So với các nước trong khu vực, tiền lương tối thiểu ở Việt Nam thấp hơn khoảng 40%. |
Tiền lương thấp và những bất cập, yếu kém của quan hệ lao động ở Việt Nam đã được nhiều đại biểu đề cập tại hội thảo “Tương lai của quan hệ lao động và việc sửa đổi Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn” do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam (ILO) vừa phối hợp tổ chức.
Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn có nhiều quy định không còn phù hợp với điều kiện hiện nay, có quá nhiều kẽ hở, khó áp dụng hoặc gây rất nhiều bất lợi cho lao động.
Lương tối thiểu chỉ đáp ứng 60% nhu cầu cuộc sống
Theo bà Phạm Lan Hương, Trưởng ban Hội nhập kinh tế quốc tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, mức lương tối thiểu hiện còn thấp, chưa do thị trường quyết định và chưa tương xứng giá trị lao động.
Số liệu điều tra của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho thấy, lương tối thiểu mới chỉ đáp ứng khoảng 60 - 65% nhu cầu cuộc sống và thấp hơn mức lương trả trên thị trường khoảng 20%. Với mức lương này không thể đảm bảo cho người lao động bù đắp sức lao động giản đơn chứ chưa nói đến tích lũy để tái sản xuất sức lao động.
So với các nước trong khu vực, tiền lương tối thiểu ở Việt Nam thấp hơn khoảng 40%. Trong khi đó phần lớn doanh nghiệp lại lấy mức lương tối thiểu mà Nhà nước để làm gốc tham chiếu trả lương cho người lao động mà không dựa vào năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc.
Bà Hương cho rằng, chính các tồn tại trên đã dẫn đến nghịch lý, trong khi tỷ lệ thất nghiệp còn cao thì nhiều doanh nghiệp lại không thể tuyển đủ lao động phổ thông. Năm 2009, có tới hơn 100 nghìn chỗ làm việc còn trống cần lao động, trong đó 80% là lao động phổ thông. Tuy nhiên, các trung tâm giới thiệu việc làm chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu trên.
Dẫn chứng mới nhất là tại phiên giao dịch việc làm Hà Nội ngày 10/3 vừa qua, có đến 90 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng với nhu cầu tuyển lên đến 3.500 lao động nhưng chỉ tuyển được 312 lao động có nghề và 78 lao động phổ thông.
Ngoài ra, việc trả lương thấp không chỉ khiến cho lao động mà cả doanh nghiệp và khách hàng của doanh nghiệp cũng bị thiệt. Điển hình là từ năm 2002 đến nay Việt Nam phải đối đầu với khá nhiều vụ kiện bán phá giá. Trong đó, Việt Nam đã thua trong hầu hết các vụ kiện khiến xuất khẩu sản phẩm giảm, sản xuất bị thu hẹp, thu nhập công nhân giảm, thậm chí nhiều người mất việc làm, bạn hàng phải nhập hàng với giá cao.
“Nếu doanh nghiệp nâng giá một chút để bù vào khoản tăng lương thì khách hàng vẫn mua được hàng giá rẻ hơn so với khi mặt hàng đó bị đánh thuế chống bán phá giá”, bà Hương nói.
Đại diện phía Tổ chức Lao động Quốc tế, ông Kari Tapiola, Giám đốc điều hành phụ trách Khối tiêu chuẩn lao động, các Nguyên tắc và Quyền cơ bản tại nơi làm việc của ILO, cũng cho rằng, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về lao động việc làm khi đồng lương được trả không tương xứng với sức lao động..
Lương thấp, cộng với chi phí sinh hoạt cao ở khu vực thành thị khiến người lao động không muốn ở lại làm việc, không muốn tham gia vào thị trường lao động chính thức, làm mất đi động lực đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực và phát triển kỹ năng.
Công đoàn phải có thực quyền
Đánh giá về thị trường lao động Việt Nam, ông Kari Tapiola cho rằng, ở Việt Nam các thiết chế về quan hệ lao động vẫn tồn tại nhiều nhược điểm. Trong đó, hạn chế lớn nhất có thể nhìn thấy là gia tăng lượng đình công bất hợp pháp thời gian vừa qua.
Đình công bất hợp pháp là dấu hiệu cho thấy những bất cập và yếu kém căn bản của quan hệ lao động, phản ánh khung thiết chế chưa hoàn chỉnh, nhất là cơ chế giải quyết tranh chấp về quyền và khả năng tổ chức yếu, thiếu định hướng trong việc thực hiện chức năng đại diện và thương lượng tập thể.
“Tình trạng đình công ở nhiều khu vực công nghiệp tại Việt Nam cho thấy tác động tiêu cực của điều kiện làm việc dưới chuẩn”, ông khẳng định.
Đồng tình với nhận xét của ông Kari Tapiola, nhiều đại biểu cũng nêu lên thực trạng thiếu thực quyền của tổ chức công đoàn cơ sở khi đại diện cho người lao động tiến hành thương lượng, thỏa thuận với doanh nghiệp về quyền lợi của mình.
Ông Phùng Quang Huy, Trưởng ban Giới sử dụng lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho rằng đình công bất hợp pháp sẽ khó có thể chấp dứt khi quan hệ giữa người lao động và chủ sử dụng lao động còn mang tính hình thức, chưa được tiến hành thương lượng, thỏa thuận trong thực tế.
Theo ông, pháp luật nên quy định thỏa ước lao động tập thể là bắt buộc để có những chế tài phù hợp xử lý doanh nghiệp cũng như người lao động nếu làm trái luật.
Đối với hai chủ thể lớn nhất của quan hệ lao động là người lao động và chủ sử dụng lao động cũng phải xác định rõ lợi ích kinh tế của doanh nghiệp đều do hai bên tạo ra, vì thế cần phải thương lượng để lợi ích phải được chi sẻ công bằng thì mới đảm bảo được sự phát triển ổn định của doanh nghiệp.
(Theo Vũ Quỳnh // Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com