Các mẫu xe 6 - 9 chỗ sẽ trở thành dòng xe chiến lược của VN ? |
Một trong những vấn đề trong lĩnh vực ôtô được dư luận quan tâm trong tuần qua xuất phát từ thông cáo báo chí của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô VN (Vama) về kế hoạch phát triển các dòng xe chiến lược tại thị trường VN. Vậy, có gì quan trọng trong thông cáo báo chí này làm cho dư luận quan tâm ?
Chuyện xây dựng một kế hoạch phát triển dòng xe chiến lược về trong phân khúc du lịch đã được bàn thảo từ khá lâu, đã có các cuộc hội thảo có với sự tham gia của các nhà quản lý, các chuyên gia, các DN và thậm chí là cả giới báo chí. Đề xuất của Bộ Công Thương cũng đã được đệ trình lên Chính phủ. Vậy thì tại sao Vama bây giờ mới lên tiếng ? Có muộn quá không ?
Chưa tham gia ý kiến
Trong thông cáo của mình, Vama khẳng định sự phát triển ấn tượng của ngành công nghiệp ôtô VN, nhưng không nói rõ cụ thể như thế nào (Vì về thực tế thì ấn tượng của lĩnh vực ôtô VN, chứ không phải ngành công nghiệp chỉ là sự tăng trưởng và phát triển của thị trường, dựa trên nhu cầu sử dụng ngày càng tăng của người dân). Tiếp theo, Vama cũng khẳng định VN có cơ hội để phát triển một số dòng xe chủ lực cũng như cơ hội xuất khẩu những dòng xe này khi VN gia nhập hoàn toàn vào Afta. Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất mà Vama muốn nhấn mạnh đó là việc họ chưa có đề xuất chính thức nào về kế hoạch phát triển dòng xe chiến lược nêu trên: “Cho đến nay Vama chưa đưa ra bất kỳ ý kiến chính thức nào về dòng xe chiến lược. Một số Cty thành viên có ý kiến riêng của mình nhưng không đại diện cho ý kiến của Vama”. Vì vậy, Vama tiếp tục đẩy nhanh việc lấy ý kiến của các thành viên để sớm đưa ra quan điểm của mình (Theo một nguồn tin của DĐDN thì trong tuần này Vama sẽ có ý kiến chính thức).
Chia đều quyền lợi ?
Thực tế có một vài thành viên của Vama như Toyota, Trường Hải.... đã có những ý kiến đóng góp về việc phát triển dòng xe chiến lược. Những ý kiến đóng góp của các DN này đều được nghiên cứu bài bản, nhiều ý kiến, quan điểm được đánh giá cao. Nhưng như Vama khẳng định thì đó chỉ là những ý kiến riêng. Tại sao ?
Một chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực ôtô cho rằng sở dĩ có việc này vì nếu dòng xe chiến lược được thực hiện như đề xuất của Bộ Công Thương thì nhiều thành viên của Vama gần như rất khó tham gia với thực lực hiện có của mình. (Hiện nay một số hãng không sản xuất hoặc chưa sản xuất, lắp ráp các loại xe 6 - 9 chỗ mà chủ yếu phát triển dòng xe từ 5 chỗ ngồi trở xuống hoặc xe hạng sang. Ngược lại một vài DN rất mạnh về xe 6 - 9 chỗ, thậm chí là sản xuất đầy đủ các dòng xe trong phân khúc du lịch). Mà nếu đã khó tham gia thì sẽ không được quyền lợi gì. Vì vậy họ phản đối. Và nếu nhiều thành viên phản đối thì chắc chắn Vama sẽ phải điều chỉnh quan điểm nhằm mục tiêu đạt sự đồng thuận cao nhất. Cũng có ý kiến cho rằng nếu không có sự đồng thuận cao về vấn đề này thì rất dễ nảy sinh sự rạn nứt giữa các thành viên trong hiệp hội. Vì vậy, vấn đề bây giờ là Vama sẽ đưa ra quan điểm để hầu hết các thành viên đều có quyền lợi, đều tham gia được trong kế hoạch phát triển dòng xe chiến lược này. Cũng có quan điểm cho rằng, với kế hoạch đang được Bộ Công Thương đề xuất thì bất cứ ai, DN nào cũng đều có thể tham gia, nhưng có lẽ diều mà nhiều DN, nhiều thành viên của Vama cần là được tham gia nhưng... đầu tư ít hoặc không cần phải đầu tư mà vẫn có thể tham gia được vào kế hoạch này. Chúng ta chưa biết được điều này và “sự phân chia quyền lợi” có hài hoà hay không sẽ phải chờ văn bản góp ý, kiến nghị cuối cùng của Vama.
Xác định đối tượng
Thị trường ôtô VN được xem là nhỏ, nhưng tốc độ tăng trưởng rất nhanh và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, một thực tế là thị trường này có quá nhiều các nhà sản xuất ôtô với sự góp mặt đầy đủ của tên tuổi lớn. Vấn đề đặt ra bây giờ là nếu DN nào cũng tham gia được vào dòng xe chiến lược này thì liệu dòng xe này có phát triển ? Rất khó. Đó là quan điểm của nhiều chuyên gia cũng như DN. Khó vì thị phần tiếp tục bị chia nhỏ, trong khi để cạnh tranh được (như mục tiêu của chiến lược, kế hoạch phát triển dòng xe du lịch này là cạnh tranh và xuất khẩu trong khu vực) thì cần một hoặc vài DN, tập đoàn sản xuất và tiêu thụ được một khối lượng lớn, rất lớn những dòng xe này. Có sản xuất, tiêu thụ được một số lượng lớn, rất lớn thì mới có cơ hội phát triển hệ thống các nhà sản xuất linh kiện, phụ tùng, phụ trợ, mới phát triển được ngành công nghiệp ôtô.
Một quan điểm khác phản biện ý kiến trên lại cho rằng các DN có thể hợp tác với nhau. Điều này trong lĩnh vực ôtô của VN thì hầu như không thể vì ai cũng muốn bảo vệ quyền lợi của riêng mình và nếu có “phân chia” thì phải thật sự công bằng. Nếu không, “rạn nứt” là điều tất yếu.
(Theo Linh Anh // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com