Dùng công nghệ Stabilizer tái chế nhựa ở tỉnh lộ 417 Hà Tây cũ |
Thực tế, việc tái chế nhựa đường giao thông sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho DN và chống được việc lãng phí một nguồn nguyên liệu khá lớn mà VN thường xuyên phải nhập từ nước ngoài vào trong nước. Nhưng để làm được việc này thì các DN đang chỉ chờ cơ chế từ Nhà nước.
Tập đoàn Indochia Group và Cty CP Thiết bị GTVT Viettraco, Bộ GTVT vừa tổ chức hội nghị khoa học giới thiệu công nghệ cào bóc tái chế nhựa đường giao thông theo công nghệ Nhật Bản (công nghệ Stabilizer- Sakai Nhật Bản) với nhiều ưu điểm, khắc phục được những điểm yếu của công nghệ truyền thống. Công nghệ Stabilizer- Sakai NB đã được thực hiện ở Nhật và nhiều nước tiên tiến trên thế giới nhưng chưa được ứng dụng tại VN do chưa có hành lang pháp lý.
DN ủng hộ nhưng... sợ không duyệt chi
Nhiều DN xây dựng cầu đường rất quan tâm đến công nghệ tái chế nhựa đường GT Stabilizer - Sakai Nhật Bản bởi những tính năng ưu việt, những lợi ích vượt trội của phương pháp này. Tuy nhiên, hầu hết các DN khi được hỏi đều chỉ ngại một điều duy nhất là sợ ngành chức năng quản lý nhà nước không duyệt kinh phí nếu thi công theo công nghệ mới. Thực tế là hầu hết đường GT dù đầu tư bằng nguồn kinh phí nào đi nữa thì cũng phải được các cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt. Ông Lý Đoàn Tín - GĐ Cty CP xây dựng Tín Phát cho biết: Công nghệ Stabilizer - Sakai NB tái chế nhựa đường GT tiết kiệm đến 80 - 90% chi phí mua và vận chuyển VLXD. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi làm đường tại các vùng đồng bằng, hải đảo mà VLXD làm đường phải vận chuyển nơi khác đến, nhiều khi phí vận chuyển cao hơn giá mua VLXD. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: Dù DN có thích làm, dù công nghệ mới có hay có tốt đến mức nào đi nữa mà cán bộ quản lý các địa phương không duyệt thì cũng không áp dụng được. Vì vậy, cần phải có sự tác động mạnh mẽ vào các cơ quan nhà nước, sự chỉ đạo từ Bộ GTVT...
Một kỹ sư thuộc TCty xây dựng Sài Gòn nói cũng đồng ý rằng công nghệ tái chế nhựa đường GT Stabilizer của Nhật có nhiều ưu điểm, tuy nhiên cái khó nhất theo kỹ sư này là chưa có quy định rõ ràng. Ví dụ như giá của máy móc thiết bị khoảng bao nhiêu, cách thi công như thế nào, làm thế nào để quyết toán...
Nhà đầu tư lo bị lỗ
Dù công nghệ tái chế nhựa đường GT Stabilizer Sakai NB chưa được áp dụng tại VN, nhưng Cty CP thiết bị GTVT Vietraco đã đầu tư cho công nghệ này nhiều chục tỷ đồng nên đang lo bị lỗ. Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Minh - TGĐ Cty Vietraco cho biết Cty đã đầu tư cho công nghệ tái chế nhựa đường Stabilizer Sakai hơn một năm. Sau khi thi công thí điểm trên cả nước, Cty sẽ lập hồ sơ về quy trình công nghệ, trình Bộ GTVT duyệt ban hành tiêu chuẩn VN... Cho đến nay Cty chưa hề thu một khoản lợi nhuận nào, dù đã chi phí rất lớn vì phải thi công thí điểm tại 3 điểm tại miền Bắc, đã chi hơn 36 tỷ đồng mua 1 máy cào bóc mặt đường và 1 máy Stabilizer...
Ông Minh tin rằng công nghệ tái chế nhựa đường GT Stabilizer Sakai NB chắc chắn sẽ được áp dụng tại VN. Do vậy Vietraco đang đầu tư theo hướng phát triển lâu dài, đi trước đón đầu. Các công trình thí điểm công nghệ đều được Cục đường bộ VN đánh giá kết quả tốt, Sở GTVT TP HCM vừa giao cho Vietraco dùng công nghệ này tái chế thí điểm 1 đoạn quốc lộ I, và một đoạn nội thành tại TP HCM, hiện các ngành chức năng rất ủng hộ...
Khi được hỏi những lo lắng của các DN về chuyển giao kỹ thuật, giá cả thiết bị, vấn đề sửa chữa thiết bị... ông Minh nói vấn đề đáng lo nhất là thời gian chờ ban hành các văn bản pháp lý cần thiết để triển khai rộng rãi công nghệ này, càng kéo dài thì DN sẽ càng lỗ nặng. Còn các vấn đề phát sinh khi áp dụng công nghệ mới như kỹ thuật, giá cả... thì sẽ được thị trường giải quyết ổn thỏa.
Thiếu hành lang pháp lý!
Giáo sư Trần Đình Bửu - Khoa Cầu đường Đại học Xây dựng Hà Nội phân tích: Vấn đề đường GT xuống cấp tại VN hiện vô cùng nan giải, công nghệ nâng cấp sửa chữa đường GT tại VN quá lạc hậu và thua kém công nghệ mới về nhiều mặt (như đã nêu). Tuy nhiên GS Bửu cũng nói rằng hiện các cấp quản lý nhà nước về GT chưa có bất cứ một văn bản nào làm hành lang pháp lý cho công nghệ này. Ông đang làm văn bản đề nghị Bộ GTVT ban hành các thông tư - hướng dẫn... để DN thực hiện.
Ông Bùi Xuân Trường - Trưởng Phòng Khoa học và hợp tác quốc tế Cục đường bộ VN cũng khẳng định lại các vấn đề mà GS Bửu đã nêu. Cục đường bộ VN đang làm văn bản đề nghị Bộ GTVT ban hành các văn bản cần thiết theo hướng ưu tiên, hỗ trợ các DN ứng dụng công nghệ Stabilizer - Sakai NB trong nâng cấp sửa chữa đường bộ. Công nghệ Stabilizer - Sakai NB đã được Cty Sakai tự thi công và hỗ trợ DN VN thi công thử nghiệm tại một số quốc lộ - tỉnh lộ tại VN, Cục đường bộ VN nghiệm thu và nhận thấy đạt chất lượng như thiết kế mới.
(Theo Phạm Nguyễn // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com