Các doanh nghiệp trong ngành phải theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các loại hàng hóa thiết yếu thuộc phạm vị sản xuất kinh doanh của đơn vị mình, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các kênh phân phối, các đại lý, các điểm bán hàng để kịp thời có các phương án, giải pháp điều tiết và bình ổn giá cả, đảm bảo không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây tăng giá đột biến, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người tiêu dùng. Đó là nội dung chính trong Chương trình hành động 2728/CTr-DKVN của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mới ban hành để thực hiện Nghị quyết 03NQ-CP của Chính phủ.
PV Gas luôn tìm các giải pháp bình ổn giá. Ảnh: CAO THĂNG |
23 triệu tấn dầu và 6 tỷ kWh điện
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT PVN Đinh La Thăng cho biết, với vai trò tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước, PVN nhận thức rất rõ tầm quan trọng đặc biệt của việc thực hiện các giải pháp trong kế hoạch năm 2010 và kế hoạch 5 năm 2006-2010. Trong đó PVN chú trọng gia tăng trữ lượng dầu khí lên 35-40 triệu tấn, nâng tổng sản lượng khai thác dầu khí quy dầu lên 23 triệu tấn (trong đó khai thác dầu 15 triệu tấn và khai thác khí 8 tỷ m3).
Đặc biệt, trong mùa nắng nóng, các nhà máy Điện Cà Mau 1, 2 và Nhà máy Điện Nhơn Trạch 1… phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Điện lực, đảm bảo huy động tối đa công suất của các nhà máy điện, bù đắp sản lượng điện thiếu hụt cho toàn mạng lưới. Tổng Công ty Điện lực Dầu khí-PV Power cho biết, theo chỉ đạo của PVN, tổng công ty hiện đang nỗ lực thực hiện Chỉ thị số 424 về tăng cường các biện pháp đảm bảo cung cấp điện mùa khô 2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, PV Power đã có những chỉ đạo quyết liệt nhằm phát điện tối đa các tổ máy từ nay đến hết mùa khô, phấn đấu đưa sản lượng điện đến hết tháng 6-2010 đạt và vượt 6 tỷ kWh điện, nâng tổng công suất điện đã phát của PV Power lên 1.950 MW với sản lượng điện chiếm khoảng 12% tổng nhu cầu cả nước.
Với các nguồn năng lượng khác, PVN yêu cầu vận hành an toàn và hiệu quả các đường ống dẫn khí và các công trình dầu khí khác, đẩy nhanh tiến độ triển khai phương án nhập khẩu khí đảm bảo cung cấp lâu dài, ổn định khí cho các hộ tiêu dùng trong nước.
Xăng dầu, gas: không thiếu và sốt giá
Trước tình hình mặt bằng giá cả nói chung có nhiều biến động, PVN chỉ đạo các đơn vị thành viên triển khai các giải pháp đảm bảo cân đối đủ các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước như: xăng, dầu, đạm, khí hóa lỏng… kiên quyết không để thiếu hàng, sốt giá. Các doanh nghiệp trong ngành phải theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các loại hàng hóa thiết yếu thuộc phạm vị sản xuất kinh doanh của đơn vị mình.
Từ đó, củng cố, xây dựng, phát triển các kênh phân phối sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trực tiếp, sao cho đến người tiêu dùng một cách thuận tiện với giá cả hợp lý.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ các kênh phân phối, đại lý, các điểm bán hàng. PVN cũng yêu cầu các đơn vị thành viên kịp thời và chủ động có phương án, giải pháp điều tiết và bình ổn giá cả, hoặc trình tập đoàn các giải pháp ứng phó trong trường hợp cần thiết, đảm bảo không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây tăng giá đột biến, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người tiêu dùng.
Riêng đối với mặt hàng gas, hiện nay các đơn vị thành viên của Tổng Công ty Khí-PV Gas đã có đủ kho lưu trữ chứa hàng ở quy mô lớn trên cả 3 miền Bắc-Trung-Nam. Tuy nhiên, do giá gas phụ thuộc vào thuế nhập khẩu, nên nếu được Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu chắc chắn sẽ không tăng giá trong thời gian tới.
Đề nghị giảm thuế nhập khẩu LPG
Mặt hàng LPG hiện nay trong nước đã sản xuất được, chiếm đến 50% tổng nhu cầu của cả nước, nhưng giá bán còn dựa trên công thức giá bán nhập khẩu bao gồm thuế nhập khẩu 5%. Việc này đã làm giá LPG tại thị trường nước ta lên quá cao và chưa hợp lý.
Để bảo đảm mục tiêu của chính phủ về kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế xã hội năm 2010 và những năm tiếp theo, PV Gas và Hiệp hội Gas VN đề nghị Bộ Tài Chính nghiên cứu, xem xét điều chỉnh mức thuế nhập khẩu mặt hàng LPG giảm từ 5% xuống 2%, tạo điều kiện để các doanh nghiệp kinh doanh LPG có cơ sở điều chỉnh giá bán, giảm bớt khó khăn cho người tiêu dùng và góp phần bình ổn giá theo chương trình của Chính phủ.
Đối với mặt hàng phân đạm, Tổng Công ty Phân bón-Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ) cho biết, dự kiến sản lượng đạt khoảng gần 800 ngàn tấn, xây dựng hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm rộng khắp với 42 cửa hàng trực thuộc, 58 đại lý và hơn 3.650 cửa hàng tại các vùng miền trong cả nước, đầu mối phân phối là 5 công ty TNHH một thành viên của tổng công ty.
Đặc biệt tổng công ty cũng xây dựng 11 cửa hàng đối chứng tại các vùng miền nhằm giúp người tiêu dùng khi mua hàng có thể đối chứng hàng thật – hàng giả - hàng không đảm bảo chất lượng hiện đang là hiện tượng nhức nhối trên thị trường.
Để đảm bảo đủ nguyên liệu cho Nhà máy Liên doanh Dung Quất, cùng với nguồn dầu thô khai thác trong nước, Tổng Công ty Dầu-PV Oil sẽ tiến hành nhập khẩu dầu thô phục vụ chế biến tại Dung Quất. Hiện PV Oil đang đàm phán với các đối tác lớn như BP, Shell... để đạt được thỏa thuận mua dầu thô dài hạn với dự kiến, mức dầu thô nhập khẩu để thay thế có thể lên đến 30% - 50% nhu cầu của nhà máy. Cùng với việc nhập khẩu dầu thô, thúc đẩy sản xuất tại Nhà máy Liên doanh Dung Quất, PV Oil và các đối tác còn xúc tiến xây dựng kho ngầm xăng dầu với số vốn đầu tư 340 triệu USD tại Khu Kinh tế Dung Quất. |
(Theo Nguyễn Thu Tuyết // SGGP Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com