Im lặng không lâu, Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô VN (VAMA) đã chính thức có văn bản gửi Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Tinh thần chung của VAMA là chưa đồng thuận với đề xuất của Bộ Công Thương trong việc chọn dòng xe đa dụng 6-9 chỗ (dung tích xilanh dưới 1,5 lít, tiêu chuẩn khí thải Euro 2) làm dòng xe chiến lược (DXCL).
Đằng sau sự bất đồng của VAMA
Đề xuất của Bộ Công Thương về dòng xe chiến lược (DXCL), như chúng tôi đã đề cập ở các bài viết trước trên báo Lao Động, là “hợp lý và... lấn cấn”. Tuy nhiên, sự lấn cấn không đến mức trở thành vấn đề lớn như trong cách nhìn của VAMA. Bởi nhiều ý kiến phản hồi trên một số diễn đàn, báo điện tử, đồng tình chọn dòng xe từ 6-9 chỗ, nhưng yếu tố dung tích xilanh dưới 1,5 lít và tiêu chuẩn khí thải Euro 2 là cần xem xét thêm theo hướng nâng cao.
Song sự bất đồng của VAMA đối với đề xuất của Bộ Công Thương lại không trùng với góp ý của dư luận người tiêu dùng (NTD) như đề cập ở trên. VAMA muốn Chính phủ lập ra một nhóm nghiên cứu cùng với các bộ ngành và VAMA tìm để tìm ra DXCL tối ưu nhất.
Nhưng trên thực tế, vào ngày 8.10.2009, liên bộ Công Thương - Tài chính đã tổ chức một buổi gặp gỡ các liên doanh và DN sản xuất ôtô trong nước đóng góp ý kiến về việc chọn DXCL. Khi ấy, mỗi DN một phách theo hướng có lợi cho mình.
Toyota đề xuất dòng xe từ 4-9 chỗ. Trường Hải đề xuất dòng xe dưới 5 chỗ ngồi và dung tích dưới 1,5 lít. Xuân Kiên lại chọn dòng xe dưới 5 chỗ và dung tích dưới 1 lít. Còn đại diện Mercedes-Benz đề xuất dòng xe 5 chỗ ngồi...
Vậy thì sự bất đồng của VAMA đối với đề xuất của Bộ Công Thương, thực ra như là điều đã được dự báo trước.
Nghe ai và tin ai?...
Từ buổi họp ngày 8.10, nếu nghe theo những đề xuất của các thành viên VAMA, thì tất cả các dòng ôtô du lịch hiện có tại VN đều cần đưa vào danh sách DXCL để ưu đãi(!). Điều này cũng có nghĩa, cứ để trôi tuột như hiện nay, chẳng cần chọn lựa DXCL để làm gì nữa. Bởi mỗi lựa chọn đều phải có phần thiệt và phần lợi, không chỉ đối với DN sản xuất mà NTD cũng thế. Lúc đầu chịu thiệt, nhưng nếu đầu tư sâu bài bản theo DXCL đã được chọn, sẽ được hưởng lợi từ chính sách. Muốn thế, bản thân các thành viên trong VAMA phải cạnh tranh nhau khốc liệt để tồn tại và khẳng định vị thế; chứ không phải thấy cái gì mình mạnh thì đưa ra đề xuất thành DXCL, còn cái gì mình yếu, thì lờ.
Và nếu cơ quan quản lý chọn vào chỗ yếu, thì giãy nảy, bất chấp quyền lợi của số đông NTD và cao hơn, là lợi ích quốc gia-một tương lai tỉ lệ nội địa hoá được thúc đẩy mạnh mẽ, tạo tiền đề cho ngành công nghiệp ôtô VN phát triển.
Đưa ra bàn rộng về chọn lựa DXCL cũng cần thiết. Nghe rộng thì có nhiều thông tin, đặc biệt là cần thêm các kênh từ NTD, chuyên gia thị trường, giới khoa học. Còn nghe VAMA, liệu có thể tin? Bằng chứng là cuộc họp ngày 8.10 đã rành rành mỗi DN chạy theo lợi ích riêng...
Cũng cần nhắc lại, ngày 8.10 đại diện Toyota đề xuất chọn dòng xe từ 4-9 chỗ. Thế nhưng trước đó, vào tháng 5.2009, VAMA có văn bản gửi Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, trong đó thể hiện rất rõ sự hậu thuẫn của VAMA trong việc chọn dòng xe từ 6-9 chỗ làm DXCL. Hơn nửa năm sau, VAMA gửi văn bản khác bất đồng với phương án chọn lựa của Bộ Công Thương, như xối một gáo nước lạnh.
Đụng tới quyền lợi kinh doanh và lợi ích cục bộ, đó là tình trạng thường thấy trong môi trường kinh doanh. Nhưng việc chọn DXCL thì không thể vì một nhóm, trục quyền lợi nào mà phải từ lợi ích quốc gia. Đề xuất DXCL có thể có sự điều chỉnh, mở rộng, nhưng ngay cả khi ấy, phải từ lợi ích của NTD và nhu cầu của xã hội, để quyết định.
(Báo Lao Động)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com