Đề án cải cách tiền lương đến năm 2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã nêu ra những hạn chế của cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước - Ảnh: Hoàng Hà. |
Một lần nữa, câu chuyện lương, thưởng của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lại làm nóng dư luận, khi kết quả kiểm toán cho thấy rõ bất hợp lý trong cơ chế trả lương của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, thu nhập bình quân ở công ty mẹ - EVN là 13,7 triệu đồng/người/tháng; thu nhập bình quân khối truyền tải điện là 10,8 triệu đồng/người/tháng và thu nhập bình quân khối phân phối điện là 7,9 triệu đồng/người/tháng.
Trao đổi với VnEconomy, một lãnh đạo Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, ngành điện khiến được xem là một trong những ngành lao động có yếu tố nặng nhọc, nguy hiểm, nên chế độ xét lương có ưu đãi hơn.
Mặt khác, lao động ngành điện cũng yêu cầu cao về trình độ kỹ thuật cao, vì thế, nếu ngành điện không xây dựng được cơ chế trả lương thỏa đáng thì sẽ không thu hút được lao động có trình độ, chấp nhận làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm.
Tuy nhiên, theo Kiểm toán Nhà nước, việc phân phối tiền lương theo đơn giá cho các đơn vị thuộc công ty mẹ - EVN chưa đảm bảo lợi ích hài hoà giữa các đơn vị. Bởi lẽ, thu nhập bình quân ở cơ quan văn phòng công ty mẹ - EVN còn cao gấp hơn hai lần thu nhập bình quân chung của cả công ty mẹ.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, sự bất hợp lý ở đây chính là việc phân phối không đúng theo đóng góp và sức lao động. Ngay cả nhân viên ngành điện cũng cho rằng có sự bất hợp lý. Cụ thể, cùng một bậc lương, nhưng nếu làm việc trên tập đoàn, lương sẽ cao hơn gấp 3 - 4 lần làm việc ở các công ty điện lực địa phương, bởi vì hệ số lương của tập đoàn cao hơn. Rồi thưởng cũng tương tự, cứ hệ số đó mà mang nhân ra tiền thưởng, cũng cao gấp 3 - 4 lần. Trong khi đó, về công việc, đương nhiên địa phương sẽ vất vả hơn nhiều.
“Đây là kiểu phân bổ “cuốc xẻng từ dưới phát lên, đường sữa từ trên phân xuống”, một lãnh đạo điện lực địa phương ví von.
Xung quanh vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, việc quản lý và ký duyệt đơn giá tiền lương của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Song theo ông Lợi, một thực tế đang thấy rất rõ hiện nay là lương hành chính, quản lý với lương người lao động có khoảng cách quá lớn. Cơ chế trả lương thiếu công bằng. Với nhiều doanh nghiệp, lương thưởng dồn hết cho cấp quản lý, còn người lao động trực tiếp lại quá thấp. Đây là điều cần phải xem xét, sắp xếp lại.
“Trả lương cao là điều đáng khuyến khích, nhưng phải dựa trên chất lượng, hiệu quả công việc. Nếu sản xuất, kinh doanh tốt, doanh nghiệp có lợi nhuận cao, cần phải cải thiện phúc lợi, môi trường làm việc, nâng cao mức sống của người lao động. Còn doanh nghiệp báo cáo lỗ mà lương cao thì không công bằng. Đáng lẽ trong tình cảnh ấy, doanh nghiệp phải tìm cách để tự cân bằng, giảm bớt lợi nhuận, giảm bớt chi phí tiền lương để đưa ra mức giá thành sản phẩm hợp lý”, ông Lợi bày tỏ quan điểm.
Đề án cải cách tiền lương đến năm 2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã nêu ra những hạn chế của cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước.
Theo bộ này, tiền lương của viên chức quản lý chưa thực sự gắn với hiệu quả và tương quan với các doanh nghiệp trên thị trường. Một số doanh nghiệp dù quỹ lương được chủ sở hữu phê duyệt riêng nhưng khi thực hiện lại nhập chung với quỹ lương của người lao động hoặc lấy thêm một phần từ quỹ lương của người lao động để chi trả.
Với những bất cập nói trên, Phó chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi cho biết, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội sẽ có các cuộc khảo sát, đánh giá lương, thưởng của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, kiến nghị tiền lương chi trả cho các doanh nghiệp nhà nước phải được công khai, minh bạch.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com