Hơn 30 doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng vận thăng lồng tại Việt Nam bỗng dưng nhận được “tráp” của Hải quan đến làm việc để truy thu thuế nhập khẩu 10% đối với những lô hàng cách đây vài năm.
Việc truy thu thuế theo kiểu “cửa trên” này khiến nhiều doanh nghiệp bức xúc gửi đơn khiếu nại tới các cơ quan chức năng…
Trong cơn bĩ cực
Năm 2011 và 2012 là thời điểm khó khăn của các doanh nghiệp (DN), nhiều DN buộc phải giải thế hoặc cắt giảm chi phí, nhân công, hoạt động cầm chừng. Hơn 30 DN chuyên nhập khẩu vận thăng lồng - một loại thiết bị dùng để chuyên chở người, máy móc theo chiều thẳng đứng, thường được sử dụng trong việc xây dựng công trình cao tầng, cũng nằm trong bối cảnh chung này.
Giám đốc một DN chuyên nhập khẩu mặt hàng này tâm sự: “Trong tình trạng kinh tế như hiện nay thì bất cứ chi phí phát sinh bất hợp lý nào cũng gây khó khăn cho DN. Từ đầu năm 2012, hơn 30 DN kinh doanh vận thăng lồng bỗng nhiên nhận được công văn của Hải quan yêu cầu truy thu thuế nhập khẩu 10%. Mặc dù chúng tôi nhiều lần kiến nghị nhưng bên Hải quan vẫn cương quyết truy thu với những căn cứ thiếu thuyết phục. Sự áp đặt này khiến nhiều DN đang vật lộn vượt qua cơn bĩ cực, có nguy cơ giải thể”. Theo vị giám đốc này, vào thời điểm thông quan, mặt hàng vận thăng lồng được hưởng mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi 0% , sau 3 – 4 năm, khi nhiều vận thăng lồng đã hết khấu hao thì DN nhập khẩu bị Hải quan yêu cầu truy thu thuế từ 0% lên 10% đối với mặt hàng này.
Theo hồ sơ vụ việc, năm 2008, 2009, 2010 Cty CP kỹ thuật và máy xây dựng (MXD); Cty CP máy công nghiệp Đông Sơn và nhiều Cty khác đã nhập khẩu hàng trăm thiết bị vận thăng lồng từ nước ngoài về Việt Nam để kinh doanh. Trong quá trình làm thủ tục, Chi cục Hải quan Hữu Nghị, Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội đã kiểm tra hồ sơ, hàng hóa và hướng dẫn cho DN áp mã mặt hàng là HS 84281090 và khai báo thuế theo quy định. Các DN nhập khẩu cho biết, toàn bộ số thiết bị trên đã được bán cho các DN có nhu cầu và nhiều chiếc đã hết khấu hao.
Bất ngờ, vào tháng 2- 2012, các DN nhập khẩu vận thăng lồng nhận được “trát” truy thu thuế của cơ quan Hải quan. Ngỡ ngàng trước quyết định vô lý trên, nhiều DN đã khiếu nại lên các chi cục Hải quan, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính… Trả lời khiếu nại các DN, cơ quan Hải quan đã đưa ra Công văn số 285/TCHQ-TTr ngày 19-1-2012 và Công văn số 456/TCHQ-TTr ngày 7-2-2012 của Tổng cục Hải quan để làm căn cứ truy thu thuế từ 0% lên 10%. Theo các công văn này, mặt hàng tời nâng kiểu thùng, vận thăng lồng được phân loại vào nhóm mã HS 8428. Công văn này hướng dẫn “mặt hàng để được áp vào mã HS 84281090 phải là loại “tời nâng kiểu thùng (có tên gọi khác là trục tải thùng kíp) ở dạng các thùng chứa hoặc hòm xe có thể tích lớn, đáy mở tự động, thường dùng vận chuyển than trong hầm lò, chất đốt hoặc quặng cho lò cao, lò nung vôi... Nếu không đáp ứng được các yêu cầu trên thì tùy theo hàng hóa thực tế NK để áp vào mã số phù hợp 84281021, 84281029, 84281010”.
Dựa vào hướng dẫn trên, các Chi cục Hải quan đã đưa vận thăng lồng vào nhóm mã 84281021 và yêu cầu các DN phải truy thu 10% thuế nhập khẩu đối với các lô hàng đã được thông quan.
Các DN liên tục khiếu nại…
Tại các buổi làm việc với các cơ quan Hải quan, các DN đã bày tỏ sự không đồng tình với cách xử lý này. Bởi lẽ thứ nhất, nơi sản xuất là Trung Quốc (quốc gia đã gia nhập WTO) đã áp mã HS 84281090. Và trên thực tế trong suốt nhiều năm qua, các Chi cục Hải quan, Hải quan cửa khẩu cũng áp mã như thế và đã cho thông quan hàng nghìn sản phẩm vận thăng lồng. Sản phẩm này Việt Nam chưa sản xuất được và cần thiết để phục vụ sản xuất nên được hưởng chính sách thuế nhập khẩu ưu đãi 0%. Thứ hai, tại các cửa khẩu, các DN đã khai rất rõ mặt hàng này theo hướng dẫn của các cán bộ Hải quan và đều được chấp nhận cho thông quan… Cái lý mà Hải quan đưa ra để áp dụng cho các DN là “áp sai mã số (mã HS) tính thuế hàng nhập khẩu”. Vận thăng lồng là mặt hàng cồng kềnh, trong quá trình làm thủ tục thông quan phía DN hoàn toàn không kê khai dối và việc kê khai, áp mã (HS 84281090) cũng đã được chính cơ quan Hải quan chấp thuận. Đến thời điểm hiện tại, hàng nghìn chiếc vận thăng lồng cũng đã được các DN nhập khẩu bán cho khách hàng với hạch toán chi phí theo biểu thuế cơ quan Hải quan đã áp dụng. Việc Hải quan truy thu thuế 10% sẽ khiến DN lỗ to vì phần lãi chỉ là 2 – 3%. Các DN sẽ rất khó hạch toán thuế và với tình hình tài chính khó khăn như bây giờ sẽ nhiều DN chọn cách công bố phá sản… Theo đơn khiếu nại của các DN kinh doanh vận thăng lồng, có DN bị truy thu đến gần 10 tỷ đồng.
Lỗi của bên nào bên đó phải chịu trách nhiệm, đó là quy định của pháp luật. Trong thẩm quyền của mình, cơ quan Hải quan có quyền thay đổi mã áp thuế (mã HS). Tuy nhiên, việc thay đổi đó nên được áp dụng cho các sản phẩm vận thăng lồng nhập khẩu về sau chứ không thể “hồi tố”, truy thu thuế đối với các sản phẩm mà DN đã nhập khẩu từ vài năm trước đây.
Vào thời điểm các DN nhập khẩu vận thăng lồng thì Công văn số 456/TCHQ-TTr ngày 7-2-2012 chưa có nên việc áp dụng văn bản này cho những lô hàng đã nhập từ năm 2008, 2009, 2010 là không hợp lý. Theo luật sư Vũ Lợi, Giám đốc Cty luật Hòa Lợi: “Văn bản số 456/TCHQ-TTr ban hành không quy định gì về hiệu lực hồi tố nên việc mang áp dụng cho các DN đã nhập khẩu mặt hàng này từ trước đó là không có căn cứ, cần hủy bỏ”. |
Phương Linh
Theo PL&XH
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com