẹ, vừa thoáng do được thiết kế đặc biệt để phù hợp với điều kiện khí hậu vùng Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, Asia Injury cũng muốn đưa dòng sản phẩm các loại mũ bảo hiểm này ra giới thiệu trên thị trường toàn quốc, sử dụng lợi nhuận thu được để tiếp tục tài trợ cho các chương trình an toàn giao thông. Tuy nhiên, rất nhiều người không muốn đội mũ bảo hiểm vì khí hậu ở Việt Nam có độ ẩm cao. Hơn nữa, vào thời điểm đó trên thị trường, mẫu mã để lựa chọn không nhiều, cộng thêm sự nặng nề và kiểu dáng xấu, khiến nhiều khách hàng tiềm năng không muốn sử dụng mũ bảo hiểm.
Như vậy, khách hàng của chúng tôi cần có một tên thương hiệu, bản sắc nhận diện thương hiệu và một loạt tương đối đầy đủ các tài liệu truyền thông marketing. Qua phân tích, chúng tôi chia thị trường tổng thể theo ba độ tuổi, đồng thời xác định những rào cản và cơ hội tiếp cận các phân khúc thị trường đó. Các tiêu chí đặt ra cho quá trình phát triển sáng tạo cần đáp ứng cả ba phân khúc thị trường và mang lại những giải pháp cuốn hút trong con mắt của cả đối tượng người tiêu dùng châu Á và các nhà tài trợ phương Tây.
Mục tiêu trọng tâm của chúng tôi là áp dụng ý tưởng thu hút số đông bằng cách trước tiên thu hút những nhóm người có trình độ hiểu biết khá và chính họ sẽ là những người thiết lập thói quen sử dụng mũ bảo hiểm để những người khác noi theo.
Trong quá trình tìm kiếm và sáng tạo tên thương hiệu phù hợp, tên gọi “Protec” đã xuất hiện. Tuy đây là một từ trừu tượng, nhưng rất dễ nghe đối với người Việt, đồng thời vẫn chuyển tải được ý nghĩa đối với những ai biết tiếng Anh. Chúng tôi đã thiết kế một mẫu logo với hình ảnh thể hiện mối an nguy mong manh đối với những khách hàng của Protec, đồng thời phản ánh sự chăm chút nâng niu trong công nghệ sản xuất mũ để bảo vệ sự an toàn của người tiêu dùng.
Các tài liệu truyền thông marketing được tạo ra với mục đích nhấn mạnh việc sử dụng mũ bảo hiểm Protec vừa dễ dàng, thoải mái mà vẫn rất thời trang. Trong 2 năm đầu tung ra thị trường, với chi phí quảng cáo không đáng kể, Protec đã nắm giữ được một lượng khách hàng chủ chốt có sức ảnh hưởng lớn và hứa hẹn doanh thu bán hàng sẽ tăng lên trong tương lai.
Vào thời điểm Luật Giao thông đường bộ áp dụng quy định bắt buộc sử dụng mũ bảo hiểm đối với toàn bộ khu vực nông thôn và thành thị trên toàn quốc vào năm 2007, thương hiệu Protec đã được biết đến rộng rãi và sẵn sàng để đáp ứng nhu cầu lớn của toàn dân.
Kỳ tới - Những nguy cơ của việc mở rộng thương hiệu.
Chuyên mục được thực hiện với sự cộng tác của Công ty Richard Moore Associates
(Theo Richard Moore Associates // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com