Một số dự án căn hộ chung cư trên đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè, TPHCM. |
Nhiều người cho rằng bên cạnh việc kêu gọi nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ để vực dậy thị trrường địa ốc, trước mắt, các ngân hàng và các công ty địa ốc phải hiệp lực với nhau để mở một lối ra...
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang phát đi những tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản thông qua việc bật đèn xanh cho các ngân hàng thương mại mở rộng tín dụng cho vay mua nhà, hơn nữa, có thể cung ứng vốn cho các doanh nghiệp địa ốc theo tiến độ dự án, được điều chỉnh giảm lãi suất, và được cơ cấu lại thời gian trả nợ phù hợp với tình hình kinh doanh và khả năng trả nợ của doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy lượng vốn đang tập trung vào lĩnh vực bất động sản khá lớn, nhưng sự lưu chuyển dòng tiền lại quá chậm, bởi tính thanh khoản của thị trường nhà ở đang rất yếu, đặc biệt là sản phẩm căn hộ. Các lĩnh vực liên quan như thi công xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng căn bản như xi măng sắt thép hay các vật liệu trang trí nội thất... đều điêu đứng theo. Thậm chí, các ngân hàng cũng gặp không ít rắc rối với những dự án đã cho vay đang lâm vào cảnh phá sản.
Cứu bạn cùng xuồng
Phát biểu tại buổi tọa đàm giữa Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với các thành viên Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) diễn ra hồi cuối tuần qua, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV, cho rằng điều quan trọng trong lúc này là các tổ chức tín dụng phải đồng hành với doanh nghiệp để cùng cứu nhau vượt qua “cơn gió giật cấp 11, 12”. BIDV cho biết đang rà soát các khoản vay bất động sản để tìm cách hỗ trợ vốn hoạt động cho những những dự án xác định được tiến độ hoàn thành và năng lực tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, ngân hàng cũng rà soát những dự án nào có thể được gia hạn các khoản vay, những doanh nghiệp nào có thể hỗ trợ lại nguồn vốn vay phù hợp hơn.
Theo quy định, doanh nghiệp có nợ xấu, không trả được thì phải chuyển nhóm nợ, xếp loại tín dụng bị thay đổi, và điều đó có nghĩa là sẽ rất khó vay mới. Nhưng trong thời điểm khó khăn này, Thống đốc NHNN đã đồng ý những khoản nợ có thời hạn sẽ được giữ nguyên hạn định. Đây là một điểm mới, tháo gỡ vướng mắc cho các tổ chức tín dụng trong thời gian vừa qua. Vì nếu không tháo gỡ điểm này, các ngân hàng có tiền cũng không thể cho vay. Do vậy, việc tiếp tục cho vay sẽ tạo nguồn vốn cho các dự án hoàn thành và đưa sản phẩm ra thị trường.
Ông Trần Bắc Hà cũng đem đến buổi tọa đàm ý tưởng thành lập “Câu lạc bộ bốn nhà”, gồm nhà băng (ngân hàng), nhà đầu tư dự án, nhà thầu thi công và nhà cung cấp vật liệu, trong đó, ngân hàng giữ vai trò trung gian thẩm định, kết nối, làm trọng tài và điều phối các khoản thanh toán (qua ngân hàng). Ông Hà cho biết, để ngân hàng có thể làm tốt vai trò trung gian này, họ cần ba nhà còn lại xác lập một tinh thần hợp tác chân thành, minh bạch và sòng phẳng.
Để có thêm người mua được nhà
Tại cuộc tọa đàm, BIDV cũng công bố gói tín dụng trị giá 4.000 tỉ đồng dành cho cá nhân, hộ gia đình mua nhà của các dự án do BIDV tài trợ với lãi suất 16%/năm và hạn mức cho vay lên tới 85% giá trị căn nhà.
Nếu kế hoạch của BIDV được thực hiện thì có thể nói doanh nghiệp địa ốc có được sự hậu thuẫn tài chính ở cả đầu vào lẫn đầu ra của sản phẩm. Vấn đề hiện nay là ngân hàng sẽ cho vay với lãi suất bao nhiêu, có đủ hấp dẫn người mua nhà vay tiền mua căn hộ và chủ đầu tư không quá ngán ngẩm với việc trả lãi ngân hàng hay không? Giới chủ đầu tư cho rằng nếu lãi suất cho vay hạ xuống tới mức hợp lý mới có thể tạo ra cú hích trên thị trường bất động sản. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng chưa hết băn khoăn về khả năng tiếp cận vốn tín dụng.
Câu trả lời từ phía ông Trần Bắc Hà, yếu tố quan trọng nhằm thuyết phục các ngân hàng là năng lực tiêu thụ của sản phẩm dự án địa ốc. Ông khuyến nghị: “Các dự án cần có nhiều chương trình khuyến mãi hơn nữa, giảm giá mạnh hơn nữa. Mục tiêu của doanh nghiệp địa ốc bây giờ không phải là lợi nhuận mà là giải phóng nguồn vốn tồn đọng lâu nay qua việc bán nhà”.
Một trong những cách kích cầu người mua nhà, theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, là cần cơ cấu lại sản phẩm, trong đó ưu tiên căn hộ diện tích nhỏ có giá bán phù hợp nhiều người có nhu cầu.
Điều quan trọng nhất hiện nay, theo ông Đặng Hoàng Vũ, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Thanh Bình, là người mua nhà vẫn cần vay thêm tiền để thực hiện giấc mơ sở hữu nhà ở. Các chính sách hỗ trợ tích cực cho người vay mua nhà sẽ góp phần tạo tính thanh khoản cho thị trường. Muốn vậy, người mua nhà phải được vay với lãi suất thấp nhất có thể và điều kiện vay thực sự cởi mở. Khi đó thị trường bất động sản sẽ được giải cứu.
(Theo Thời báo kinh tế SG)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com