Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (tiền thân là Công ty Điện lực 1) hoạt động theo mô hình mới “Công ty mẹ - con”, là một bước tiến quan trọng, đáp ứng yêu cầu về một mô hình quản lý mới, hiệu quả cho ngành Điện.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, TCty Điện lực miền Bắc cần xác định nhiệm vụ quan trọng là xây dựng mô hình quản lý. Ảnh: Chinhphu.vn |
Ngày 2/4 tại Hà Nội, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đã tổ chức lễ ra mắt. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đến dự.
Xây dựng mô hình quản lý hiệu quả, khoa học công nghệ là hướng đột phá
Tổng Công ty Điện lực miền Bắc ra đời (cùng với các TCty Điện lực Hà Nội, TP.HCM, Điện lực miền Trung, miền Nam) là bước thực hiện chủ trương của Chính phủ đổi mới, trao quyền tự chủ cho DN trong hoạt động kinh doanh, từng bước hạch toán minh bạch chi phí giá thành điện, tiến tới thị trường điện cạnh tranh ở khâu phân phối theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nhấn mạnh tới tinh thần phát huy truyền thống của đơn vị tiền thân là Công ty Điện lực 1, được coi là “cái nôi” của ngành Điện, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, việc chuyển đổi sang mô hình Công ty mẹ - con là một bước tiến quan trọng, đáp ứng yêu cầu về một mô hình quản lý mới, hiệu quả cho ngành Điện, tạo tiền đề để các DN điện đi đầu trong thực hiện mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.
Phó Thủ tướng lưu ý Tổng Công ty Điện lực miền Bắc với cơ chế hoạt động mới, cần sớm ổn định cơ cấu, quy chế làm việc, cơ chế tài chính, phân cấp mạnh mẽ để các đơn vị thành viên và từng nhân viên phát huy năng lực, hiệu quả hoạt động.
Đặc biệt, Tổng Công ty cần xác định nhiệm vụ hết sức quan trọng là xây dựng mô hình quản lý. “Kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới mới đây, từ trường hợp một số tập đoàn quốc tế cũng như trong nước cho thấy một quy luật là hoạt động có hiệu quả hay không là do mô hình quản lý quyết định. Tốc độ đổi mới năng lực quản lý không bắt kịp tốc độ tăng trưởng thị trường thì sẽ thất bại”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Tổng Công ty vẫn là 1 DN phân phối điện và làm dịch vụ, nên phải theo phương châm khách hàng là mục tiêu kinh doanh và lý do tồn tại của mình.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Tổng Công ty Điện lực miền Bắc cũng như các DN ngành Điện phải xác định khoa học công nghệ là hướng đột phá. Ngành Điện phải đi đầu về đổi mới công nghệ, với mục tiêu giảm tổn thất điện năng, nâng cao hiệu quả sử dụng. Đồng thời, bảo đảm mục tiêu giảm thiểu tác động môi trường.
Tiền đề quan trọng cho khâu phân phối điện theo cơ chế thị trường
Sau khi thành lập, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc sẽ bắt đầu hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con, hạch toán độc lập. Trong đó, Công ty mẹ (NPC) sẽ được tổ chức lại trên cơ sở Công ty Điện lực 1 trước đây và tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước của Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại các Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng, Hải Dương và Ninh Bình.
Công ty mẹ sẽ hoạt động đa ngành, đa sở hữu, trong đó ngành nghề chính vẫn là kinh doanh điện, viễn thông công cộng, đầu tư vào các ngành nghề có thế mạnh. Riêng khâu bán điện, NPC sẽ giao cho các Công ty thành viên điện lực tỉnh bán điện trực tiếp hoặc qua các đại lý để bán điện đến các khách hàng tiêu thụ điện trên địa bàn quản lý.
Giá bán điện nội bộ giữa NPC với các Công ty thành viên do NPC xác định theo quy chế nội bộ, nhưng đảm bảo nguyên tắc tăng tính tự chủ của đơn vị. Giá bán điện đến khách hàng sử dụng điện sẽ theo biểu giá quy định của Nhà nước, áp giá điện đúng đối tượng, đảm bảo thu đủ, thu đúng, nâng được giá bán bình quân.
Theo ông Nguyễn Phúc Vinh, Tổng Giám đốc NPC, đây là tiền đề quan trọng cho việc thực hiện chuyển hóa khâu phân phối điện theo cơ chế thị trường, phù hợp với lộ trình phát triển thị trường điện thời gian tới, đảm bảo được việc đầu tư truyền tải, cung ứng điện với chất lượng tốt hơn cho nhu cầu khách hàng.
Tổng Công ty Điện lực miền Bắc hiện có các Công ty Điện lực quản lý và phân phối điện năng trên địa bàn 24 tỉnh, thành phía Bắc (từ Hà Tĩnh trở ra), 3 Ban Quản lý dự án, 5 Công ty cổ phần có có vốn góp chi phối và vốn góp tại 24 Công ty liên doanh khác. Đến nay, NPC đáp ứng 99,5% số huyện thuộc địa bàn quản lý, 96,9% số xã và 93,7% số hộ nông thôn được sử dụng điện lưới. Năm 2009, NPC đạt sản lượng điện 20.890 triệu kWh, tỷ lệ tổn thất giảm xuống 6,09%, với 5,51 triệu khách hàng, doanh thu tiền điện đạt 17.781 tỷ đồng. |
(Theo Nguyên Linh // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com